Bốc thăm để xác minh tài sản và thu nhập của cán bộ sẽ được thực hiện thế nào?

Bốc thăm để xác minh tài sản và thu nhập của cán bộ sẽ được thực hiện thế nào?

Đồng Xuân Thuận

Đồng Xuân Thuận

Thứ 3, 02/06/2020 10:00

Theo dự thảo Nghị định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, việc lựa chọn người được xác minh ngẫu nhiên được thực hiện bằng hình thức bốc thăm hoặc sử dụng phần mềm lựa chọn ngẫu nhiên.

Bộ Tư pháp hiện đang thẩm định dự thảo Nghị định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức do Thanh tra Chính phủ chủ trì soạn thảo.

Đối tượng áp dụng gồm cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập; cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan trong kiểm soát tài sản, thu nhập; Người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập; cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan trong việc kê khai, công khai, giải trình, xác minh tài sản, thu nhập, xử lý vi phạm quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập.

Đây đều là các đối tượng liên quan trực tiếp đến các nội dung quy định trong luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2019 về kiểm soát tài sản, thu nhập và Nghị định này.

Chính sách - Bốc thăm để xác minh tài sản và thu nhập của cán bộ sẽ được thực hiện thế nào?

Hình thức bốc thăm xác minh tài sản và thu nhập của cán bộ sẽ được thực hiện thế nào? (Ảnh minh họa)

Trình tự, thủ tục yêu cầu, thực hiện yêu cầu cung cấp thông tin về tài sản, thu nhập

Điều 31 Luật Phòng, chống tham nhũng quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập đã quy định Cơ quan này có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin về tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai để phục vụ việc xác minh tài sản, thu nhập và giao Chính phủ quy định trình tự, thủ tục yêu cầu, thực hiện yêu cầu cung cấp thông tin nêu trên (khoản 3 Điều 31).

Dự thảo Nghị định đã quy định tại Chương II về nội dung này, trong đó quy định cụ thể về Quyền yêu cầu, trách nhiệm thực hiện yêu cầu cung cấp thông tin, trình tự, thủ tục yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị cung cấp thông tin; Trình tự, thủ tục cung cấp thông tin của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Dự thảo quy định riêng Điều 8 về trình tự, thủ tục yêu cầu và thực hiện yêu cầu cung cấp thông tin đối với doanh nghiệp, tổ chức thuộc khu vực ngoài nhà nước và cá nhân, trong đó bao gồm tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, đồng thời quy định Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam không được từ chối cung cấp thông tin phục vụ hoạt động kiểm soát tài sản, thu nhập vì lý do giữ bí mật thông tin khách hàng.

Do việc cung cấp thông tin về tài sản là vấn đề nhậy cảm, nhất là thông tin ngân hàng nên các quy định trong dự thảo đã vận dụng và bám sát các quy định hiện hành của Chính phủ về việc giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Nghị định số 191/2018/NĐ-CP ngày 11/9/2018 của Chính phủ, bảo đảm chặt chẽ và thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật.

Công khai bản kê khai tài sản, thu nhập

Luật Phòng, chống tham nhũng giao Chính phủ quy định chi tiết về thời điểm, hình thức và việc tổ chức công khai bản kê khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người kê khai thường xuyên làm việc, công khai Bản kê khai của người dự kiến được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc dự kiến bầu giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại doanh nghiệp nhà nước.

Chương IV Dự thảo Nghị định đã quy định việc công khai bản kê khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị bằng hình thức niêm yết tại trụ sở cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người có nghĩa vụ kê khai thường xuyên làm việc.

Thời điểm công khai chậm nhất là 5 ngày kể từ ngày cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng người có nghĩa vụ kê khai bàn giao Bản kê khai cho Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có thẩm quyền. Thời gian niêm yết là 30 ngày.

Bản kê khai tài sản, thu nhập của người dự kiến được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại cơ quan, tổ chức, đơn vị được công khai bằng hình thức công bố và niêm yết tại cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm.

Bản kê khai của người dự kiến bổ nhiệm, bầu giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại doanh nghiệp nhà nước được công bố và niêm yết tại cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm khi tiến hành bổ nhiệm hoặc tại cuộc họp của Hội đồng thành viên khi tiến hành bầu các chức vụ lãnh đạo, quản lý.

Bốc thăm xác minh tài sản, thu nhập hàng năm của cán bộ

Luật Phòng, chống tham nhũng giao Chính phủ quy định chi tiết tiêu chí lựa chọn người có nghĩa vụ kê khai được xác minh và việc xây dựng, phê duyệt kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập hằng năm đối với người có nghĩa vụ kê khai được lựa chọn ngẫu nhiên.

Chương V Dự thảo Nghị định đã quy định việc xây dựng kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập hàng năm phải đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống tham nhũng.

Chậm nhất là ngày 30/1 hàng năm, người đứng đầu cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập tổ chức việc xây dựng kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập hàng năm và phê duyệt, trong đó xác định cụ thể các cơ quan, tổ chức, đơn vị được xác minh.

Số cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa vào kế hoạch xác minh hàng năm tối thiểu bằng 10% số cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền kiểm soát.

Đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị còn lại đưa vào kế hoạch xác minh hàng năm tối thiểu bằng 20% số cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền kiểm soát.

Việc lựa chọn người được xác minh ngẫu nhiên được thực hiện bằng hình thức bốc thăm hoặc sử dụng phần mềm lựa chọn ngẫu nhiên. Số người được lựa chọn xác minh ngẫu nhiên tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của cơ quan Kiểm soát tài sản, thu nhập nhưng ít nhất là 2 người tại mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị được xác minh theo kế hoạch, trong đó có ít nhất 1 người là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Cũng theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng, ngoài việc xác minh ngẫu nhiên hàng năm thì việc xác minh còn được tiến hành trong nhiều trường hợp khác như: có dấu hiệu rõ ràng về việc kê khai tài sản, thu nhập không trung thực; có biến động tăng về tài sản, thu nhập từ 300.000.000 đồng trở lên so với tài sản, thu nhập đã kê khai lần liền trước đó mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc; có tố cáo về việc kê khai tài sản, thu nhập không trung thực và đủ điều kiện thụ lý theo quy định của Luật Tố cáo; có yêu cầu hoặc kiến nghị của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền theo quy định tại Điều 42 của Luật này.

Do đó, Điều 18 Dự thảo Nghị định quy định tiêu chí lựa chọn người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập được xác minh ngẫu nhiên theo kế hoạch hàng năm chỉ tập trung vào đối tượng thuộc diện phải kê khai tài sản, thu nhập hàng năm.

Một số trường hợp sẽ không lựa chọn để xác minh như những người đang bị điều tra, truy tố, xét xử, đang điều trị bệnh hiểm nghèo được cơ quan y tế có thẩm quyền xác nhận; Người đang học tập, công tác ở nước ngoài từ 12 tháng trở lên… Việc lựa chọn đối tượng không xác minh nêu trên được quy định tương tự như những trường hợp chưa chuyển đổi vị trí công tác đã được Chính phủ quy định trong Nghị định số 59/2019/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng.

Xử lý vi phạm đối với người kê khai

Khoản 4 Điều 94 Luật Phòng, chống tham nhũng giao Chính phủ quy định chi tiết việc xử lý kỷ luật đối với hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mà không phải là hành vi tham nhũng được quy định tại Khoản 1 Điều 94. Đối với hành vi vi phạm quy định về nghĩa vụ trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm thì Luật Phòng, chống tham nhũng đã quy định rõ về hình thức xử lý tại Điều 51.

Do đó Chương VII của Dự thảo Nghị định quy định viện dẫn Điều 51 và quy định chi tiết việc xử lý kỷ luật đối với vi phạm quy định về thời hạn kê khai tài sản, thu nhập và một số vi phạm khác về kiểm soát tài sản, thu nhập, đồng thời quy định cụ thể thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật đối với hành vi vi phạm các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập và việc công khai quyết định kỷ luật.

Hoàng Mai

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.