Video: Phẫu thuật cứu sống bệnh nhân có lá lách to gấp 30 lần bình thường
Ngày 12/4, tin từ bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh, tỉnh Đồng Nai cho biết, các bác sĩ tại bệnh viện này vừa phẫu thuật bóc tách thành công một khối lách “khổng lồ” lớn gấp 30 lần lách bình thường (lá lách trong cơ thể người trưởng thành khỏe mạnh có chiều dài từ khoảng 7 cm (2,8 inches) đến 14 cm (5,5 inches). Nặng từ 150 gram (5,3 oz) đến 200 gram (7,1 oz)) cho một bệnh nhân nam.
Nam bệnh nhân có lá lách “khủng” này là ông Nguyễn Ngọc Hiếu 46 tuổi, ngụ ấp Tân tiến, xã Tân Hiệp, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai.
Theo thông tin, trước đó ông Hiếu được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng suy kiệt, thiếu máu trầm trọng, da xanh, niêm mạc nhợt nhạt, bụng chướng to, lá lách to quá rốn, to bất thường, gây phá hủy hồng cầu, thiếu máu trầm trọng.
Qua thăm khám, các bác sĩ phát hiện ông Hiếu có khối lách to hơn bình thường, trướng ra chèm lên cao. Nên các bác sĩ tiến hành xét nghiệm máu, kết quả xét nghiệm cho thấy hồng cầu 1,3 triệu, HGB 36g/lit, Hct 11,8%, tiểu cầu 72G/L.
Ngoài ra bác sĩ cũng phát hiện ông Hiếu có lách to độ 4, gan to, dãn tính mạch cửa nên xác định đây là cường lách, chỉ định mổ cắt lách.
Tiến hành mổ, do lá lách quá to, viêm dính, xô đẩy các tạng xung quanh, gây mất cấu trúc giải phẫu cuống lách nên khó xác định đâu là tĩnh mạch,... nên bác sĩ phẫu thuật viên phải quyết định kẹp cuống lách và lấy gạc ép vào cuống lách để cầm máu, giảm chảy máu. Bác sĩ nhanh chóng tiến hành bóc tách những mô viêm xung quanh lách để cắt lách, rồi sau đó mới tiến hành khâu cuống lách nhanh chóng. Trong và sau mổ ê kíp mổ phải truyền 27 đơn vị máu cùng nhóm B, trong đó có 4 đơn vị tiểu cầu.
Sau 2 tiếng đồng hồ ca mổ thành công, các bác sĩ bóc tách được một khối lách to gấp 30 lần lách thông thường.
Theo bác sĩ CKI, Phan Văn Phong, Trưởng khoa Ngoại tổng quát - Tiết niệu thì đây là một ca bệnh nghiêm trọng. Nếu mổ không khéo bệnh nhân có khả năng tử vong trên bàn mổ rất cao do mất máu. Và khối lách này nếu không được can thiệp kịp thời, để càng lớn có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe và có khả năng tử vong cao. Sau khi được phẫu thuật, hiện sức khỏe bệnh nhân Hiếu đã ổn, mạch, huyết áp ổn, da hồng hào, vết mổ khô, tốt.
Bác sĩ Phong cũng khuyến cáo người dân thường xuyên khám sức khỏe tổng quát, tầm soát để sớm phát hiện những bất thường trong cơ thể nhằm can thiệp sớm, kịp thời. Trường hợp phát hiện cường lách nên đến cơ sở y tế để can thiệp, tránh để lách quá to, hạn chế biết nhưng “dấu” và chấp nhận duy trì tình trạng bệnh.
Trong khi đó chia sẻ với PV, nam bệnh nhân Hiếu cho biết, ông là người rành về Đông y và trước đó cũng thường xuyên thăm khám tại các bệnh viện ở TP.HCM. Qua thăm khám ông cũng biết được lách có các vấn đề bất thường, nhưng ông đã dùng thuốc Đông y để “tiết chế” lại. Tuy nhiên, chỉ đến lúc không thể chịu đựng được ông mới nhờ bác sĩ can thiệp.
“Tôi sai lầm khi để quá lâu, nên mong mọi người nếu khám phát hiện tình trạng bệnh như tôi thì nên đến nhờ y học can thiệp sớm. Lỡ để quá muộn có điều gì xảy ra không hay thì ân hận lắm”, ông Hiếu chia sẻ.