Nhiều năm nay, tình trạng vi phạm bản quyền, sử dụng sai mục đích và tùy tiện biểu tượng Chữ thập đỏ (CTĐ) đã gây ảnh hưởng lớn đến uy tín, hình ảnh và vị thế của Hội CTĐ cũng như ý nghĩa của hoạt động xã hội nhân đạo. Điều này đòi hỏi cần áp dụng các biện pháp, ban hành các quy định cần thiết, hoàn chỉnh để ngăn chặn.
Tại nhiều địa phương, tình trạng vi phạm bản quyền biểu tượng CTĐ diễn ra khá phổ biến. Điển hình, biểu tượng này được sử dụng tràn lan trong lĩnh vực y tế.
Ghi nhận của PV cho thấy, tại các bệnh viện, trạm y tế, phòng cấp cứu, trên bảng hiệu phòng khám, hiệu thuốc, xe cứu thương…;trên các phương tiện thông tin đại chúng (chuyên mục quảng cáo, các chương trình chăm sóc sức khỏe) đang lạm dụng biểu tượng CTĐ…
Việc sử dụng sai biểu tượng Chữ thập đỏ không những sai về bản chất, quy định của luật mà một số cá nhân, tổ chức còn sử dụng biểu tượng này để nhằm mục đích trục lợi bằng cách mạo danh hội, cán bộ hội vận động quyên góp, bán hàng từ thiện...
Khi PV đặt câu hỏi, vì sao không dùng biểu tượng của ngành Y tế mà lại sử dụng biểu tượng CTĐ để in trên bảng hiệu của nhà thuốc, chủ một hiệu thuốc (Hoàng Mai, Hà Nội) cho hay: “Thực ra mình cũng biết biểu tượng của ngành Y tế thế nhưng, từ trước đến nay, biểu tượng CTĐ đã quá quen thuộc ở những nơi có các hoạt động của ngành Y tế nên mình nghĩ dùng nó cũng không sao…”
Xác nhận thực trạng này, ông Nguyễn Huy Quang Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho hay, từ lâu, bộ Y tế đã có công văn, thông tư gửi tới toàn ngành y tế về việc không được sử dụng biểu tượng CTĐ trên nền trắng.
Cụ thể, ngày 29/10/2009, bộ Y tế ban hành Công văn số 7464/BYT-KCB về việc thực hiện quy định về sử dụng biểu tượng CTĐ, trong đó nêu rõ: Các cơ sở y tế chỉ sử dụng biểu tượng CTĐ khi tham gia các hoạt động CTĐ theo quy định tại Điều 2 của luật Hoạt động CTĐ; tại các cơ sở y tế và khi tiến hành các hoạt động y tế ngoài các cơ sở y tế, không phải hoạt động CTĐ, các cơ sở y tế không được sử dụng biểu tượng CTĐ.
Ngày 30/11/2015, bộ Y tế ban hành Thông tư số 45/2015/TT-BYT quy định về trang phục y tế. Tại khoản 3, Điều 3 của Thông tư chỉ rõ: “Trang phục y tế không được có biểu tượng CTĐ trái quy định của pháp luật về hoạt động CTĐ”
“Tuy nhiên, hiện tại một số bệnh viện (cụ thể ở khoa cấp cứu 24/24, xe cứu thương) vẫn sử dụng biểu tượng CTĐ. Để xử lý dứt điểm tình trạng này, bộ Y tế và hội CTĐ cần có sự phối hợp và chỉ rõ đơn vị sử dụng sai biểu tượng để chấn chỉnh”, ông Quang nói.
Theo đánh giá của ông Quang, các bệnh viện không lợi dụng biểu tượng này để trục lợi, có thể ở đâu đó, người ta sử dụng sai nhưng điều quan trọng là phải chỉ rõ đơn vị, cá nhân đã làm sai ở đâu, có gây nhầm lẫn giữa hoạt động mang tính chất nhân đạo với hoạt động y tế không, cái sai đó có phải vì mục đích tăng sự hấp dẫn đối với hoạt động y tế hay không, có phải là hình thức quảng cáo hay không để kiến nghị giải pháp.
Theo nhận định của ông Nguyễn Huy Quang, nguyên nhân dẫn đến việc sử dụng sai biểu tượng CTĐ là do nhận thức của cá nhân, đơn vị. Cụ thể, nhiều người nghĩ rằng đó là biểu tượng của ngành y tế. Từ đó dẫn đến cá nhân, tổ chức liên quan đã sử dụng dấu chữ thập đỏ làm biểu tượng, hoặc kết hợp làm biểu tượng của mình trong những hoạt động.
"Thời gian tới, để thay đổi thực trạng, làm sao nâng cao nhận thức tới người dân, tổ chức và doanh nghiệp biết được đó là biểu tượng của phong trào tổ chức nhân đạo. Dưới góc độ cơ quan quản lý nhà nước, hội Chữ thập đỏ và bộ Y tế cần có sự phối hợp, đưa ra giải pháp giúp việc sử dụng dấu chữ thập đỏ đúng mục đích", ông Quang cho hay.
Đánh giá về hệ thống cơ sở pháp lý của Việt Nam liên quan đến việc bảo vệ biểu tượng CTĐ, các chuyên gia pháp lý nhận định, Việt Nam đã tích cực ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhằm quy định, hướng dẫn việc sử dụng cũng như ngăn ngừa việc lạm dụng biểu tượng CTĐ. Tuy nhiên, cần hoàn thiện các quy định này, điển hình như việc sử dụng màu sắc, hình thức của biểu tượng CTĐ nhằm ngăn chặn các hành vi gây nhầm lẫn.
Hoạt động của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam từ khi thành lập đến nay luôn gắn liền với biểu tượng là hình chữ thập màu đỏ trên nền trắng - biểu tượng chung được phong trào Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế quy định. Biểu tượng Chữ thập đỏ được tôn trọng và được pháp luật bảo hộ. Ngày 4/7/2013, cục Bản quyền tác giả (bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã cấp giấy chứng nhận đăng ký bản quyền tác giả về Biểu trưng hội Chữ thập đỏ Việt Nam cho Trung ương hội Chữ thập đỏ Việt Nam.
Ngày 3/6/2008, luật Hoạt động Chữ thập đỏ đã được Quốc hội khoá XII thông qua tại kỳ họp thứ III và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2009. Tại Chương III (điều 14, 15 và 16) của luật hoạt động Chữ thập đỏ có quy định về biểu tượng chữ thập đỏ và nghiêm cấm hành vi sử dụng biểu tượng Chữ thập đỏ trái pháp luật.
H.L