Thực tế, nhiều thợ sửa điều hòa khi gặp những chủ nhà “khó nhằn” có chút kiến thức về máy móc cũng không dám khai man, “làm thuốc”, hét giá. Đây cũng là một trong những điều đầu tiên, người dùng phải quan tâm trước khi nghĩ đến việc gọi thợ đến bảo dưỡng cho máy.
Theo anh Sơn, chủ cửa hàng kinh doanh máy lạnh trên đường Nguyễn Lương Bằng, Hà Nội chia sẻ, thì một trong số những chiêu phổ biến khá hiệu quả hiện nay trong việc móc hầu bao khách hàng của các “thợ vườn” là luôn tạo tâm lý sốt ruột để dễ dàng thực hiện hành vi gian lận. Lưu ý, khi gọi thợ, bạn nên tham khảo những nguồn tin cậy từ bạn bè, người quen hoặc những cơ sở sửa chữa uy tín, không nên gọi thợ “dạo”.
Trong quá trình thợ kiểm tra, bạn cần luôn giám sát để tránh tình trạng lợi dụng sự vắng mặt của gia chủ để giả vờ thay thế linh kiện hoặc chọc ngoáy khiến máy điều hoà của bạn càng hư hại thêm. Nếu trong trường hợp thợ báo giá quá cao so với mặt bằng chung, bạn nên khất hẹn sửa sau để thêm thời gian tham khảo giá từ nguồn tin cậy khác để tránh mất tiền oan.
Cũng theo anh Sơn, đa phần những người thợ “vô lương tâm” thường lợi dụng sự không hiểu biết của khách để “thuốc” những lý do hỏng hóc không có thực như dây đồng tiếp gas bị đứt, chất lượng kém phải thay thế, van gas hở hoặc tấm vi mạch bị chết, tụ bị hỏng…. Tuy nhiên, “tuyệt chiêu” hiệu quả nhất để moi tiền khách hàng lại là gian lận về giá và công “nhiệt tình” mua thiết bị của thợ. Nếu độ dài ống thực tế khoảng 5m, có khi thợ sẽ khai thành 7-8m hoặc thậm chí là gấp đôi, gấp ba. Đơn cử như việc thay một cái tụ, có thợ hét giá tận 400.000 đồng, trong khi giá thực tế lại rẻ đến “không tưởng” vỏn vẹn 30.000 đồng. Trong trường hợp này thì dù có là “hữu nghị” hay “tình cảm” thì mặc nhiên họ cũng bỏ túi 370.000 đồng, mà không mất “giọt mồ hôi” nào.
Ngoài ra, một chiêu móc tiền “hiểm” khác của thợ là thường viện ra những lý do thiếu máy móc, cần đem về cửa hàng, xưởng để kiểm tra. Với “kế sách” này, khả năng cao bạn không những chỉ bị chặt chém thêm tiền, mà còn bị đánh tráo thiết bị kém chất lượng hơn. Vì thế, dù lý do gì thì bạn cũng cần phải “chọn mặt gửi vàng” thật kỹ trước khi gật đầu.
Bơm thiếu gas cũng là mánh phổ biến được các thợ ưa dùng. Trong trường hợp bị thợ sửa chữa báo điều hòa hết gas, bạn nên chú ý kiểm tra những điểm sau: Nếu bị xì hết gas hoặc nếu bị thiếu gas thì máy sẽ kém lạnh, có hiện tượng bám tuyết ngay van ống nhỏ của dàn nóng, dòng điện hoạt động thấp hơn dòng định mức ghi trên máy. Trong một số máy điều hòa không khí, khi bị thiếu gas board điều khiển sẽ tự động tắt máy sau khoảng 5-10 phút và báo lỗi trên dàn lạnh. Nếu buộc phải gọi thợ đến, bạn cũng nên giám sát quá trình bơm gas và cần kiểm tra “thành phẩm” thật kỹ, tránh tình trạng thợ để hở mối hàn khiến gas mau xì hết trong thời gian ngắn.
Đ.Huệ
(Còn tiếp)