Thông tin gần đây gây chú ý dư luận khi một số ý kiến cho rằng, Nhà nước cần tính toán đến việc bồi thường cho nạn nhân, gia đình nạn nhân trong án oan sai khi cơ quan chức năng không tìm ra thủ phạm.
Dẫn chứng cho quan điểm này, một số người đưa ra vụ việc xin lỗi oan ông Hàn Đức Long đã bị cản trở bởi người nhà nạn nhân bức xúc tới gây rối trật tự. Gia đình bị hại quá bức xúc vì chưa tìm được hung thủ hiếp dâm và hại chết người thân của mình nên đã không chấp nhận chuyện ông Hàn Đức Long bị oan và được xin lỗi.
Liên quan đến vấn đề này, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình).
PV: Thưa đại biểu, vụ xin lỗi oan ông Hàn Đức Long đã bị gây rối bởi chính người nhà nạn nhân khi họ bức xúc chưa tìm ra được thủ phạm thực sự gây ra vụ án. Ông nghĩ sao về đề xuất cần bồi thường cho gia đình nạn nhân trong những trường hợp như thế này?
ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương: Tôi nghĩ, đề xuất Nhà nước bồi thường cho nạn nhân, gia đình nạn nhân trong án oan sai khi cơ quan chức năng không tìm ra tội phạm là vô lý, không khả thi. Quan điểm của tôi, chỉ khi những người thay mặt cho Nhà nước xử lý các vụ án oan sai, tổ chức Nhà nước và cá nhân (tùy vào mức độ sai phạm) phải chịu trách nhiệm bồi thường.
Thực tế, các đối tượng phạm tội không bị phát hiện không ít, Nhà nước lấy tiền đâu ra để bồi thường tất cả? Hơn nữa, việc này vô tình sẽ trở thành Nhà nước lấy tiền ngân sách của dân đóng góp để bồi thường cho tội phạm. Như thế, tội phạm có thể thoải mái gây tội để Nhà nước bồi thường?
Không loại trừ những đối tượng cố tình gây sự để được Nhà nước bồi thường, được nuôi. Dung túng cho tội phạm như vậy là không được. Ý kiến đề xuất này không khả thi. Nhà nước có thể có một khoản tiền hỗ trợ, trợ cấp một phần nào đó, xoa dịu nỗi đau của gia đình nạn nhân, không thể gọi là bồi thường.
PV: Được biết, một số nước phát triển cũng đã thực hiện việc bồi thường này. Vậy việc áp dụng vào Việt Nam có gì vướng mắc?
ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương: Cần phân tích và nhìn nhận, ở các nước này họ bồi thường như thế nào, dưới dạng nào. Mỗi nước có điều kiện khác nhau sẽ có những chính sách khác nhau.
PV: Ông Hàn Đức Long bị oan và xứng đáng nhận lời xin lỗi từ cơ quan chức năng khiến ông vướng hàm oan hàng chục năm trời. Ông có bình luận thế nào khi một số ý kiến cho rằng, oan hàng chục năm nhưng lời xin lỗi chỉ trong vài phút?
ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương: Câu chuyện ở đây, gia đình chưa thỏa mãn với kết quả điều tra. Khi chưa tìm ra thủ phạm, họ phản ứng như vậy với ông Hàn Đức Long là tâm lý hết sức bình thường. Không hẳn do ghét ông Hàn Đức Long mà có thể xuất phát từ chính tâm lý bức xúc khi cơ quan chức năng chưa tìm ra được hung thủ trực tiếp gây ra vụ án.
Chúng ta cần thông cảm. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng trong quá trình xét xử cần phải làm đúng, làm trúng vấn đề. Không phán xử, thậm chí phán xử nhiều lần, gây oan sai làm cho nhân dân mất lòng tin tưởng.
Thực ra cuộc sống không có gì tuyệt đối mà chỉ tương đối thôi. Do đó, không loại trừ việc oan sai xảy ra trên thực tế. Oan sai nhiều năm nhưng xin lỗi cũng chỉ trong vài phút là thực tế. Nhưng tôi nghĩ thời gian xin lỗi bao nhiêu không quan trọng, chỉ cần xin lỗi trân trọng và khắc phục tốt hậu quả. Không thể so sánh như vậy được, càng không thể xin lỗi kéo dài hàng năm trời.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Xem thêm>>>
Vụ Hàn Đức Long: Đề xuất bồi thường cho nạn nhân án oan?
Dương Thu (thực hiện)