Dư luận vô cùng bàng hoàng về một loạt vụ tai nạn khủng khiếp đã cướp đi rất nhiều sinh mạng, gây tổn thất lớn về người và tài sản trong thời gian qua. Nguyên nhân gây tai nạn giao thông thì nhiều nhưng một trong nguyên nhân không thể không kể đến là vấn nạn bằng lái xe giả, bằng thật học "giả" đang gây nhức nhối dư luận.
Việc đào tạo, sát hạch lái xe hiện nay còn nhiều kẽ hở - Ảnh minh họa
Những thủ đoạn làm giả tinh vi
Theo một điều tra viên của Công an tỉnh Bắc Giang thì có lẽ chưa bao giờ, giấy phép lái xe (GPLX) lại được làm giả như thật một cách dễ dàng và tinh vi như hiện nay. Theo tìm hiểu của PV Người đưa tin thì chỉ trong thời gian ngắn, Nguyễn Văn Điều, Phạm Minh Cường, Nông Hồng Nhung (ở Lục Nam, Bắc Giang) đã câu kết nhận 87 bộ hồ sơ, để làm giấy phép lái xe môtô hạng A1 cho khách có nhu cầu mua thẳng (tức là không cần học, không phải đi thi sát hạch, thi lý thuyết và thực hành mà vẫn có bằng).
Để làm được GPLX, Nguyễn Văn Điều yêu cầu khách hàng phải nộp ảnh và CMND bản gốc. Sau đó, Điều đã thiết lập hồ sơ giả bằng cách thuê người ở cùng xã đi thi hộ với giá 200 nghìn đồng/1hồ sơ. Để hợp thức hóa trình tự thủ tục trong thi cử sát hạch, Điều cũng yêu cầu người đi thi thuê, nộp ảnh và CMND bản gốc rồi lấy ảnh của người thi thuê dán vào hồ sơ của người mua. Sau khi hoàn thiện bộ hồ sơ giả, Điều mang đến các trường lái xe thuộc Sở GTVT tỉnh Bắc Giang để nộp hồ sơ thi sát hạch.
Trước khi vào thi, Điều đưa cho người đi thi thuê CMND của người mua GPLX nhưng đã thay ảnh của người đi thi thuê vào và dặn: "Phải xưng đúng tên trong hồ sơ chứ không phải tên thật của mình". Sau khi đã thi sát hạch xong và được cấp GPLX hạng A1, Điều lấy ảnh của người mua thay vào hồ sơ và giấy phép lái xe, còn ảnh của người thị hộ được Điều đem dán và ép trả lại cho người đi thi hộ, kèm theo 200 nghìn đồng tiền công. Như vậy, mọi công đoạn đã được hoàn tất, chỉ cần ngồi ung dung đợi lấy bằng.
Quá trình điều tra vụ án, Cơ quan cảnh sát điều tra (Công an tỉnh Bắc Giang) đã làm việc với Sở GTVT của tỉnh để thu thập tài liệu liên quan đến việc tiếp nhận hồ sơ đào tạo, tổ chức sát hạch và cấp gấy phép lái xe mô tô hạng A1 đối với các trường hợp có nghi ngờ gian lận. Hiện, Công an tỉnh Bắc Giang đã có đủ chứng cứ xác định. Để làm được 87 hồ sơ, tương đương với 87 GPLX xe mô tô hạng A1, Nguyễn Văn Điều đã thuê 51 người là công dân thuộc xã Mỹ An, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đi thi thuê tại các trường dạy nghề do Ban sát hạch của sở GTVT tỉnh Bắc Giang tổ chức. Ngoài ra, Điều còn cử người nhà trong đó có cả vợ con anh em đi thi thuê để kiếm lời. Thậm chí, có người Điều còn cử đi thi tới 4-5 lần.
Ngày 12/9/2012, Cơ quan cảnh sát điều tra (Công an tỉnh Bắc Giang) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can bắt tạm giam Nguyễn Văn Điều, Phạm Mạnh Cường, Nông Hồng Nhung, Phùng Thị Thu Hà về tội "Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức xã hội" được quy định tài Điều 267-Bộ luật Hình sự.
Bằng lái xe ngày càng được làm giả một cách tinh vi
Kẽ hở vì "vừa đá bóng vừa thổi còi"
Vụ việc ở Bắc Giang trên đây chỉ là một trong số những ví dụ về tình trạng làm bằng thật nhưng học giả. Dư luận quan tâm và đặt ra nhiều câu hỏi: Vậy còn bao nhiêu bằng thật học giả, bằng giả chưa được cơ quan chức năng phát hiện? Tại sao một người như Điều lại có thể làm giả hồ sơ, qua mắt được hội đồng thi một cách dễ dàng?.
Bà Ngọc Mai, một cán bộ hưu trí, ở Bắc Giang cho rằng: "Thứ nhất, một số người dân ở vùng cao, miền núi, người dân tộc thiểu số tại tỉnh Bắc Giang không biết chữ, nhưng vẫn có nhu cầu đi lại. Nắm bắt được tâm lý này, một số đối tượng đã lợi dụng thời cơ để trục lợi. Thứ hai, do quản lý lỏng lẻo của các cơ quan chức năng, nên một số người đã tìm cách lách luật. Thực tế, tôi thấy làm bằng lái xe ô tô còn khó chứ làm bằng lái xe máy thì… vô tư. Cứ nộp 500 nghìn đồng là có bằng, rất nhanh gọn, chẳng phải thi cử, sát hạch. Tôi nghĩ cứ như thế này, vô hình trung chỉ làm cho một nhóm người có chung lợi ích giàu lên một cách bất chính".
Nói về nguyên nhân khiến tình trạng mua bán, sử dụng GPLX giả hoành hành trong thời gian qua, thượng tá Trần Sơn (Công an Hà Nội) cho biết: Đó là do sự nhận thức của một bộ phận người dân về Luật giao thông đường bộ, các quy định có liên quan đến người điều khiển phương tiện tham gia giao thông còn kém, thiếu ý thức. Thay vì tìm đến các cơ sở đào tạo, tham gia sát hạch bằng lái xe, số người này đã tìm đến dịch vụ cung cấp bằng lái xe "chớp nhoáng" không học cũng đỗ, thậm chí còn mua GPLX giả nhằm đối phó với lực lượng chức năng khi bị kiểm tra. Ngoài ra, một số đối tượng vì tư lợi đã tạo nguồn cung trong thị trường "đen" mà không biết rằng hành động sản xuất, mua bằng giả dẫn đến hậu quả gây tai nạn khôn lường.
Một chuyên gia giao thông cho rằng: Xảy ra tình trạng trên là do bộ GTVT vừa đào tạo, vừa sát hạch tổ chức thi, vừa cấp bằng nên một số trường đào tạo đã xảy ra tiêu cực thi hộ, thi thuê… Để quản lý tốt việc đào tạo, cấp bằng lái xe, một số ý kiến cho rằng nên chăng giao trách nhiệm quản lý vấn đề trên cho Bộ công an, tránh tình trạng "vừa đá bóng vừa thổi còi" như hiện nay.
Hình phạt và hướng có thể thay đổi Theo Điều 267 -Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009: Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc bị tù từ sáu tháng đến ba năm. Theo tìm hiểu của phóng viên thì được biết, Bộ Công an vừa có công văn số 308/BCA-C61 gửi Thủ tướng Chính phủ về việc Đề nghị chuyển giao công tác sát hạch giấy phép lái xe sang Bộ Công an quản lý. |
Lương Liễu