Bolero- Bí mật của một tồn sinh dai dẳng?

Bolero- Bí mật của một tồn sinh dai dẳng?

Hoài Nam

Hoài Nam

Thứ 6, 10/03/2023 20:37

Dù thời gian trôi và xã hội có biến thiên đến đâu, thì bolero, trong tính ngưng kết tương đối của nó, vẫn cứ sống, sống bền bỉ, sống như thể một phần gắn bó đến thành máu thịt với đời sống tinh thần của con người.

Quan sát đời sống âm nhạc Việt Nam khoảng dăm năm trở lại đây, không khó để người ta nhận thấy một sự thật khá lý thú: Bất chấp những nỗ lực đến tuyệt vọng của giới “hàn lâm” trong lĩnh vực giao hưởng thính phòng; bất chấp những hừng hực xông lên, những thể nghiệm táo bạo đáng kinh ngạc của giới “tiên phong” gồm đủ các ca nhạc sĩ già và trẻ; bất chấp cả dòng ca khúc cách mạng “chính thống” luôn nhận được sự nghiêm chỉnh ủng hộ của các kênh phát thanh và truyền hình trên toàn quốc… Thì, nhân vật chính, kẻ chiến thắng, người giành được sự quan tâm ưu ái nhiều nhất của công chúng khán giả âm nhạc nói chung lại là một gương mặt cũ, một gương mặt dường như đã yên phận khuất chìm, một gương mặt vốn luôn bị xem thường trong con mắt của cả giới “hàn lâm” lẫn giới “tiên phong” và giới “chính thống”: Các ca khúc thuộc dòng nhạc bolero, được sáng tác và lưu hành rất phổ biến ở miền Nam Việt Nam trong khoảng thời gian từ 1950 đến 1975.

Xin miễn cho tôi việc phải lấy dẫn chứng cho những huy hoàng của bolero trong cuộc phục sinh này, vì đấy là cái hầu như ai cũng thấy. Tuy vậy, vẫn có những điều ít ai để ý, hoặc do vì nó quá hiển nhiên, nên lại chẳng được đặt thành vấn đề.

Trước hết, nói “phục sinh”, nhưng thật ra bolero chưa từng khi nào chết, kể từ năm 1975 đến giờ. Trong một môi trường xã hội không khuyến khích sự lưu hành những di sản văn hóa của chế độ cũ, bolero đương nhiên không có quyền xuất hiện trên sóng phát thanh và truyền hình, trên các sân khấu ca nhạc lớn nhỏ, trong các danh mục bài hát được cấp phép sản xuất băng đĩa.

Xi nhan Trái Phải - Bolero- Bí mật của một tồn sinh dai dẳng?

Chế Linh- một giọng ca bolero “khét tiếng” được nhiều người yêu thích (Ảnh Internet)

Thế nhưng đấy chỉ là ở bề mặt. Còn ở “bề ruột”, người miền Nam vẫn hát bolero trong các phòng trà, vẫn nghe và xem bolero qua băng đĩa được tuồn lậu về từ hải ngoại, và nhất là, vẫn có thể “bolero với nhau” ở bất cứ đâu, trong bất cứ cuộc nhậu nào, miễn là hơi men đã đến độ gây hứng cho lòng.

Một người hát, cả bàn nghe. Quá đã. Hoặc cả bàn cùng hát để chẳng ai nghe ai được. Không sao hết. Có cây Tây ban cầm để “quạt chả” đệm theo lời ca thì hay, mà không có thì đũa thìa gõ bát hay tay vỗ mặt bàn, cũng đủ để mặt đỏ phừng mắt nhắm nghiền mà giãi giề: “Chỉ còn gần nhau một giây phút thôi/ Một giây nữa thôi là xa nhau rồi/ Người theo cánh chim về nơi cuối trời”…

Thuộc bài thì hát nắn nót tròn vành rõ chữ, không thuộc thì cứ ư ử cho đến hết, cũng chẳng làm chết ai. Hết bài này sang bài khác. Bài nối bài theo kiểu chợt nhớ trong đầu thì hát luôn ra ngoài miệng, bất cần đến dù chỉ một gram cấu trúc logic nào. Triền miên, say sưa, mê mải...

Và cứ thế, qua những cuộc “bolero với nhau” ngày tiếp ngày không dứt, dường như lịch sử một phần tư thế kỷ của dòng nhạc – ít ra, bằng những tác giả, tác phẩm đáng kể nhất – đã liên tục được nhắc nhớ, liên tục được thực hành và liên tục được lưu truyền. (Phải nhấn mạnh thông số thời gian “một phần tư thế kỷ”, tức giai đoạn từ 1950 đến 1975, là vì sau năm 1975, tuy vẫn có những bài hát bolero mới được viết, cả ở trong và ngoài nước, song hầu hết chúng đều bị chìm xuống dưới những bài hát cũ, rồi bị lãng quên nhanh chóng).

Xi nhan Trái Phải - Bolero- Bí mật của một tồn sinh dai dẳng? (Hình 2).

Ca sĩ Quang Lê cũng gắn liền với dòng nhạc bolero (Ảnh Internet)

Nói như vậy để thấy, dù thời gian trôi và xã hội có biến thiên đến đâu, thì bolero, trong tính ngưng kết tương đối của nó, vẫn cứ sống, sống bền bỉ, sống như thể một phần gắn bó đến thành máu thịt với đời sống tinh thần của con người miền Nam.

Bởi thế, dăm năm trở lại đây, khi bầu khí quyển xã hội đã khác trước rất nhiều và bolero rực rỡ lên ngôi - như một nỗi khó chịu, một cái gai trong mắt, một hiện tượng gây nhiều lo lắng cho cả những người “tiên phong” lẫn những người “chính thống” về trình độ thẩm mỹ âm nhạc “thụt lùi” của quốc dân – thì đó không hề là một sự đột xuất.

Người ta dễ dàng trách các đài truyền hình, từ trung ương đến địa phương, rằng đã quyết liệt vơ vét như thể con buôn khi để những gameshow bolero chiếm sóng tới mức kinh khiếp. Người ta cũng dễ dàng dè bỉu rằng anh A chị B “đổi dòng” sang hát bolero không phải vì say mê say mệt gì, như họ vẫn thổ lộ, mà chẳng qua chỉ để kiếm tiền cho nhiều hơn.

Quả thật, mục đích hốt bạc bằng/ qua bolero là không thể phủ nhận, nhưng liệu những ca sĩ và những người quản lý các kênh sóng truyền hình có thể thực hiện nổi mục đích hay không, nếu trong khối khán thính giả mênh mông kia không thường trực một nhu cầu bolero mạnh mẽ? Câu hỏi này, thiết tưởng, không cần đến câu trả lời.

Xi nhan Trái Phải - Bolero- Bí mật của một tồn sinh dai dẳng? (Hình 3).

Ca sĩ Lệ Quyên khẳng định tên tuổi với dòng nhạc bolero (Ảnh Internet)

Nhưng đến đây, lại có một vài câu hỏi khác, tuy chẳng mới mẻ gì, nhưng hình như chưa bao giờ được trả lời cho thỏa đáng: Tại sao bolero có thể sống, bền bỉ và dai dẳng và tươi nguyên đến thế qua các thế hệ khán thính giả?

Cái gì ở bolero khiến cho những bài hát cũ – lớp ca khúc muộn nhất cũng đã 43, 44 tuổi, lớp ca khúc sớm nhất thì ngót 70 – lại có được một hiện tại tiếp diễn liên tục và phổ biến đến thế (liên tục và phổ biến hơn nhiều nếu so với các ca khúc tiền chiến lãng mạn của Văn Cao, Đoàn Chuẩn – Từ Linh, Hoàng Giác, Đặng Thế Phong, Nguyễn Văn Thương v.v… hay so với các ca khúc trữ tình cùng thời của Phạm Duy, Ngô Thụy Miên, Từ Công Phụng, Vũ Thành An, Trịnh Công Sơn v.v…)?

Tóm lại, phải chăng là các bài bolero – ta vẫn đang nói tới dòng nhạc bolero ở miền Nam trong khoảng từ 1950 đến 1975, với bolero là thể điệu chủ đạo, ngoài ra có thêm một ít bài viết theo điệu rumba hay điệu slowrock, thậm chí cả điệu tango, cũng được đưa vào đây – sở hữu phẩm chất đặc biệt nào đó, thứ phẩm chất có thể “đánh” đúng và trúng vào những nhu cầu thường hằng trong tâm hồn của đại đa số khán thính giả?

Với cá nhân tôi, đáp án cho câu hỏi này ngắn gọn đến bất ngờ: Cái sến. Cái sến, thật ra, có sẵn trong mỗi con người chúng ta, bất kể chúng ta có thể khác biệt nhau thế nào về tuổi tác, nghề nghiệp, trình độ nhận thức hay địa vị xã hội.

Cái sến trong ta vừa như một phẩm chất vừa như một nhu cầu, sự khác nhau về cái sến giữa mỗi người có lẽ chỉ ở mức độ: Sến đậm hay sến nhạt, sến thường xuyên hay sến đứt đoạn mà thôi.

Phải nhìn nhận như vậy, ta mới có thể lý giải được tại sao bolero lại có sức tồn sinh mãnh liệt đến thế, và khả năng phủ sóng rộng rãi đến thế. (Bởi lẽ, không chỉ tầng lớp bình dân, dân lao động, những người được/ bị mặc định là hạn chế về trình độ nhận thức thẩm mỹ, mới mê bolero. Mà thực tế là không ít người thuộc tầng lớp trung lưu trở lên, thậm chí cả giới trí thức đại học và giới quản lý văn hóa, tức những người có trình độ thẩm mỹ cao, cũng sẵn lòng “phiêu” với bolero mỗi khi có thể).

Tóm lại, ta cần cái sến, ta muốn sự mủi lòng, ta có nhu cầu được thấy bản thể tinh thần của mình tan hòa vào nỗi sầu thương tủi hận thống thiết nhức nhối trong một khoảng thời gian nào đó, vậy thì ta có bolero như một đáp ứng tốt nhất.

Ở đây, nên trở lại một lúc với đời sống âm nhạc (ca khúc đại chúng) miền Nam giai đoạn 1950 – 1975. Khác với ở miền Bắc, nó đã hình thành như một thị trường: ca khúc được viết ra, được hát, được thu thanh ghi đĩa, là để bán – dĩ nhiên không loại trừ trường hợp nhạc sỹ viết bài hát, trước hết, như thực hiện một biên bản trung thực của tâm hồn mình – vậy nên người bán (nhạc sĩ, ca sĩ, hãng đĩa hát) hết sức chú ý đến người mua (khán thính giả) và nhu cầu của họ.

Các hãng đĩa hát Sài Gòn hồi ấy đã sớm nhìn thấy ở bolero và phân khúc người nghe bình dân một thị trường âm nhạc có khả năng sinh lời cực lớn, và họ ra sức đầu tư, chăm chút.

Chế Linh, một giọng ca bolero “khét tiếng”, kể: Vào quãng giữa thập niên 1960, khi bà chủ hãng “Đĩa hát Việt Nam” đặt nhạc sĩ Trúc Phương, một tác giả bolero cũng vô cùng “khét tiếng”, viết bài hát cho ông (Chế Linh) để ra đĩa mới, đã kèm theo lời dặn: “Viết cho nhão vô thì mới thiệt ăn tiền”.

Xi nhan Trái Phải - Bolero- Bí mật của một tồn sinh dai dẳng? (Hình 4).

Và... nhắc tới dòng nhạc bolero không thể không nhắc tới ca sĩ Thanh Tuyền (Ảnh Internet)

“Nhão”, hay “sến”, thì cũng vậy thôi, là nhấn mạnh vào khả năng tạo ra niềm thương cảm cho bài hát, là xoáy đúng vào nhu cầu được mủi lòng của người nghe, và hiệu ứng ấy phải diễn ra ở mức độ cao nhất, để lại dư chấn lâu bền nhất.

Các nhạc sĩ bolero đã thực hiện được yêu cầu ấy một cách tuyệt vời. Nhìn về đại thể, căn cứ trên các bài bolero được yêu thích nhất, có thể thấy các “mẹo” (mượn một chữ thường dùng của Phan Ngọc, học giả luôn chủ trương quy sáng tạo nghệ thuật thành các thao tác) của họ như sau:

1. Thật đơn giản về giai điệu; dễ hiểu, dễ thuộc về ca từ. Cái hóc hiểm lắt léo tuyệt không phải tinh thần của bolero. Nó khiến người ta phải căng ra để nghĩ trước khi cảm, và như thế, không thể có sự “tan vào” nỗi thương cảm một cách tức thời và toàn vẹn.

2. Bài hát phải có tính tự sự. Nghĩa là ở đó phải có một câu chuyện được kể lại bằng lời ca. Câu chuyện càng éo le mùi mẫn thì lời ca kể chuyện càng dàn trải, não nề, thê thiết. Bài “Hàn Mặc/ Mạc Tử” của Trần Thiện Thanh là một ví dụ: tôi đoan quyết, phần đông người mê bolero dù có thể chưa đọc bất cứ bài thơ nào của Hàn Mặc/ Mạc Tử, song ai cũng xúc động trước câu chuyện một thi sỹ bị mắc bệnh căn phong oan nghiệt, phải lánh đời và từ khước tình yêu để “tìm vào cô đơn” mà “âm thầm nghe trăng vỡ”, rồi chết ngậm ngùi…

3. Khai thác hết mức các chủ đề, các tình huống, các cảnh trạng mang sức mạnh khuếch tán sự mủi lòng: tình yêu tan vỡ vì sự lừa dối hoặc những rào cản xã hội khắc nghiệt, nỗi cô đơn tuyệt vọng giữa cuộc đời đen bạc, mặc cảm cái nghèo trong thời đại kim tiền, nỗi đau đứt ruột khi quê hương lâm cảnh bom đạn giày xéo v.v…

Về phương diện này, bolero không phải không mang dư ba của một thời đoạn lịch sử đầy biến động. Vì thế, trong những tiếng khóc nấc ấy có sự chân thực của những vết xước trên trái tim, cái làm nên sức thuyết phục nhất định của chúng, với người cùng thời, và với kẻ lệch thời.

 Để kết bài viết này, tôi nhớ mới đây thôi, trong một cuộc trò chuyện về việc dạy nhạc thời bây giờ, ông Trưởng khoa Thanh nhạc của Nhạc viện Hà Nội nhân tiện có nói nhỏ với tôi mấy câu về bolero: “Về nhạc học, thật ra nó chắng có gì đáng kể đâu. Nhưng lời, thì đúng là thỉnh thoảng, nó cứ như cứa vào lòng người vậy”.

Bolero là thế đấy, có thể cứa được vào lòng người bằng một hiện diện theo cách không tạo ra ấn tượng gì đáng kể. Bolero là tâm tình chuyện đời với nhau. Cứ kể thôi, kể tự nhiên như “lời nói thường” cho nhau nghe.

Kể mãi, kể mãi, đến một lúc không còn phân biệt giữa người kể và người nghe, tất cả như bị thôi miên trong một giãi giề bất tận, một non-stop của cõi lòng đang sung sướng được phơi mở.

Vì lẽ ấy, tôi tin, bolero 1950 – 1975 sẽ còn là hiện tại tiếp diễn lâu dài trong đời sống ca khúc Việt Nam.  

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.