Mùa mở cửa biển lại bắt đầu, nhiều người náo nức sắp xếp cho những chuyến du lịch để tận hưởng nắng hè tuyệt vời trên bãi biển Vũng Tàu. Ít ai biết phía sau vẻ đẹp tuyệt vời của tự nhiên là những “công nghệ rợn người” biến hóa cua ghẹ chết thành “đặc sản”, ngâm ổi vào hóa chất sản xuất sơn để có ổi "đào, tiên...".
Gắn chân, bơm bột mì làm gạch cho cua
Theo lời giới thiệu của một đại lý chuyên cung cấp tôm, cua, cá, mực, loại hàng tươi sống này thường được chia làm nhiều loại. Ví dụ như ghẹ: Con nào còn sống, khỏe mạnh, to mẩy, nhiều trứng và gạch, được ưu tiên bỏ mối cho các nhà hàng, khách sạn lớn; con nào nhỏ hơn hoặc không đều nhau được chuyển cho những quán ăn bình dân; còn lại những con yếu, gãy càng, rụng mai, thậm chí đã chết trên đường vận chuyển được bỏ mối cho các hàng rong hay quầy nhỏ lưu động.
Nhưng chỉ cần qua bàn tay “chữa trị” tài tình của người bán, đám ghẹ “thương binh”, “ngất xỉu” này sẽ trở nên tươi rói bóng bẩy như “chưa hề” chết.
Phần lớn trong số những con ghẹ này là đồ "phế phẩm" đã qua công nghệ chế biến.
Nhập vai một người đi xin việc, đến nhà một gia đình chuyên bán cua ghẹ rong tại bãi biển Vũng Tàu, khoảng 8h tối ngày cuối tuần, phóng viên thấy mọi người đã tất bật chuẩn bị các công đoạn cho buổi bán hàng ngày mai.
Căn nhà cấp bốn ẩm thấp nằm sâu trong con hẻm nhỏ, chỉ khoảng 12m2, chất đầy cua ghẹ, bốc lên mùi ẩm mốc, tanh nồng khó tả. Xung quanh là những thùng xốp và chậu cáu bẩn đựng một thứ nước có màu đục nhờ nhờ, bà chủ cho biết đó là hỗn hợp nước, hàn the và bột ngọt.
Từng con ghẹ chết sẽ được “tuyển chọn” một lần nữa, gắn lại càng và chân, sau đó ngâm vào thứ nước hỗn hợp trên. Trong quá trình ngâm, thỉnh thoảng người chế biến còn cho vào nước một chất phụ gia hóa học đựng trong gói nhỏ nhàu nát không rõ nhãn mác.
Xong công đoạn ngâm ướp để phục hồi hình dạng cho đám cua, ghẹ, người ta xếp vào một rổ to cho ráo nước, chuẩn bị đến công đoạn bơm gạch. Hỗn hợp gạch giả gồm lòng đỏ trứng vịt, bột mỳ, chất bảo quản trộn lẫn với nhau, được bơm thẳng vào mai.
Sau khi qua nhiều bước “tái sinh”, toàn bộ số cua ghẹ chết giờ trở nên căng mẩy, mai gồ lên những mảng gạch màu vàng ruộm, nhìn “một trời một vực”, khác xa với hình ảnh nhợt nhạt, bốc mùi lúc trước. “Kỹ xảo” này còn được áp dụng đối với cua ghẹ đang sống.
Hôm sau, theo chân người bán hàng, nhìn những chậu hải sản tươi roi rói với đám cua ghẹ sống đang thở sủi tăm, giơ chân giơ càng, thật khó phát hiện trộn lẫn dưới đáy chậu là những con vốn được xếp “hạng bét”.
Dân biển chuyên nghiệp nhìn có thể biết đâu là hàng tươi sống “xịn”, đâu là hàng “tái sinh” dựa trên màu sắc của thực phẩm. Tuy nhiên khách du lịch dù tinh tường cũng khó mà phân biệt được cua ghẹ đã qua “thẩm mỹ viện” khi con nào con ấy đã được chế biến thơm phức gừng sả.
BOX Muốn biết cua ghẹ có gạch thật hay giả, phân biệt qua màu sắc. Khẽ cạy diềm mai phía cuối sẽ nhìn thấy khá rõ gạch bên trong: Gạch thật màu son tươi, gạch giả màu đỏ nhạt hơi có ánh xanh. Khi đã chế biến, gạch thật đỏ tươi, mịn màng chắc nịch, vừa thơm vừa bùi ngậy, gạch giả màu vàng nhợt, vừa bở vừa nhạt.
"Công nghệ" làm lẩu từ hải sản chết
Hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm phải cấp cứu tại các bệnh viện đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm trong việc chế biến món lẩu hải sản.
Theo ghi nhận của PV, tại TP.HCM có hàng ngàn quán án, quán nhậu chuyên phục vụ món lẩu hải sản cho người có nhu cầu. Một trong những "thiên đường" lẩu hải sản có thể kể ra như: Khu lẩu làng ĐHQG TP.HCM (quận Thủ Đức), đường Trần Não (quận 2), đường Lê Văn Việt (quận 9), đường Thành Thái (quận 10)… Tại đây, vào thời gian từ 17h30 đến 22h, các quán nườm nượp khách đến ăn lẩu hải sản. Mức giá một lẩu hải sản tại đây khá rẻ, dao động từ 60 -120 ngàn đồng/lẩu.
Mục sở thị một quán lẩu hải sản ở Làng ĐHQG TP.HCM, chúng tôi bất ngờ khi thấy phía sau của quán chất đầy các thau nhựa đựng các loại hải sản như: Tôm, ghẹ, hàu, mực… đã chết, nhiều thau nhựa đựng hải sản đã bốc mùi hôi thối. PV tưởng số hải sản này sẽ đưa đi tiêu hủy do không tiêu thụ hết.
Tuy nhiên, trao đổi với một nhân viên phục vụ tại đây thì biết số hải sản trên mới được nhập về để chuẩn bị nguyên liệu để làm lẩu hải sản cho những ngày tới. Nhân viên này tiết lộ: "Hiện nay, giá cả các loại hải sản tươi sống từ các chợ đầu mối ở TP.HCM khá cao, với mức giá một nồi lẩu hải sản bình dân hiện nay thì các quán lẩu nếu mua các loại hải sản này sẽ sớm sập tiệm. Vì vậy, họ tìm mua các loại hải sản chết về sơ chết lại để làm nguyên liệu làm lẩu".
Dò hỏi nhiều người kinh doanh quán lẩu bình dân tại TP.HCM, giá nhập hải sản chết từ các chợ đầu mối có giá cực rẻ, dao động từ 15-20 ngàn đồng/kg. Thậm chí, nếu mua số lượng lớn giá còn rẻ hơn. Một đầu mối phân phối hải sản tươi sống tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (quận Thủ Đức), tiết lộ: "Hiện nay, mỗi ngày chúng tôi đưa ra thị trường từ 300-500 kg hải sản tươi sống phục vụ cho các quán ăn, quán lẩu. Bên cạnh đó, chúng tôi đưa ra thị trường từ 120-200 kg hải sản chết, đây là số hàng còn tồn đọng do tiêu thụ không hết. Số hải sản này hiện được nhiều quán lẩu bình dân tại TP.HCM ưa chuộng bởi giá rẻ dễ đem đến lợi nhuận".
Chị Lê Thị Cương, có thâm niên nhiều năm làm việc trong các quán lẩu hải sản ở quận Thủ Đức, cho biết: "Những nguyên liệu làm nên món lẩu hải sản đều là những nguyên liệu đã để lâu ngày có mùi hôi thối, bị ế. Đó chính là lí do vì sao trong tình hình kinh tế hiện nay, giá cả ngày càng tăng vọt, vật giá leo thang chóng mặt nhưng những quán lẩu này vẫn không tăng giá để giữ khách".
Nghệ sĩ Vũ Luân đã phải nhập viện vì lẩu mới đây
Bên cạnh sử dụng nguyên liệu là các loại hải sản đã chết, PV còn phát hiện nhiều quán lẩu, quán nhậu bình dân làm lẩu hải sản tại TP.HCM còn sử dụng các gói gia vị có nguồn gốc từ Trung Quốc để tạo mùi vị thơm, ngon cho lẩu. Ông Nguyễn N., chủ quán lẩu trên đường Thành Thái (quận 10), cho biết: "Hiện nay, rất nhiều quán lẩu hải sản bình dân tại TP.HCM rất chuộng sử dụng các gói gia vị hải sản được sản xuất tại Trung Quốc để hạ giá thành nồi lẩu. Đây là chiêu kinh doanh để ứng phó với thời kỳ kinh tế khó khăn và giá các loại gia vị cũng tăng cao".
Phú Sang (t/h)