Nhắc đến Bolero, người ta nói đến dòng nhạc có sức lan tỏa mạnh mẽ và sức sống lâu bền trong lòng những người yêu nhạc. Từ nông thôn cho đến thành thị, từ đời xưa đến đời nay, từ người già đến trẻ nhỏ, bolero là món ăn tinh thần chưa bao giờ có dấu hiệu lụi tàn, thậm chí ngày càng lan tỏa mạnh mẽ trong những năm gần đây.
Du nhập vào miền Nam khoảng thập niên 1950, Bolero được định nghĩa là nhịp điệu âm nhạc của Châu Mỹ Latin, sau phát triển theo hướng dân tộc hóa, sử dụng nhiều chất liệu dân gian, âm điệu luyến láy, thủ pháp lấy hơi, nhả chữ đặc trưng.
Ngày nay, âm nhạc du nhập vào đời sống con người như lẽ thường tình, các thể loại sáng tác cũng được nâng lên những tầm cao mới từ Rap, Hip hop, Dance,… thậm chí trộn lẫn giữa các thể loại. Trong bối cảnh đó, Bolero bị một bộ phận chê bai là sến súa, bi lụy. Người thích Bolero cũng bị mặc định là lỗi thời, không bắt kịp thời đại, sống hoài cổ,…
Bolero có âm hưởng mượt mà, nhẹ nhàng
Trong thời gian đầu du nhập vào Việt Nam, dòng nhạc Bolero trở thành một xu hướng nổi bật. Lúc nào Bolero cũng mang một nhịp điệu chậm rãi, cảm xúc buồn man mác đầy trữ tình.
Xét về giai điệu, Bolero có âm hưởng mượt mà, nhẹ nhàng, như nâng niu cảm xúc con người. Ca từ dễ nghe, dễ hiểu, dễ bắt nhịp, không mang nặng tính hàn lâm, triết lý cao siêu, đa phần lời sao ý vậy. Bolero gắn liền với tuổi thơ của mỗi người cũng bởi sự giản đơn, không cầu kỳ mà lắng đọng như thế.
Từ những lời ru của bà, của mẹ, những đứa bạn ngân nga mỗi khi đi học về đều sử dụng Bolero làm câu hát quen thuộc. Không hề phức tạp, hoa mĩ, người nghe cảm nhận được cái hay từ chính lời hát, âm nhạc và cách thể hiện rất đơn thuần, giàu cảm xúc.
Dòng nhạc vô cùng sâu sắc, ý nghĩa
Bolero có cách luyến láy dài hơi, phần nhạc nền thường u sầu, não nề, tạo cho người nghe tâm trạng buồn man mác, như đang lắng nghe câu chuyện của chính mình. Nhạc sĩ Minh Châu từng nhận xét: “Bolero được yêu thích vì nó nói về tâm sự cá nhân chứ không phải đề cập tới những vấn đề cao siêu gì hết. Mỗi người nghe đều thấy mình trong đó”.
Đề tài của Bolero vô cùng phong phú, nhưng có điểm chung thường có triết lý sâu xa, bắt nguồn từ đời sống văn hóa tinh thần của người dân bao đời. Từ nỗi niềm của những cô gái thời xưa khi “Phận làm con gái, chưa một lần yêu ai” (Duyên phận), hay tâm tư của những người mẹ mỗi khi “Thao thức nhớ người phương xa/ Đêm hè mẹ ngóng trông con” (Tình Bolero), đến thay lời chàng trai gửi đến người yêu nỡ vô tình “Đập vỡ cây đàn giận người đổi trắng thay đen, giận đời trở như bàn tay” (Đập vỡ cây đàn).
Một nét thẩm mỹ dân dã, một phong tục văn hóa nơi làng quê nay đã đánh mất,… ta tìm thấy tất cả những điều này trong Bolero.
Có ý kiến cho rằng: “Xét về phương diện thẩm mỹ nghệ thuật, ít nhất Bolero được phân hai tầng, một tầng hàm chứa sự văn minh nhất định và một tầng hết sức dân dã. Tạm gọi là "văn minh" và “bình dân”.
Tính chất bình dân của Bolero là khả năng tiếp cận mọi đối tượng, từ tính chất tự sự đậm đặc, từ nội dung hàm chứa những suy nghĩ về cuộc sống, nỗi buồn nhớ sầu thương, trạng thái cô đơn trong một khoảnh khắc vẩn vơ của tâm hồn.
Còn văn minh là ca từ lời nhạc khéo léo, phô bày ra trước mắt nhưng không hề thô cứng mà ngược lại còn mộc mạc, chân chất, đáng yêu, đáng suy ngẫm.
Thực chất, Bolero là dòng nhạc “bình dân” trong “văn minh” và “văn minh” trong “bình dân”.
Ca từ sầu buồn, đưa con người quay trở về hoài niệm
Khi những giai điệu đầu tiên của một ca khúc Bolero cất lên, ấn tượng đầu tiên với đa số khán giả thưởng thức chính là cảm giác bi lụy, da diết và cuối cùng đọng lại trong lòng một nỗi niềm day dứt, ám ảnh khôn nguôi.
Ví dụ như: "Hồn lỡ sa vào đôi mắt em. Chiều nao xõa tóc ngồi bên rèm. Thầm ước nhưng nào đâu dám nói. Khép tâm tư lại thôi. Đường hoa vẫn chưa mở lối" (Về đâu mái tóc người thương) hay "Nếu lỡ chúng mình hai đứa chia phôi. Đời em con gái đã lỡ yêu rồi. Vắng anh, em biết còn ai nữa. Những khi hờn dỗi xa xôi. Còn ai đưa đón trong đời" (Nếu chúng mình cách trở).
Bolero còn là dòng nhạc có khả năng đưa con người du hành thời gian, quay trở về một thời tuổi thơ êm ả, yên bình, đôi khi dữ dội, nơi đó có cô bán hàng rong đầu ngõ, có cánh diều thả tự do đu đưa mãi trên bầu trời, có cánh đồng lúa xanh ngạt ngào thương nhớ,…
Tất cả được xếp vào nhóm hồi ức hoài cổ, dĩ vãng đối với những người may mắn từng trải qua khi còn thơ bé. Còn những đứa trẻ sinh ra ở thì hiện tại, Bolero lại giúp chúng tận hưởng cảm giác thế nào gọi là “dân dã thôn quê”, điều mà âm nhạc hiện tại khó thể hiện.
Đặc biệt, Bolero còn giúp tái hiện những hồi ức ấy một cách trong sáng, chân thật và để lại trong lòng người những nỗi khắc khoải đến khôn nguôi.
Trong thế giới âm nhạc đầy rẫy các thể loại hiện đại, tượng trưng cho cuộc sống ngày một phát triển và phồn hoa thịnh vượng, Bolero như một nốt trầm khiến ta tĩnh lại, dành vài phút để cảm nhận thật sự những nét đẹp giản dị đời thường, bỏ qua những lo toan vội vã theo dòng hối hả của xã hội xô bồ.
Nhạc sĩ Huy Hùng nhận định, bản thân Bolero mang hơi hướng âm nhạc thuần Việt. Sự ngọt ngào, mượt mà của bolero tưởng “cũ” nhưng hóa ra lại “mới” vì trong đó có sự tổng hòa của nhiều thể loại âm nhạc khác nhau: từ nhạc nhẹ, nhạc trẻ và dòng nhạc mang phong cách thính phòng.
Và thực tế chứng minh rằng, dù có thích hay không thích dòng nhạc Bolero vẫn luôn là thể loại âm nhạc không thể thiếu trong đời sống mỗi người bởi những giá trị văn hóa tinh thần to lớn mà nó đóng góp.
Trang Dung (t/h)