Nhà băng “lội ngược dòng” thắng lớn
Mùa báo cáo tài chính quý 3/2020 vừa chứng kiến những tín hiệu tích cực từ nhóm ngân hàng, vốn được coi là doanh nghiệp (DN) huyết mạch, bơm tiền cho nền kinh tế.
Trong top 40 DN có vốn hoá thị trường lớn nhất hiện nay, có tới 12 đại diện thuộc nhóm ngân hàng. Trong khi tổng lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm 2020 của cả 40 DN này đạt 168.600 tỷ đồng (giảm 14% so với 9 tháng đầu năm 2019) thì 12 ngân hàng nói trên có lợi nhuận trước thuế đạt 81.500 tỷ đồng (tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái).
Top 10 ngân hàng có lợi nhuận dẫn đầu ngành, đạt hơn 79.400 tỷ đồng, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, mặc dù giảm nhẹ 9,4% song quán quân về lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm nay vẫn thuộc về Vietcombank với gần 16.000 tỷ đồng. Nguyên nhân tăng trưởng âm chủ yếu do chi phí hoạt động và chi phí dự phòng đều tăng, trong đó trích lập dự phòng rủi ro của ngân hàng tăng mạnh 34,7%.
Tiếp đó, vị trí á quân vẫn là Techcombank, song khoảng cách giữa 2 nhà băng này đã rút ngắn lại. Ghi nhận tăng trưởng 20,9%, lợi nhuận của Techcombank đạt 10.711 tỷ đồng, chỉ còn kém Vietcombank hơn 5.200 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái chênh tới hơn 8.700 tỷ đồng.
Nguyên nhân là trong khi Vietcombank bị sụt giảm lãi thuần vì Covid-19 thì Techcombank vẫn có lợi nhuận dương nhờ hoạt động dịch vụ, mua bán chứng khoán đầu tư tăng trưởng cao.
Những ngân hàng tiếp theo lọt top 10 lợi nhuận 9 tháng đầu năm 2020 gồm VietinBank (10.400 tỷ đồng), VPBank (9.398 tỷ đồng), MBBank (8.134 tỷ đồng), BIDV (7.062 tỷ đồng), ACB (6.400 tỷ đồng), HDBank (4.400 tỷ đồng), VIB (4.024 tỷ đồng), TPBank (3.000 tỷ đồng). So với cùng kỳ năm ngoái, TPBank đã thay thế Sacombank để lọt vào Top 10.
Trong đó, ngoài Vietcombank giảm 9,4%, đa số các ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận dương: VIB tăng cao nhất 30%, tiếp đó là VPBank 30,5%, nhóm Techcombank, Vietinbank, HDBank và TPBank tăng trưởng trên 20%, MBBank tăng 6,8%...
Chuyên gia cảnh báo "bom nổ chậm"
Mặc dù nhóm ngân hàng đạt được kết quả lợi nhuận tích cực như trên, các chuyên gia kinh tế vẫn cho rằng báo cáo tài chính (BCTC) quý 3/2020 không phản ánh đầy đủ “sức khoẻ” của ngành này trong bối cảnh hiện tại.
Trao đổi với PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật, lãnh đạo một ngân hàng thương mại nhận định, tác động của Covid-19 lên lợi nhuận các ngân hàng trong 9 tháng đầu năm nay vẫn chưa thể hiện rõ rệt.
"Có thể nói, Covid-19 khiến các DN sản xuất, kinh doanh thương mại dịch vụ “ngấm” trước, rồi mới đến ngân hàng. Cho đến giờ, các nhà băng vẫn cầm cự được, một phần vì nợ xấu tuy đã tăng nhưng chưa bộc lộ hoàn toàn, một phần do các ngân hàng tích cực gia tăng thu nhập phi tín dụng kết hợp với các biện pháp “thắt lưng buộc bụng””, vị này cho hay.
Quả vậy, soi chiếu trên BCTC 9 tháng đầu năm 2020 vừa công bố của các ngân hàng sẽ thấy dấu hiệu tăng mạnh của nợ xấu.
Tại Vietcombank, nợ xấu tăng 36% so với đầu năm nay, đạt gần 7.885 tỷ đồng, trong đó quy mô nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng gấp 4 lần và nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng gấp ba lần so với cuối năm 2019.
VPBank tăng trưởng lợi nhuận trên 30% thì nợ xấu cũng tăng 15%, tổng nợ xấu đến cuối quý 3 là 10.147 tỷ đồng, trong đó, nợ nhóm 3 tăng 15%, nợ nhóm 5 (có nguy cơ mất vốn) tăng tới 36%. Nợ xấu trên tổng dư nợ tăng từ 3,42% lên 3,65%.
Tỷ lệ nợ xấu cũng tăng nhanh tại KienLongBank (555%), MBBank (39,2%), VIB tăng (26%), SaiGonBank (4,3%)...
Theo một chuyên gia, nợ xấu của nhiều ngân hàng tăng mạnh do dịch bệnh bùng phát, khiến nhiều DN gặp khó khăn, tạm ngừng hoạt động, thậm chí phá sản, nên không có điều kiện trả nợ...
Và, “lợi nhuận quý 4/2020 của các nhà băng sẽ là ẩn số lớn, có thể gây xáo trộn mạnh bảng xếp hạng, không loại trừ khả năng “bom nợ chậm” nợ xấu sẽ phát nổ tại một số ngân hàng đang bị áp lực về nguồn vốn”, vị chuyên gia nhận định.
Đánh giá về kết quả đạt được từ đầu năm của nhóm ngân hàng, TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng ngân hàng Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV) cho rằng: Mức lợi nhuận 7 - 10% của ngành ngân hàng trong 9 tháng đầu năm chưa phản ánh đầy đủ những khó khăn mà ngành đang phải đối mặt và đây cũng chưa phải là con số lợi nhuận thực cho cả năm 2020.
Ông Lực nhìn nhận, nợ xấu đến 30/9 tăng khoảng 30% so với cuối năm 2019 ở nhóm các ngân hàng niêm yết đồng thời khẳng định xu hướng này sẽ tiếp tục tăng. Nguyên nhân do độ trễ của dịch Covid-19 với các khách hàng của ngân hàng và do các khoản nợ đang tái cơ cấu theo Thông tư 01 vẫn được giữ nguyên nhóm nợ mà chưa phải chuyển nhóm, khi Thông tư 01 hết hiệu lực, các ngân hàng phải chuyển nhóm nợ thì nợ xấu sẽ tăng cao hơn nữa.
“Theo tính toán của chúng tôi, dự báo đến cuối năm nợ xấu nội bảng của hệ thống ngân hàng thương mại sẽ lên trên 3%, tới 2021 con số này sẽ lên tới 3,5 - 4% và tác động tiêu cực tới hoạt động của hệ thống ngân hàng”, TS Cấn Văn Lực nói.
Cùng quan điểm, chuyên gia tài chính - TS Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, Thông tư 01 của Ngân hàng Nhà nước cho phép ngân hàng không chuyển, duy trì nhóm nợ. Chính vì vậy chất lượng tài sản, chất lượng tín dụng của ngân hàng đang không thể hiện đúng.
“Nhiều ngân hàng có nợ xấu nhưng chưa phải nâng nhóm nợ. Nợ trên báo cáo tài chính tốt đẹp hơn nhiều so với thực tế. Vì vậy, báo cáo tài chính năm nay thể hiện không đầy đủ sức khoẻ của ngân hàng”, ông Hiếu nêu nhận định.
Chuyên gia chỉ cách xử lý nợ xấu
“Ngân hàng Nhà nước nên tính toán lại thời điểm hết hiệu lực của Thông tư 01 theo hướng có lộ trình để không tạo cú sốc cho nợ xấu tăng nhanh với hệ thống các ngân hàng thương mại.
Nợ xấu tăng tác động lớn tới hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại, từ lợi nhuận đến khả năng tăng vốn điều lệ (do vốn điều lệ tăng một phần từ lợi nhuận giữ lại). Các ngân hàng buộc phải chấp nhận hi sinh lợi nhuận tăng thấp trong 2 năm 2020, 2021 để có nguồn lực cho xử lý nợ xấu”.
TS Cấn Văn Lực
Minh Minh