Bộ Y tế 'mở đường' cho nhận phong bì sau điều trị?

Bộ Y tế 'mở đường' cho nhận phong bì sau điều trị?

Thứ 6, 29/03/2013 14:08

Ngày 25/3, bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tuyến tiếp tục lên tiếng: "Cấm cán bộ y tế nhận phong bì, quà cáp trước và trong quá trình điều trị nhưng không cấm bác sĩ nhận quà sau điều trị, vì đó là tấm lòng của người bệnh..."

Rất nhiều ý kiến băn khoăn về việc làm thế nào để phân biệt đâu là quà trước, trong và đâu là quà sau điều trị để có hình thức xử lý. Nếu không thực hiện nghiêm quy định này thì chẳng khác gì "vẽ đường cho hươu chạy?”.

Nhận phong bì trở thành thông lệ

Từ lâu, nhiều bệnh viện đã áp dụng quy định cấm bác sĩ nhận, người bệnh đưa phong bì nhưng vẫn không ngăn chặn được tình trạng này. Nhiều người thừa nhận rằng, việc đưa và nhận phong bì trong các bệnh viện đã trở thành thông lệ. Có điều phong bì ấy được người nhà bệnh nhân biếu trước để các bác sỹ nhiệt tình hơn trước khi phẫu thuật (hoặc điều trị) hay là để "cảm ơn" sau khi bệnh nhân đã được điều trị?!

Xã hội - Bộ Y tế 'mở đường' cho nhận phong bì sau điều trị?

Nhiều bệnh viện đã áp dụng quy định cấm y bác sĩ, nhân viên nhận phong bì từ bệnh nhân (Ảnh: Thiên Chương)

Đa phần các bệnh viện đều thực hiện quy định "nói không với phong bì". Theo ghi nhận của PV Người Đưa Tin, tại nhiều bệnh viện lớn như bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện Việt Đức, bệnh viện K… ở trước cửa các khoa, phòng đều có dán những khuyến cáo như: "Nghiêm cấm cán bộ y tế nhận tiền, quà biếu của người bệnh. Bệnh nhân và người nhà không được cho tiền nhân viên y tế, nếu vi phạm bệnh viện sẽ không phục vụ"; Hoặc: "Nếu bệnh nhân đưa thêm tiền cho nhân viên y tế ngoài hóa đơn của bệnh viện, bệnh nhân phải tự chịu trách nhiệm. Bệnh viện nghiêm cấm cán bộ nhân viên thu tiền của bệnh nhân ngoài quy định".

Vẫn biết quy định là như vậy, tuy nhiên, dường như với những người đang mang trọng bệnh, đầy lo lắng và đau đớn thì không mấy người để ý đọc những tờ thông báo của bệnh viện được in trên khổ giấy A4 khiêm tốn dán trên tường.

Thật ra, người đi khám bệnh khi đưa phong bì sẽ cảm giác yên tâm hơn, cũng như khi mình cần nhờ cậy ai việc gì. Nếu không có cái phong bì, chúng tôi sẽ cảm giác như sẽ không được việc", bác Lê Hữu Hùng, một bệnh nhân quê Nam Định đang điều trị tại bệnh viện E Hà Nội thẳng thắn chia sẻ.

Theo bác sĩ Bùi Quốc Công, phó trưởng khoa Gây mê hồi sức, bệnh viện E Hà Nội cho rằng, "văn hóa phong bì" đã trở thành nét riêng ở Việt Nam, nó hiện diện trong muôn mặt của cuộc sống, từ đám cưới, đám ma tới hội họp, ký kết. Theo ông Công, trong bệnh viện "văn hóa phong bì" có hai mặt: Sẽ là mất đạo đức khi vòi vĩnh bệnh nhân, nhưng thành niềm vinh dự nếu vì y bác sĩ làm tốt, làm đúng mà người bệnh muốn tự nguyện tặng để thưởng, cảm ơn. "Sự ghi nhận của người bệnh có thể chỉ là một lời khen, nhưng nếu thêm vật chất rõ ràng càng đáng trân trọng, tất nhiên cũng phải tùy điều kiện của họ", bác sĩ Công nói.

Bác sĩ Công kể, nhiều người sau khi bệnh nhân được mổ thành công, dù bác sĩ gây mê không hề trực tiếp gặp trước đó nhưng tới mấy ngày sau họ vẫn tìm bằng được để nói lời cảm ơn, trân trọng.

Chia sẻ với PV, bác Nguyễn Quang Nam (quê Bắc Ninh) một người nhà bệnh nhân đưa ra khi lý giải cho cả hai hành động đưa và nhận phong bì: Người đưa phong bì thì muốn tốt cho bệnh nhân để được sự quan tâm chu đáo hơn, còn bác sĩ nhận thì có thể để "bù đắp" cho chi phí khi xin vào bệnh viện này làm. Tuy nhiên, đôi lúc việc đưa phong bì đã như "luật bất thành văn", không có thì không nhận được sự chăm sóc chu đáo, tận tình của đội ngũ y bác sỹ. Gia đình bệnh nhân khác đưa tiền cho bác sỹ mà gia đình mình không có thì rất ngại. Thực tế này rất nhiều người đã từng gặp phải.

Xã hội - Bộ Y tế 'mở đường' cho nhận phong bì sau điều trị? (Hình 2).

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng: Việc đưa quà biếu sau điều trị đó là tấm lòng của người bệnh

Làm thế nào để phân biệt quà biếu trước hay sau?

Tại hội nghị triển khai quyết định của Thủ tướng Chính phủ về đề án giảm quá tải bệnh viện, tổ chức tại TP.HCM ngày 25/3, bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, bên cạnh việc ký kết giữa những người trong ngành, các bệnh viện yêu cầu người nhà bệnh nhân ký cam kết không đưa quà biếu. Những trường hợp đưa quà biếu bị phát hiện sẽ lập biên bản, nhắc nhở. Tại bệnh viện trực thuộc Trung ương, bác sĩ, điều dưỡng nếu nhận quà trước và trong quá trình điều trị sẽ buộc thôi việc ngay lập tức nếu camera quay được.

Biện pháp cấm cán bộ y tế nhận phong bì, quà cáp trước và trong quá trình điều trị đã được một số bệnh viện phía Bắc thực hiện. Dù Bộ Y tế chưa ra thông tư quy định nhưng tại hội nghị, bộ trưởng nêu vấn đề này để tham khảo ý kiến của các bệnh viện phía Nam. Giải thích cho lý do không cấm bác sĩ nhận quà sau điều trị, bà Bộ trưởng nhấn mạnh: "Theo văn hóa Việt Nam, việc đưa quà biếu sau điều trị đó là tấm lòng của người bệnh".

Rất nhiều cá nhân đồng tình với ý kiến này, chị Nguyễn Thị Lan, một người nhà bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) chia sẻ: "Tiền không phải là cách duy nhất khiến nhân viên y tế thay đổi thái độ phục vụ. Việc biếu quà sau quá trình điều trị thể hiện sự cảm ơn nếu thấy điều dưỡng hoặc bác sĩ tận tình. Đó là tấm lòng của người nhà bệnh nhân dành cho bác sỹ. Việc đó là dễ hiểu".

Chia sẻ với PV, một y tá cho biết, thực tế không phải ai cũng đưa phong bì cho nhân viên y tế. Hầu hết, các y bác sỹ vẫn đối xử, phục vụ bệnh nhân có hay không phong bì đều như nhau, chứ không hề cố tình làm đau hơn, khám chậm hơn hay tỏ thái độ vòi vĩnh. Dẫu sao khi làm mà nhận được chút tiền bồi dưỡng từ người bệnh và người nhà thì mình cũng thấy phấn khởi hơn, nhất là đối với y bác sỹ chuyên khoa phụ sản, hộ sinh…

Nhiều ý kiến khác cho rằng, vấn nạn phong bì cần giải quyết ở tầm vĩ mô, làm sao phải đảm bảo được đời sống cho nhân viên y tế để hạn chế tiêu cực, để việc nhận phong bì hay không nhận không ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Ngoài ra cũng cần tăng cường giáo dục người làm nghề mang tính nhân đạo này phải sống bằng cái tâm. Việc cấm đưa phong bì sau khi điều trị là không khả thi, thậm chí càng cấm thì càng phát sinh nhiều vấn đề.

Tại một Hội thảo bàn về Luật Khám bệnh, chữa bệnh vừa qua, đại biểu Hoàng Thị Hương cho rằng, phải nghiêm cấm những hành vi như thầy thuốc gợi ý đưa quà hay nhận tiền hoa hồng của bệnh nhân; cấm thầy thuốc cho tiền người môi giới của người bệnh cho mình; thu thêm tiền của bệnh nhân ngoài các khoản phải trả theo quy định, hay thương lượng ngầm giữa các bác sỹ và dược sỹ bán thuốc...

"Luật phải giải quyết được những tiêu cực trong cuộc sống, nghiên cứu xem thực tiễn khám, chữa bệnh ở nước ta có những hiện tượng này không, nếu có thì phải được cụ thể hóa trong luật để phòng ngừa, răn đe. Cần quy định cụ thể để tránh tình trạng bác sĩ khám bệnh qua loa, thiếu trách nhiệm gây tâm lý hoài nghi, mất niềm tin đối với người bệnh", bà Hương nói.

Ngay cả nhiều quan chức Nhà nước cũng bày tỏ, việc đưa phong bì cho bác sĩ không hẳn là xấu, xét về mặt tích cực thì đó là một hình thức biểu hiện sự cảm ơn. Nhưng điều quan trọng là "bác sĩ phải làm tròn trách nhiệm của lương y, dù có phong bì hay không, chứ không được phân biệt bệnh nhân này với bệnh nhân khác".                            

Quà cảm ơn không nhất thiết là tiền

PGS.TS Phạm Thúc Hạnh (trưởng Khoa Khí công -  Dưỡng sinh, bệnh viện Y học Cổ truyền Tuệ Tĩnh) chia sẻ: "Trước hết, chúng ta cần hiểu, cảm ơn là chữ "lễ". Chữ "lễ" ở đây có nghĩa là làm cho nhau một hành động tốt, giúp nhau qua cơn hoạn nạn, cứu sống nhau để người khác phải biết ơn và cảm ơn. Còn hành động đút lót là những việc mưu mô, tính toán. Nhiều bệnh nhân được bác sĩ nhận phong bì đã thấy mừng lắm, bởi nghĩ sẽ tận tâm cho mình. Còn bác sĩ thì nghĩ nhận để trấn an tinh thần cho bệnh nhân, không nhận họ lại nghĩ bác sĩ không nhiệt tình, hay chê ít. Tôi nghĩ, việc nhận cảm ơn ở đây không nhất thiết đó là tiền, có thể là một bài thơ, một bài báo, miễn sao thể hiện tấm lòng của người bệnh". 

Nhật Tân

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.