Tổng cộng, gia đình của 346 nạn nhân xấu số trong tai nạn máy bay Boing 737 Max sẽ nhận được khoảng 50 triệu USD tiền bồi thường.
Hai tai nạn thảm khốc với cùng loại máy bay Boeing 737 Max trong vòng 5 tháng ở Ethiopia và Indonesia đã khiến 346 hành khách tử nạn. Sau tai nạn, dòng 737 Max đã bị cấm bay từ tháng 3/2019 để phục vụ điều tra và tìm ra nguyên nhân vụ việc.
Hãng Boeing công bố Quỹ hỗ trợ tài chính cho gia đình các nạn nhân trị giá 50 triệu USD từ tháng 7/2019. Các gia đình có thể gửi hồ sơ để nhận bồi thường từ tháng này đến năm 2020. Mỗi gia đình sẽ nhận khoảng 144.500 USD. Bên cạnh đó, các gia đình vẫn có quyền khiếu nại lên tòa án.
Boeing tuyên bố, sau khi hoàn tất bồi thường cho các gia đình, phần còn lại 100 triệu USD của quỹ sẽ được chuyển đến các chương trình giáo dục và phát triển khác. Giám đốc điều hành Boeing, Dennis Muilenberg khẳng định việc mở quỹ bồi thường là "bước tiến quan trọng" trong nỗ lực chia sẻ mất mát với gia đình các nạn nhân.
"Chúng tôi mong muốn thể hiện sự cảm thông sâu sắc nhất đến các gia đình của các nạn nhân trên các chuyến bay này”, ông nói.
Tuy nhiên, đại diện luật sư của một số gia đình cho hay khoản bồi thường này không đủ bù đắp các thiệt hại mà hãng đã gây ra. Nhiều người quyết định sẽ khởi kiện hãng bay.
Cho đến nay, đã có gần 100 vụ kiện nhằm vào Boeing được thực hiện bởi ít nhất trên 10 công ty luật đại diện cho gia đình các nạn nhân vụ rơi máy bay 737 Max của hãng Ethiopian Airlines. Những người gặp nạn trong chuyến bay này đến từ 35 quốc gia khác nhau.
Luật sư Kenneth R Feinberg, người phụ trách quỹ bồi thường của Boeing, cho hay việc nhận tiền hỗ trợ hoàn toàn là hành vi “tự nguyện”. Nó không đi kèm cam kết từ bỏ quyền khởi kiện lại hãng. Trước đó, luật sư Feinberg từng đảm nhiệm quản lý quỹ bồi thường cho nạn nhân cuộc khủng bố 11/9 ở Mỹ và vụ tràn dầu Deepwater Horizon.
Trước khi xảy ra thảm họa, dòng B737 Max từng là niềm tự hào của Boeing với doanh số bán chạy nhất lịch sử.
Dòng máy bay “đắt hàng” nhất của Boeing, 737 MAX, đã bị cấm bay trên toàn toàn thế giới sau khi một máy bay loại này của hãng hàng không Ethiopian Airlines hồi tháng 3 vừa qua bị rơi khiến toàn bộ 149 hành khách và 8 thành viên phi hành đoàn thiệt mạng.
Trong vụ tai nạn máy bay của hãng hàng không Lion Air hồi tháng 10/2018, chiếc Boeing 737 MAX cũng rơi và chìm xuống biển Java của Indonesia không lâu sau khi cất cánh từ thủ đô Jakarta, khiến toàn bộ hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng.
Các đều tra sơ bộ cả hai vụ tai nạn trên cho thấy lỗi Hệ thống tăng cường tính năng điều khiển bay (MCAS), còn gọi là hệ thống lái tự động trong trường hợp nguy hiểm, được thiết kế đặc biệt cho dòng 737 MAX có thể là nguyên nhân dẫn tới tai nạn.
Tuy nhiên, tính tới ngày hôm nay Giám đốc Cục Hàng không Liên bang Steve Dickson cho biết Boeing vẫn chưa thể cung cấp dịch vụ trở lại do một số công đoạn kỹ thuật cập nhật phần mềm chưa thể hoàn tất.
Hồi tháng 7, Boeing ước tính vụ khủng hoảng 737 Max sẽ khiến hãng này thiệt hại tới gần 5 tỷ USD.