Từ việc vận động người thân cho đến các hình thức mua bán like ảo đều được chủ nhân tận dụng triệt để.
Quảng cáo sản phẩm bằng... like
Dạo một vòng quanh các trang mạng xã hội, không khó để mục sở thị nhưng đường link được chia sẻ rộng rãi mang nội dung mời gọi người chơi nhanh tay đăng ký tham gia dự thi với căn cứ xét giải được tính bằng like. Theo chị Thục Anh (Kim Mã - Hà Nội) cho biết hiện tại đang phổ biến nhất là những cuộc thi ảnh đẹp cho bé. Cuộc thi này được tổ chức trên các trang mạng xã hội với thể lệ được tính bằng vote (like) rồi từ đó quy ra số điểm chủ nhân sở hữu. Sau thủ tục đăng ký tham gia khá đơn giản, người chơi chỉ việc thao tác bằng một cú kích chuột để share (chia sẻ) ảnh về facebook cá nhân của mình rồi đính kèm lời "kêu gọi" bạn bè like ủng hộ là có thể chính thức tham gia vào đội quân "chạy đua like bằng mọi cách".
Một cuộc thi ảnh xét giải bằng like. (Ảnh minh họa)
Chị Thục Anh chia sẻ, thực chất đây là một chiêu tận dụng mạng xã hội để thực hiện chiến dịch quảng cáo của các nhãn hàng. Thay vì bỏ ra số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng để quảng cáo trên các phương tiện truyền thông chủ các nhãn hàng đã tranh thủ tận dụng những công cụ mà mạng xã hội trao cho người chơi để nhằm mục đích gián tiếp thu hút sự chú ý. Từ đó các cuộc thi diễn ra trên mạng ảo liên tục nở rộ như: "Vào bếp ảo, đồ ăn thật", "ảnh đẹp cho bé"... Đặc biệt là các cuộc thi ảnh dành cho trẻ nhỏ là thị trường béo bở thu hút các bà mẹ trẻ tham gia.
Thông thường ban tổ chức các cuộc thi cũng như tài trợ các quà tặng dành cho người rinh giải chính là đại diện các nhãn hàng. Quà tặng có thể được quy ra tiền nhưng hầu hết đều bằng sản phẩm của chính nhãn hàng đó, chỉ khác nhau về số lượng tùy theo mức độ cao thấp của giải. Ngoài ra một số nhãn hàng còn liên kết với các nhãn hàng khác để tranh thủ hỗ trợ quảng bá cho doanh nghiệp bạn bằng việc sử dụng những sản phẩm của họ để trao giải.
Về phía ban tổ chức khi đề ra thể lệ cuộc thi đều dựa trên tiêu chí ngầm "không đi đâu mà thiệt". Cụ thể họ luôn đề ra tiêu chuẩn để được phép nộp hồ sơ bằng số lượng like tối thiểu mới được lọt qua cửa hồ sơ. Thông thường số lượng like cho vòng loại này khá ít, từ 20 - 30 like nên hầu như bất kỳ người nào tham gia cũng đều đạt được mục tiêu còn ban tổ chức thì nghiễm nhiên ngồi chơi xơi nước mà số lượng người truy cập vào trang web của mình cứ tăng lên vù vù.
Chị Thục Anh cho biết: "Những like hợp lệ nghĩa là không được phép like trực tiếp trên FB của người tham gia mà phải kích vào ảnh để dẫn đường cho mọi người like trên trang web đó". Tuy nhiên đối với "dân thi" chuyên nghiệp thì giải của ban tổ chức thường không phải là mục tiêu chính của người chơi mà tâm lý bất kỳ ai đã tham gia cũng đều nhằm đến giải like với hàng trăm những phần quà có giá trị cùng những hứa hẹn tôn vinh đầy hấp dẫn từ phía các nhà tài trợ. Thông thường để đạt được giải này, ban tổ chức có căn cứ để quy định, phổ biến cách tính điểm đươc quy đổi thành điểm theo các tiêu chí như : 1 like = 1 điểm, 1 comment (bình luận) = 2 điểm, 1 share (chia sẻ) = 3 điểm. Nếu xét theo tiêu chí này càng nhiều hoạt động kích cầu của chủ nhân thì nhãn hàng càng được nhiều người biết đến còn người chơi cũng được hưởng lợi xứng đáng.
Thị trường mua bán like ảo rầm rộ trên mạng
Bỏ tiền thật để mua like ảo
Để chạy đua trên mạng ảo đòi hỏi người chơi phải tốn khá nhiều thời gian và công sức, thậm chí cả tiền bạc cho những cuộc mua bán trao đổi. Thu Nga là một thành viên nổi tiếng trên một diễn đàn lớn dành cho trẻ thơ bật mí chiêu câu like khá hiệu quả đó là tích cực mở rộng danh sách bạn bè để gián tiếp tìm sự trợ giúp trên mạng ảo: "Khi mình kêu gọi trên facebook cá nhân thì càng nhiều bạn càng có cơ hội sở hữu lượt like cao".
Thu Nga nói vui: "Đôi khi muốn đạt được mục đích thì phải... chai mặt". Thấy chúng tôi có vẻ ngơ ngác, Thu Nga vui vẻ cắt nghĩa: “Để thúc đẩy “câu” like cho kịp tiến độ cả về thời gian và về số lượng buộc người chơi phải bỏ thời gian "canh" facebook, còn tay thì liên tục nhấn chia sẻ lên tường nhà bạn bè, đánh dấu họ trong mỗi comment (bình luận) hay đơn giản là ngồi gửi tin nhắn đến bạn bè để nhắc nhở. Đối với những người quen thân, nhiệt tình thì sẽ vui vẻ ủng hộ nhưng có không ít những người bạn khó tính lại cho rằng việc làm này chỉ dành cho kẻ rỗi hơi còn mình là nạn nhân bị làm phiền bất đắc dĩ”.
Áp lực “câu” like phụ thuộc vào độ "hot" của cuộc thi cũng như giá trị giải thưởng cho người thắng cuộc. Theo quy định chung của ban tổ chức thường có hạn quy định về thời gian và số lượng like người tham dự đạt được để làm căn cứ xét giải. Có cầu ắt có cung nên trên các ngóc ngách mạng ảo nhanh chóng xuất hiện các chiêu mua bán like được bán công khai với nhiều "gói" khác nhau.
Với những like được bán lẻ thường có mức giá dao động từ 150 đồng cho đến vài ngàn đồng. Mức giá này phụ thuộc vào độ "hot" của cuộc thi với những căn cứ xét giải quy định mức like ngất ngưởng. Tuy nhiên, hình thức mua bán này còn phổ biến theo những gói lớn áp dụng cho từng website. Dạo một vòng quanh các trang mua bán trực tuyến chúng tôi không khỏi hoa mắt bởi những lời chào bán được đăng lên nhan nhản của dân buôn như: "3.000 like cho mua sắm thông minh" hoặc "1.000 like cho các cuộc thi ảnh"... Đính kèm theo đó là những mức giá được chào bán khác nhau, từ 500 nghìn - 1 triệu đồng/gói.
Ngoài ra trước sức áp lực về thời gian hoàn thành định mức cho số lượng like cũng là một tiêu chí để áp dụng mức giá. Với số lượng like khủng bắt buộc phải hoàn thành gấp trước 24h giá thường bị đội lên gấp đôi, thậm chí gấp ba giá gốc. Chính vì nhu cầu like ảo để phục vụ cho những cuộc thi trên mạng nên thị trường mua bán like ngày càng phát triển còn người buôn like mặc nhiên ngồi hưởng lợi.
Phất nhờ kinh doanh like ảo Theo tiết lộ của một dân buôn like chuyên nghiệp trên mạng tên Tùng Anh thì để luôn có sẵn những gói like với số lượng lớn bán cho khách họ phải có một thời gian dài nuôi "fan" (đội quân chuyên nhấn like khi có đơn hàng). Muốn thiết lập được đội ngũ này, các đầu mối buộc phải có quan hệ rộng để "nhờ vả" những khi cần. Đối tượng hướng tới chủ yếu là những người nhàn rỗi, chuyên làm việc trên mạng hoặc dân văn phòng công sở…Trước đây thì việc nhấn like này chủ yếu "giúp nhau là chính". Tuy nhiên sau này nhận ra có thể kiếm chác được nên để dân buôn sở hữu like của mình thì một thỏa thuận về giá cả nhanh chóng được thiết lập. "Vì vậy, với chiêu “mua tận gốc, bán tận ngọn” thì nhiều dân buôn vẫn phất lên trông nhờ thứ dịch vụ kinh doanh ảo này", Tùng Anh cho biết. |
Linh Nhi