Bóc mẽ những chiêu buôn thần bán thánh ở Long An

Thứ 6, 28/12/2012 00:02

Dù đã nhiều lần bị cơ quan chức năng dẹp bỏ nhưng thời gian gần đây, nhiều người dân khắp mọi miền trên cả nước lại tấp nập đổ về "khu vườn kỳ lạ" ở ấp Tân Hội, xã Đức Lập Thượng, huyện Đức Hòa, Long An để nghe lời đồn nhảm nhí "đức trời phù hộ cho tai qua nạn khỏi, sống mạnh khỏe".

PV đã thâm nhập thực tế khu vườn nói trên để vạch mặt những trò lừa đảo của các đối tượng "dựng đứng" câu chuyện.

Những người mê tín chờ "chữa bệnh" tại khu vườn nhảm nhí

"Cò" vây người bệnh

Đến xã Đức Lập Thượng, hỏi người dân đường đến "khu vườn kỳ lạ" ai cũng biết đường đi. Thậm chí khi gần tới hành khách còn được người dân gần đó quan tâm chuyện ăn ở, hướng dẫn chuyện thuê phòng, chuyện ăn uống, chuyện chữa bệnh... một cách vồn vã.

Khu vườn do ông Nguyễn Văn Sống và bà Nguyễn Thị Ngoan làm chủ có diện tích khoảng 2000m2, trồng cây ăn trái và dưới đất là rải đá thảm nhỏ, trên những nhành cây có treo bảng ghi những lời yêu cầu mọi người giữ vệ sinh, trật tự và "cấm quay phim chụp hình". Ở giữa khu vườn có một ngôi nhà lát gạch, trong đó có một căn phòng khoảng 20m2 dành cho người bệnh ngồi cầu nguyện "thiên sứ".

Có khoảng 300 người đến từ khắp nơi, mang theo chiếu, gối, mùng mền vào khu vườn. Người dân tới chữa bệnh chủ yếu là ở tỉnh xa. Họ đến đây vì tin theo lời đồn đại, cô Nguyễn Thị Kim Hồng là con gái gia đình chủ vườn, là người được mệnh danh là "thiên sứ", luôn "tỏa sáng bên mình một nguồn năng lượng có khả năng chữa bệnh kỳ diệu"!

Trong vai một người bị bệnh đau xoang nặng, tôi được một số người nhiệt tình mời chào. Một người phụ nữ cho rằng mình đã khỏi bệnh thần kinh tọa nhờ "cầu nguyện tại khu vườn" nói thao thao bất tuyệt: "Bệnh của tôi chữa hoài mà không hết, tôi phải tốn nhiều tiền thuốc rồi nhưng nó cứ hành tôi hoài, nghe bà bạn tôi kể ở khu vườn lạ tại Long An chữa bệnh mau khỏi lắm mà không mất tiền thuốc, tiền viện phí, lại trị bệnh hiệu quả, tôi tức tốc đến và sau ít ngày khỏi bệnh liền".

Thấy tôi có vẻ chưa hoàn toàn tin tưởng, một người phụ nữ khác ngồi cùng con gái 5 tuổi bên góc nhà cũng chạy qua góp chuyện: "Tôi đưa đứa con 7 tuổi đi chữa đau dạ dày, hôm nay cũng được một tuần thấy nó đỡ nhiều lắm, cô cứ ở đây chữa trị khỏi thì về, ai lấy tiền đâu mà sợ". Khi được hỏi, chị có thấy giấy xác nhận bệnh viện là đứa con của bạn chị đã khỏi bệnh tim bẩm sinh không thì người này liến thoắng: "Trời, tôi làm gì phải xem giấy tờ gì mất thời gian, với lại vào vườn này ai thu phí gì đâu, mình muốn khỏi bệnh thì đi thôi, có tin thì có được mà".

Để tăng độ "ép - phê", một người phụ nữ khoảng 60 tuổi khác đứng lên trấn an nhóm người mới đến: "Tôi từng bị ung thư vú giai đoạn cuối nè, nằm chờ chết nghĩ mà rầu lắm. May mà đứa con gái đưa vào đây, nhờ trời thương nên nay đã ăn uống được, khỏe mạnh bình thường, giờ cô mừng lắm, sắp về nhà được rồi đó".

Tràn lan dịch vụ ăn theo

Hầu hết người bệnh đến khu vườn đều phải ở lại thời gian dài. Do đó việc ăn ở là chuyện được quan tâm nhiều. Khi lân la tìm phòng bên ngoài để thuê lâu dài, tôi được chị chủ nhà kế vách khu vườn dắt đi xem phòng, tùy điều kiện người bệnh, có người ít tiền họ đành chấp nhận nằm giường tre 15 ngàn đồng/một đêm, chưa kể tiền điện nước. Những người ở lâu dài họ thường thuê nguyên phòng ở, một căn phòng khoảng 12m2, có giá 1,8 triệu chưa kể điện nước. Ra xa khu vườn một đoạn khoảng 50m, giá trọ rẻ hơn chút đỉnh, một phòng có giá 1,6 triệu đồng, rẻ hơn là do bà chủ này "ưu ái" cho những người chịu khó chữa bệnh dài dài. Một người đàn ông hiện ở quận Bình Thạnh, TP.HCM đang tiến hành xây nhà cho thuê loại "VIP" dành cho những người nhiều tiền đến ở chữa bệnh, theo ông "phải đầu tư phòng tốt để đáp ứng nhiều người có điều kiện sống khá giả".

Người bệnh xếp hàng chờ lấy “nước thánh”

Bên cạnh đó, dịch vụ bán chạy nhất là can nhựa đựng nước loại 20 lít, có giá 40 ngàn đồng/cái. Theo "quy định" thì mỗi người không được lấy quá 2 lít nước một lần, nhưng thực tế người ta xếp thành hàng những loại can 20 lít. Cùng nhiều mặt hàng khác bán "đắt như tôm tươi" là mùng, mền, chiếu, gối, thức ăn...

Ngoài ra còn xuất hiện một người phụ nữ bán dầu dừa chữa bệnh theo kiểu "mua giùm". Nghe mấy bà rỉ tai nhau rằng đây là "loại thuốc chữa rất hữu ích, chỉ cần cho một ít xào với đồ ăn là có thể khỏi bệnh ngay, hay đơn giản đau chỗ nào thì xoa chỗ đó". Người phụ nữ cho biết quê tận Đà Lạt, ai muốn mua phải trực tiếp đến đây chữa bệnh, và đưa tiền trước cô mới giúp, chưa "cái này hiếm lắm", mỗi lít dầu dừa cô bán 150 ngàn đồng/một lít. Nếu ai mua nhiều thì lấy 120 ngàn đồng/một lít. Khi tôi hỏi thăm mua về dùng thử, chị ta bảo phải đến đây ở điều trị lâu, và đưa tiền trước thì mới bán còn mua về thì không bán được, và không có hàng.

"Lợn lành hóa lợn què"

Đi tìm hiểu nhiều nguồn tin tôi mới nhận ra những lời nói về "hiệu quả chữa bệnh" chỉ là chuyện hoang đường. Đang tranh thủ ăn trưa trước khi đáp máy bay về quê Thái Bình, anh Nguyễn Văn Hạnh tố khổ: "Trước đây tôi hay rượu chè nên đau dạ dày nặng lắm. Gia đình tôi nhất là mẹ tôi một mực kêu tôi đi vào đây chữa bệnh đau dạ dày cho khỏi, vì bà nói người ta đồn ở đây chữa bệnh giỏi lắm. Thu xếp tiền nong tôi xin nghỉ một tuần nên đi máy bay cho nhanh vào mong chữa bệnh mau mau còn về đi làm. Biết tình hình không được gì cả thế này tôi sẽ lấy tiền đó để dành nuôi con còn hơn".

Mẹ con chị Huyền, quê Cà Mau, bị liệt nửa người, nghe tin đồn ở đây chữa bệnh không mất tiền, lại nhanh khỏi nên hai mẹ con dắt nhau tới khu vườn lạ. Chạy vạy được mấy triệu đồng chi phí cho tiền xe cộ, tiền ăn uống, nhà ở để trang trải gần nửa tháng, nay đã hết sạch nhưng bệnh tình không chuyển biến chút nào, người mẹ đành quyết định đưa con ra về. éo le thay, trong túi bà đã hết sạch tiền, nhìn thấy tội nghiệp, nhiều người góp tiền cho mẹ con chị về.

Chứng kiến những cảnh tượng ở khu vườn, chúng tôi đã đưa vấn đề này trực tiếp đến lãnh đạo chính quyền địa phương và được nhận những phản hồi "không giống ai". Khi được hỏi về tình hình quản lý khu vườn ở địa phương, ông Nguyễn Văn Cọp, Trưởng công an xã Đức Lập Thượng nói: "Chúng tôi không thể trả lời vấn đề này với báo chí, vì đây là vấn đề nhạy cảm, đòi hỏi phải có sự chỉ đạo từ trên về chúng tôi mới trả lời".

Còn theo ông Nguyễn Khắc Tú, Chủ tịch UBND xã Đức Lập Thượng: "Đây hoàn toàn là chuyện bịa đặt từ người dân rồi họ kéo nhau đi chữa bệnh chứ ở địa phương không ai đi, không ai tin mấy chuyện hoang đường đó. Còn tình hình quản lý thì phải liên hệ với lãnh đạo trên huyện chứ chúng tôi không trả lời vần đề này".

Trao đổi với PV, ông Lê Thanh Liêm, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Long An cho biết, đây là câu chuyện có từ lâu và là chuyện nhảm nhí mà người dân đồn đại lên rồi tự tìm đến. "Chúng tôi đã phối hợp với các cấp dẹp cách đây mấy năm nhưng không hiểu sao người dân ở đâu cứ tìm đến. Đây không phải là cơ sở chữa bệnh, thực tế chúng tôi đã phối hợp với Sở Khoa học Công nghệ của tỉnh Long An, nghiên cứu khảo sát tình hình ở đây, kết luận không có một nguồn năng lượng nào có khả năng chữa bệnh cả", ông Giám đốc Sở Y tế khẳng định.

Lành Nguyễn

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.