Thông tin từ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) - Công an tỉnh Hải Dương cho biết, đơn vị này đã kết luận điều tra vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Vụ án có 14 đối tượng, trong đó đối tượng cầm đầu trong vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên là Nguyễn Thị Phương (SN 1984, trú tại phường Quang Trung, TP. Hải Dương).
Theo tài liệu điều tra, khoảng từ tháng 6/2013 đến tháng 9/2015, Phương vào làm việc tại bộ phận nhân sự Công ty M. đóng trên địa bàn huyện Thanh Hà. Tại đây, Phương được giao nhiệm vụ theo dõi báo cáo tăng, giảm người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) và đề nghị thanh quyết toán chế độ BHXH cho người lao động làm việc trong .
Quá trình làm việc, Phương phát hiện trong công tác quản lý tham gia đóng BHXH và thanh quyết toán chế độ BHXH thai sản, sinh con của Công ty M. và BHXH huyện Thanh Hà có nhiều sơ hở nên Phương nảy lòng tham.
Để thực hiện hành vi phạm tội của mình, Phương đã bàn bạc với các đối tượng phụ trách kế toán trưởng, nhân viên bộ phận nhân sự phụ trách báo cáo tăng giảm công nhân lao động và làm sổ BHXH, Chủ tịch Công đoàn phụ trách nhân sự của phân xưởng MK1 đóng tại đường Ngô Quyền (TP. Hải Dương) và một số công nhân Công ty M. làm giả hồ sơ người lao động để trục lợi BHXH.
Nhóm này lợi dụng những lao động là nữ, trong độ tuổi sinh đẻ, đang mang thai, là lao động tự do, không tham gia đóng BHXH ở đâu. Phương và đồng bọn đã dày công tìm, lọc hồ sơ của những lao động đó, lấy thông tin, lập khống hợp đồng lao động, tờ khai tham gia đóng BHXH, BHYT. Sau đó, Phương lập danh sách người lao động để trình lãnh đạo Công ty M. ký cho họ tham gia BHXH, BHYT.
Tổng số hồ sơ nhóm đối tượng trên tìm được cho đến lúc bị phát hiện là gần 40 hồ sơ và được phía Công ty M. bỏ ra 212 triệu đồng để đóng BHXH. Sau đó, cả 36 lao động “giả” đã được BHXH huyện Thanh Hà cấp sổ BHXH, thẻ bảo hiểm y tế và được Hoa, Phương làm thủ tục mở tài khoản thẻ ATM cho cả 36 người.
Mọi việc diễn ra suôn sẻ, Phương cùng đồng bọn đợi cho các trường hợp trên có đủ 6 tháng tham gia BHXH, các đối tượng đã làm giả giấy khai sinh con của những người này, đề nghị BHXH huyện Thanh Hà thanh toán chế độ thai sản. Số tiền chiếm đoạt được các đối tượng thỏa thuận: người tìm hồ sơ được 3 triệu đồng một bộ, trả cho việc công chứng, chứng thực giấy khai sinh 500 nghìn đồng một trường hợp, còn lại chia đều cho mỗi người.
Để thực hiện hành vi phạm tội, đối tượng Phương đã lên mạng internet lấy mẫu giấy khai sinh, chỉnh sửa thông tin con của 36 trường hợp trên cho phù hợp với tên mẹ, thời gian sinh và thời gian đóng BHXH. Sau đó, cắt phần chữ ký, con dấu của UBND nơi cấp ở bản sao giấy khai sinh thật dán vào bản khai sinh đã được Phương chỉnh sửa và photo lại thành một bản giấy khai sinh hoàn chỉnh, nhờ Trần Thị Hằng và Lưu Đức Giang (thuộc đội bảo vệ của Công ty M.) đi chứng thực số giấy khai sinh trên.
Với các giấy tờ đã được nhóm của Phương dày công làm cho “hợp lệ”, BHXH huyện Thanh Hà đã duyệt, chi trả cho Công ty M. tổng số tiền trên 595 triệu đồng cho 32 trường hợp.Có tiền, Phương cùng đồng bọn tiếp tục lập danh sách đề nghị này chuyển trả số tiền trên và 32 thẻ ATM mà các đối tượng đã lập khống trước đó.
Sau khi trừ các khoản chi phí và ăn chia, nhóm để lại quỹ chung là 50 triệu đồng. Trước khi sự việc bị “vỡ lở”, đối tượng Phương còn trực tiếp cấu kết với Nguyễn Thị Hương (SN 1993, trú tại xã Tiền Tiến, Thanh Hà) tranh thủ làm giả 12 hồ sơ khác và chiếm đoạt của BHXH trên 271 triệu đồng. Tổng số tiền Phương và đồng bọn đã chiếm đoạt của cơ quan bảo hiểm là gần 900 triệu đồng, đến nay đã thu hồi được gần hết.
Công an triệt phá nhiều vụ lừa đảo trục lợi bảo hiểm Hẳn nhiều người còn nhớ, đối tượng Nguyễn Thị Trang (SN 1983, trú tại Hà Nội) mua bảo hiểm cho con gái. Tuy nhiên con gái Trang ốm trước khi mua bảo hiểm nên không thanh toán được tiền bảo hiểm. Do quen biết nên Trang nhờ Nghiêm Thị Yến (SN 1990, trú tại Hà Nội) là nhân viên của bệnh viện nơi cháu bé điều trị sửa chữa và hợp thức hóa giấy tờ. Sau đó, con của Trang được thanh toán gần 10 triệu đồng tiền bảo hiểm. Thấy việc làm giả hồ sơ chiếm đoạt tiền bảo hiểm dễ dàng, Trang và Yến lại tiếp tục bàn bạc với nhau về việc lập hồ sơ, giấy tờ, tài liệu khống và giả mạo chữ ký của các bác sĩ để chiếm đoạt.Yến và Trang còn thỏa thuận số tiền chiếm đoạt đươc sẽ chia nhau theo tỷ lệ 50/50. Cả hai làm giả 2 bộ hồ sơ đề nghị thanh toán bảo hiểm với số tiền hơn 100 triệu đồng thì bị phát giác. |
Theo cán bộ của Phòng PC46, việc các đối tượng liên tiếp thực hiện được hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản như vậy cũng một phần do sự tắc trách của cán bộ địa phương. Cụ thể ở đây là một phó chủ tịch và cán bộ tư pháp của một xã ở huyện Thanh Hà do quen biết và thiếu trách nhiệm trong công việc nên đã chứng thực cho các đối tượng mà không so sánh với bản chính. Ngoài ra, trong vụ án này có tổ chức chặt chẽ, phân công công việc rõ ràng.
Thời gian gần đây, số vụ sử dụng phương thức thủ đoạn tinh vi để trục lợi bảo hiểm xã hội diễn ra khá nóng, mức độ nghiêm trọng ngày càng tăng. Về thủ đoạn, chủ yếu có sự móc ngoặc của những người làm công tác bảo hiểm, có am hiểu và thường sử dụng những kẽ hở để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Xuân Hòa