Bom không giết được tinh thần của người Boston

Bom không giết được tinh thần của người Boston

Thứ 5, 02/05/2013 17:16

Trả lời phỏng vấn của phóng viên CNN ngay trên giường bệnh, ngồi bên chồng, với giọng nói trong trẻo, rõ ràng, khúc chiết, nụ cười không tắt trên môi, Adrianne Haslet-Davis khiến ta không hề cảm thấy đó là một diễn viên múa đã mất đi một bàn chân.

Mất chân, chứ không mất cả cuộc đời

Trái bom nổ lần đầu trong vụ đánh bom ở Boston ngày 15/4 chỉ cách Adrianne Haslet-Davis chừng một mét rưỡi. Adrianne Haslet-Davis, 32 tuổi, là một cô giáo dạy múa và chồng cô, anh Adam Davis, cùng với hàng ngàn người đang theo dõi sự kiện chạy marathon hàng năm tại trung tâm thành phố Boston.

Khi tiếng nổ vang lên, cô thấy bụi đất bao trùm lên phố Boylston. Một sự im lặng bao trùm lên đám đông. Và tiếp theo là trái bom thứ hai, nổ ngay sát chân cô. Sức ép của quả bom hất tung cả hai vợ chồng lên trên không. Hai người cùng rơi xuống vỉa hè trong tình trạng méo mó, bẹp dúm.

Trong một khoảnh khắc, Haslet-Davis nằm bất động trong đám bụi đất với những tiếng kêu rên sợ hãi. Sau này nhớ lại, cô nghĩ cô không làm sao, và còn kịp nói với chồng là cô không thấy đau ở đâu và cũng chưa  hiểu chuyện gì đang xảy ra. Nhưng khi hai người ngồi dậy, cố lết về nơi an toàn, cô mới kêu lên: "Trời ơi, chân tôi làm sao thế này?".

Sau này, bác sỹ cho cô biết thuốc nổ đã phá hủy 80% xương và cơ bên chân trái của cô. Nhưng ngay lúc đó, cô chỉ thấy máu tuôn xối xả, và cô biết cô phải làm gì để cứu lấy chân của mình.

Mình phủ đầy bụi đất trộn với máu, cô bò bằng khuỷu tay đến một nhà hàng gần đó để băng bó vết thương. Chồng cô, đại úy không quân, vừa an toàn trở về từ Afganistan, bò lết sau lưng cô. Họ chạy vào nhà hàng và kêu cứu. Chân của Adam cũng bị mảnh bom găm vào, anh cố gắng dùng dây lưng buộc chặt vết thương để cầm máu.

Lúc này cơn đau bắt đầu hành hạ cả hai. Haslet-Davis gào thét và xin bất cứ một loại rượu mạnh, vốt-ca hoặc cô-nhắc để làm tê liệt cảm giác đau đớn.  Mãi đến khi Adam cùng với một số người băng bó cho cô, bên ngoài bắt đầu náo loạn, Haslet-Davis  mới biết đó là vụ đánh bom và nhân viên y tế đang dồn dập cứu chữa hàng loạt người bị thương. Cô tưởng rằng cả hai sẽ phải nằm bẹp, đau đớn trong nhà hàng không biết đến bao giờ.

Cuối cùng thì nhân viên y tế cũng tới. Bác sỹ băng chặt lại vết thương của cô và xe cứu thương đưa hai vợ chồng đến bệnh viện. Lúc đó Haslet-Davis vẫn còn tỉnh táo và cảm nhận được chân của mình và cô được đưa lên bàn phẫu thuật ngay lập tức. Ngày hôm sau, tỉnh dậy trong cơn chuếnh choáng, cô nhận thấy cha mẹ ngồi bên cô.

Cô nói với mẹ: "Mẹ ơi, giúp con với, con cảm thấy chân con hình như không động đậy". Nhưng đó chỉ là một ảo giác, mẹ cô nhìn cô và nói: "Con gái ơi, con không còn chân nữa". Các bác sỹ đã cắt một phần chân trái, cách đầu gối khoảng 12cm. Giọng cô trầm hẳn xuống: "Tôi không còn chân nữa. Thật không dễ dàng gì khi chấp nhận điều này".   

Tiêu điểm - Bom không giết được tinh thần của người Boston

Adrianne Haslet-Davis quyết tâm trở lại sàn nhảy bằng chân giả  

Với cô, múa là nghề  cô yêu thích. Khi múa, cô say mê đến mức không thể làm bất cứ một việc nào khác. Diễn viên múa cần đôi chân biết bao, lấy chân làm trụ, xoay tròn cơ thể, với biết bao động tác cơ bắp để giữ thăng bằng mà phải nhiều năm luyện tập mới có được độ khéo léo, nhuần nhuyễn. Cô sợ rằng cô không thể làm như vậy bằng chân giả. Nhưng cô vẫn hy vọng: "Biết đâu, khoa học công nghệ phát triển… Chúng ta hãy chờ xem".

Đừng bao giờ nói: "Tôi không thể làm được"

Một tuần sau trận đánh bom, ngồi trên giường bệnh, một chân bị cắt bỏ đang được băng bó, Haslet-Davis đã có kế hoạch trở lại sàn nhảy giảng dạy sinh viên, những người mang đến cho cô niềm an ủi, động viên và làm căn phòng bệnh tràn ngập hoa tươi. Với cô, cuộc đời thực sự có ý nghĩa khi được dạy học trên sàn nhảy.

Mặc dù trước mắt, sẽ phải mất nhiều thời gian điều trị, nhưng cô đã chọn điệu nhảy đầu tiên khi trở lại với công việc, đó là điệu "Valse thành viên". Cô chọn điệu nhảy này vì đây là một trong những điệu nhảy rất khó, nhưng rất tuyệt vời.

Tuy nhiên, niềm lạc quan của cô không phải dễ dàng, nó đi kèm với những cơn đau, bực bội, bức xúc, hoang mang, lo lắng và cả những vốc thuốc giảm đau hiện cô đang phải dùng hàng ngày.

"Đã có lúc tôi ném những chai nước khắp nơi trong phòng, tôi quăng cả nạng đi và căm hận kẻ nào đã làm cho tôi đến nông nỗi này, làm tôi không thể múa với những động tác nhuần nhuyễn như trước kia. Rồi làm gì cũng lâu, tắm giặt, mặc quần áo, lâu hơn rất nhiều, làm tôi hóa điên".

Với những nạn nhân của vụ đánh bom, thử thách mới chỉ bắt đầu. Trước hết là đau đớn về thể chất, tổn thất về tinh thần, rồi đến vấn đề tài chính. Tiền viện phí, chi phí cho tư vấn tâm lý, điều trị vật lý trị liệu, rồi mất việc làm sẽ trở thành gánh nặng tài chính.

Câu chuyện về lòng dũng cảm và tinh thần lạc quan của đôi vợ chồng đã làm bao nhiêu con tim rung động. Mọi người đã gây quỹ hỗ trợ cho họ với số tiền lên tới hơn 100 ngàn đô-la để giúp họ vượt qua mọi thử thách trước mắt. Và chính Haslet-Davis đã thử thách chính mình: Cô sẽ tham gia chạy marathon trong tương lai.

"Tôi không phải là vận động viên chạy", cô cười rạng rỡ, "trước kia tôi có phải là diễn viên múa đâu".                                                 

Bảo Hưng (Đặc phái viên của báo Người Đưa Tin tại Boston, Hoa Kỳ)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.