Theo trang BNN, Ủy ban UNESCO đánh giá bolero có ý nghĩa văn hóa sâu sắc, phổ biến lâu dài. Hồ sơ đề cử bolero do hai nước Mexico, Cuba cùng thực hiện, trình lên tổ chức từ năm ngoái. Họ thực hiện video dài 10 phút, giới thiệu các nghệ sĩ của hai nước, đồng thời trình bày kế hoạch bảo tồn, phát triển dòng nhạc trong tương lai. Bộ trưởng Văn hóa Mexico, Alejandra Frausto, từng ca ngợi bolero có khả năng truyền tải cảm xúc một cách tuyệt vời.
Ngoài ra, hai nước cũng tạo ra cộng đồng luyện tập nhạc bolero. Ở Cuba, nhiều câu lạc bộ sinh hoạt mỗi tuần một lần. Ở Mexico, các nghệ sĩ tập trung chủ yếu ở thủ đô Mexico, bán đảo Yucatán. Quận Tlalpan ở thủ đô Mexico đã xây dựng mô hình "quảng trường bolero", tổ chức các buổi diễn với mong muốn thu hút thêm nhiều khán giả trẻ.
Nhạc bolero có nguồn gốc ở Cuba cuối thế kỷ 19, với bài Tristezas của Pepe Sánchez. Dòng nhạc du nhập đến Mexico đầu thế kỷ 20, trở thành nét văn hóa không thể thiếu của cả hai quốc gia. Bolero sau đó ảnh hưởng đến Mỹ, châu Âu, châu Á. Ở Việt Nam, bolero được viết với nhịp chậm rãi hơn.
Ca khúc bolero "Bésame Mucho" do Consuelo Velázquez hát. Video: YouTube Consuelo Velazquez.
Đỉnh cao của nghệ thuật bolero là ca khúc Bésame Mucho (nghệ sĩ Mexico Consuelo Velázquez, 1932), từng được Nat King Cole, Frank Sinatra và The Beatles cover.
Ca khúc được nhạc sĩ Trường Kỳ đặt lời tiếng Việt với tựa đề Yêu nhau đi, Y Vân đặt lời dưới nhan đề Đời là giấc mơ và Phong Vũ với tên Giấc mơ xưa.
Bolero thường nói về cuộc sống, tình yêu, tình cảm gia đình, với lời ca lãng mạn, nhẹ nhàng, viết bằng tiếng Tây Ban Nha. Nghệ sĩ thường sử dụng bộ gõ, bộ hơi, piano và guitar khi chơi bolero. Các ca khúc bolero được truyền miệng rộng rãi, góp phần tăng tính phổ biến của dòng nhạc.
Danh ca Italy Andrea Bocelli hát "Bésame Mucho" ở Mỹ năm 2006. Video: YouTube Andrea Bocelli.
Các nghệ sĩ Cuba nổi tiếng của dòng nhạc là Omara Portuondo, Celia Cruz, Elena Burke, César Portillo và Ignacio Villa (Bola de Nieve). Các tượng đài bolero của Mexico là Agustín Lara, Javier Solís, Álvaro Carrillo và Armando Manzanero. Tác phẩm của họ làm mê đắm khán giả trong nhiều thập niên, góp phần tô điểm bức tranh âm nhạc toàn cầu.
Thời hoàng kim của bolero ở các nước Mỹ Latin bắt đầu từ những năm 1930, kéo dài liên tục trong suốt ba thập niên, với những nghệ sĩ nổi tiếng như: Antonio Machin, cặp song ca Los Compadres (Cuba), nhóm nhạc Los Panchos, Los Hermanos Martínez Gil và Trío Tarácuri, Agustín Lara (Mexico), Lucho Gatica (Chile)... Thời kỳ này, bolero còn ảnh hưởng sang thế giới nói tiếng Anh, được trình diễn bởi nhiều nghệ sĩ Mỹ như: Bing Crosby, Nat King Cole hay Frank Sinatra.
Có lẽ bản bolero nổi tiếng nhất trong lịch sử chính là Bésame Mucho (tạm dịch: Hãy hôn em thật nhiều, 1941), được nữ nghệ sĩ người Mexico Consuelo Velásquez sáng tác vào năm cô chỉ mới 15 tuổi. Bài hát tình tứ mà tình nhân dành cho nhau hóa ra lại là tâm sự của một cô bé chưa một lần được hôn, đang mơ mộng một cuộc tình lãng mạn. Không chỉ phổ biến trong khu vực Mỹ Latin, bài hát đến nay vẫn được rất nhiều ca sĩ tên tuổi trình diễn như Tona la Negra, Ruth Fermández, Luis Miguel. Thậm chí, Bésame Mucho từng xuất hiện trong album ghi âm năm 1962 The Beatles Live at Star Club in Hamburg của The Beatles.
Một đặc điểm của bolero là âm nhạc luôn đi kèm lời ca tình tứ, mượt mà, thể hiện tình cảm, quan niệm và tiêu chuẩn về cuộc sống nói chung và tình yêu nói riêng. Không thể nói đến bolero mà không đề cập đến nội dung ca từ, với những cung bậc tình cảm được thể hiện qua ngôn ngữ mộc mạc, chân thành kết hợp cùng âm nhạc chậm buồn và lãng mạn.
Những câu chuyện tâm tình thường bắt đầu bằng một hồi ức, kỷ niệm riêng tư nhưng lại điển hình, chạm tới hoàn cảnh phổ biến của số đông người nghe. Ngoài câu chuyện tự sự về cuộc đời dâu bể, lẽ hợp tan, nhân tình thế thái, phần lớn các bản bolero là nhạc tình, trong đó lời ca và tiếng nhạc chậm đều trở thành hai yếu tố cộng hưởng, dìu bước chân của đôi bạn nhảy trong khoảnh khắc riêng tư và không ngừng nghỉ.
Tùng Lâm (t/h)