Sáng 31/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước (sửa đổi). Đa số ý kiến ĐBQH cho rằng, dự thảo luật cơ bản đã đạt mục tiêu đề ra, tháo gỡ khó khăn vướng mắc của luật hiện hành, quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng cơ quan. Tuy nhiên, còn một số ý kiến các ĐBQH băn khoăn về nội dung quy định tại dự thảo luật.
ĐBQH Điểu Huỳnh Sang (đoàn Bình Phước) đề nghị dự thảo luật cần quy định cụ thể và xác định rõ giữa trách nhiệm của các cơ quan bảo vệ pháp luật để những quy định của pháp luật đi vào cuộc sống. Hơn nữa, đây cũng là uy tín, danh dự của các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Liên quan đến nguyên tắc bồi thường của Nhà nước, ĐBQH Điểu Huỳnh Sang quan tâm đến khoản 2, Điều 4 quy định: "Nguyên tắc thương lượng trong quá trình bồi thường”.
ĐBQH Điểu Huỳnh Sang đồng tình với nguyên tắc này và cho rằng: “Bồi thường Nhà nước cần tuân thủ nguyên tắc thiệt hại đến đâu bồi thường đến đó. Việc thương lượng nếu có phải mang tính chất nhân văn, nghĩa là thương lượng phải thúc đẩy quá trình bồi thường được nhanh hơn, có lợi cho nhân dân hơn, chứ không phải đem thương lượng ra để nhằm giảm bớt trách nhiệm bồi thường. Qua thực tiễn, việc thương lượng giải quyết bồi thường đối với người bị oan, bị thiệt hại tạo ra cảm giác là cơ quan chức năng liên quan cứ cò kè, thêm bớt với người dân. Người dân đã bị thiệt hại rõ ràng rồi mà cứ bị thương lượng nhằm giảm bớt các khoản bồi thường cho đến khi người dân không thể theo đuổi được nữa nên buộc phải chấp nhận mức bồi thường mà cơ quan Nhà nước đưa ra. Như thế là không công bằng và dễ thành khoảng hở để bị lợi dụng trong quá trình bồi thường. Nếu chỉ quy định việc thương lượng như nguyên tắc trên thì khó thực hiện, tính thực thi không cao. Do vậy, tôi đề nghị cần quy định cụ thể giải trình rõ ràng hơn về thời gian, quyền, trách nhiệm của bên thương lượng bồi thường cũng như quyền, trách nhiệm của người được thương lượng bồi thường, đảm bảo hài hòa giữa lợi ích Nhà nước và nhân dân”.
ĐBQH Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) đồng tình cao với nhiều nội dung của dự thảo luật. Tuy nhiên, ĐBQH Tạo chưa yên tâm một số điểm trong luật quy định tại các Điều 34, 35, 36: “Về xác định cơ quan giải quyết bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự”.
Báo cáo Giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) về nội dung này nêu rõ: Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội thống nhất với quy định xác định cơ quan giải quyết bồi thường như dự thảo luật theo nguyên tắc chung là cơ quan ra quyết định gây oan sau cùng chịu trách nhiệm bồi thường.
Có ý kiến đại biểu Quốc hội, ý kiến của bộ Công an đề nghị quy định trách nhiệm bồi thường tại khoản 3 Điều 34 của dự thảo luật thuộc về Viện kiểm sát vì cho rằng trong giai đoạn này Viện kiểm sát đã thực hành quyền công tố và do đó cần xác định Viện kiểm sát là cơ quan chịu trách nhiệm bồi thường. Có ý kiến đề nghị xác định trách nhiệm liên đới bồi thường giữa các cơ quan tiến hành tố tụng.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ rõ: Trong hoạt động tố tụng hình sự, các trường hợp gây oan cho công dân thường liên quan đến trách nhiệm của nhiều người thi hành công vụ trong các cơ quan tiến hành tố tụng đã tham gia điều tra, truy tố, xét xử vụ án. Để giải quyết bồi thường cho người bị oan thì Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước hiện hành và dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội đều thống nhất nguyên tắc xác định cơ quan ra quyết định gây oan sau cùng sẽ chịu trách nhiệm thay mặt Nhà nước giải quyết bồi thường.
Tuy nhiên, trong thực tế, đặc biệt là trong các giai đoạn tiến hành tố tụng có những “điểm rơi” khó xác định một cách rành mạch cơ quan nào là cơ quan ra quyết định gây oan sau cùng. Dự thảo luật Chính phủ trình Quốc hội đã quy định rõ hơn để giải quyết vấn đề này trên cơ sở nguyên tắc nêu trên, đồng thời bảo đảm nâng cao trách nhiệm của các cơ quan trong từng giai đoạn tố tụng.
"Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan chỉnh lý cụ thể từng điều, khoản và đề nghị Quốc hội cho giữ nội dung này như dự thảo luật. Nhưng trên thực tế không đơn giản như vậy. Chưa kể các cơ quan sợ trách nhiệm, đẩy quả bóng trách nhiệm sang cho người khác”, ĐBQH Nguyễn Tạo nhấn mạnh.
ĐBQH Nguyễn Minh Đức (TP.HCM), ĐBQH Bùi Văn Xuyền (đoàn Thái Bình) và một số ý kiến đại biểu băn khoăn về phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật. Đề nghị cơ quan soạn thảo cũng như cơ quan thẩm định cân nhắc kỹ.
Dương Thu (ghi)