Thôn Cát Trầu, xã Tiền Phong, huyện Thường Tín, Hà Nội từ lâu nổi tiếng nghề sản xuất chăn, ga, gối đệm. Tại đây, ngày nào cũng có những đoàn xe nối đuôi nhau chở những bao bì chăn mới, chăn cũ, nguyên liệu rác phế thải... đến và đi tấp nập.
Theo tiết lộ của một người dân nơi đây, tất cả nguyên liệu dùng để sản xuất chăn đều là rác phế thải, được thu gom khắp nơi trên mọi miền đất nước, có những chiếc chăn rách, bẩn, được người dân vứt đi, họ nhặt đem về, phân loại, phơi khô dùng để sản xuất chăn hoặc xuất khẩu sang Trung Quốc.
Nguyên liệu sản xuất chăn được phơi giữa đường. Ảnh: Bee.net
Công việc làm ăn, buôn bán tại thôn Cát Trầu rất phát triển, từ người già đến trẻ nhỏ đều tham gia làm chăn nhái, người thì phân loại rác (ruột chăn hỏng), người thì đem phơi nắng, người thì tẩy trắng nguyên liệu, người thì dệt chăn... tất cả đều làm việc rất chuyên nghiệp.
Tại thôn Cát Trầu, đời sống sinh hoạt của người dân rất sung túc, đâu đâu cũng nhà cao tầng, xe ô tô trị giá bạc tỷ nằm san sát nhau, nhà nào cũng sắm tivi, loa đài hiện đại, nội thất sang trọng, cổng làng to rộng, được xây khang trang, lộng lẫy... "tất cả đều nhờ vào nghề làm chăn nhái mà có", một bác xe ôm tiết lộ.
Tuy nhiên, việc kiếm được bộn tiền nhờ vào nghề làm chăn nhái nơi đây cũng tạo ra những hệ lụy đáng báo động, dòng sông Cụt (thuộc sông Nhuệ) đã bị những nguồn nước thải từ đống phế liệu sản xuất chăn đổ ra khiến mực nước đen kịt, thối rữa, rác phủ kín hai bên bờ khiến ai đi qua cũng phải rùng mình sợ hãi.
Mỗi ngày, trung bình một xưởng sản xuất sẽ cho ra lò khoảng 20 bộ chăn, ga, gối, đệm, tất cả đều được dán nhãn mác hàng hiệu, hàng nhập khẩu với các mức giá khác nhau. "Trông bề ngoài thì chăn rất đẹp và xịn chứ thực chất trong ruột toàn là sợi bông bẩn được phơi ngoài đường, bám những lớp bụi dày và mồ hôi từ người làm ra chúng" - một chú lái xe chuyên chở chăn đi giao cho các đầu mối ở tỉnh tâm sự.
Được biết, có tới 80% người dân thôn Cát Trầu sinh sống bằng nghề làm chăn nhái với khoảng gần 50 bộ máy sản xuất chăn công nghệ cao được nhập khẩu từ Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc với giá trên dưới một tỷ đồng.
Thôn Cát Trầu có truyền thống sản xuất chăn từ 500 năm nay, nhưng mấy chục năm trở lại đây, nền kinh tế phát triển mạnh, cơ chế mở cửa, làm ăn cũng thoáng hơn trước, người dân nơi đây đã dần chuyển từ chỗ làm chăn chân chính từ những sợi bông thật sang chế biến chăn từ rác phế thải. Với thủ đoạn tinh vi này, mỗi chiếc chăn sản xuất ra sẽ lời gấp nhiều lần so với cách sản xuất chăn truyền thống.
Thoại Mỹ