Phiên đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của Tổng công ty Phát điện 3 diễn ra vào ngày 9/2/2018 tại Sở GDCK TP. HCM (HOSE) đã diễn ra không mấy thành công đúng theo những dự đoán trước đó.
Thông báo của HOSE cho thấy, có 331 nhà đầu tư (2 tổ chức và 329 cá nhân) đã đăng ký mua hợp lệ tổng cộng 7,45 triệu cổ phần trên tổng số 267 triệu cổ phần của Genco 3 được đem ra chào bán.
Số lượng cổ phần đăng ký cao nhất là 2,5 triệu, thấp nhất là 100 cổ phần. Giá đấu thành công cao nhất là 34.000 đồng/CP, giá đấu thấp nhất là 26.400 đồng/CP.
Toàn bộ số phiếu đăng ký đấu giá hợp lệ đã đấu giá thành công trong phiên IPO ngày 9/2 của Genco 3. Tổng khối lượng cổ phần bán được là 7,45 triệu cổ phần với giá trúng bình quân 24.802 đồng/ CP, cao hơn 202 đồng so với giá khởi điểm.
Như vậy, chỉ có 2,8% khối lượng cổ phần chào bán được đấu giá thành công. Phiên IPO được dự báo là một trong 5 "bom tấn" trên sàn chứng khoán đầu năm 2018 đã trở thành "bom xịt", "ế" tới hơn 97%.
Trước đó, phiên IPO Tập đoàn Cao su Việt Nam (VRG) ngày 2/2 vừa qua cũng đã không thành công khi chỉ có 1/5 lượng cổ phần chào bán được mua với giá đúng bằng giá khởi điểm.
Sau 3 đợt IPO khá thành công của các thành viên Tập đoàn Dầu khí là Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR), Tổng công ty Dầu (PV Oil) và Tổng công ty Điện lực Dầu khí (PV Power), việc nhà đầu tư thờ ơ với VRG và Genco3, những doanh nghiệp đầu ngành có thị phần rất lớn ở Việt Nam, cho thấy dòng tiền trên thị trường đang yếu đi.
Theo phương án cổ phần hoá, Genco3 có vốn 20.809 tỉ đồng, trong đó EVN nắm giữ trên 1 tỉ cổ phần, tương đương 51%, IPO 13% và bán cho nhà đầu tư chiến lược 36%.
Sau khi IPO, Genco 3 sẽ đấu giá lựa chọn nhà đầu tư chiến lược vào ngày 15/3.
Trước đó, hồi cuối tháng 1/2018, Phó Tổng giám đốc EVN - ông Đinh Quang Tri cho biết đã có 4 nhà đầu tư nước ngoài đăng ký mua 36% vốn của Genco3 đến từ Ấn Độ, Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Đông. Số tiền tối thiểu cần bỏ ra để sở hữu hơn 36% cổ phần Genco 3 lên tới gần 18.500 tỷ đồng.