Theo tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2021 tăng 0,25% so với tháng trước. Trong đó, 4/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính tăng giá, 4/11 nhóm giảm giá. CPI bình quân 8 tháng đầu năm 2021 tăng 1,79% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Lạm phát cơ bản bình quân 8 tháng đầu năm 2021 tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước.
Bộ Tài chính chỉ ra, CPI trong tháng 8/2021 tăng do nhiều địa phương thực hiện Chỉ thị 16, người dân hạn chế tối đa ra ngoài nên nhu cầu dự trữ, tiêu dùng thực phẩm tăng.
Bên cạnh đó, nguồn cung bị hạn chế, chi phí vận chuyển hàng hóa tăng cao do các địa phương thực hiện các biện pháp giãn cách. Điều này khiến các doanh nghiệp vận tải gặp khó khi lưu thông.
Theo bộ Tài chính, rủi ro lạm phát trên thế giới vẫn tăng cao có tác động gián tiếp tới nước ta khi giá nhiều loại nguyên, nhiên, vật liệu tiếp tục ở mức cao như xăng dầu, gas, thép khiến giá hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam tăng, gia tăng tỷ lệ “nhập khẩu lạm phát”. Đây là những yếu tố sẽ tác động chung đến lạm phát trong nước.
Giá một số mặt hàng nguyên liệu có khả năng tiếp tục ở mức cao như sắt thép, phân bón do thiếu hụt nguồn cung trên thế giới. Trong tháng 8, giá thép tương đối ổn định so với những tháng trước nhưng có thể tăng nhẹ vào thời điểm cuối quý III, đầu quý IV khi bước vào mùa xây dựng.
Giá gạo dự báo có thể tăng nhẹ trong những tháng cuối năm do nhu cầu nhập khẩu của thị trường chính vẫn duy trì ở mức cao.
Giá một số mặt hàng vật tư nông nghiệp như phân bón dự báo có thể tăng trong nửa cuối năm. Đây là yếu tố tác động đến đầu vào của sản xuất nông nghiệp.
Giá thịt lợn cơ bản ổn định nhưng không loại trừ khả năng có thể tăng nhẹ trở lại do các yếu tố đầu vào như thức ăn chăn nuôi, con giống ở mức cao.
Tuy vậy, mức giá không thể tăng mạnh do nguồn cung vẫn dồi dào, được đảm bảo. Rủi ro về thiên tai bão lũ có thể làm giá một số mặt hàng tăng cục bộ tại những địa bàn tác động nhất định tới CPI.
Bên cạnh đó, chi phí lưu thông, vận chuyển hàng hóa trên thế giới tăng cao. Điều này ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa xuất, nhập khẩu, nhất là đối với nền kinh tế có độ mở cao như Việt Nam, tăng trưởng chủ yếu dựa trên xuất nhập khẩu.
Rủi ro tiềm ẩn bong bóng tài sản đến từ thị trường bất động sản, chứng khoán nếu không có biện pháp điều tiết phù hợp là các yếu tố tác động gián tiếp tới tâm lý tiêu dùng nói chung.
Dẫn lời ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng cục Quản lý giá, báo cáo của bộ Tài chính cho biết áp lực từ việc thực hiện lộ trình giá thị trường một số dịch vụ công trong giai đoạn tới, trong đó phải tính đến việc triển khai Nghị định số 60 về cơ chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập và đặt mục tiêu cơ bản hoàn thành lộ trình tính giá dịch vụ trong năm 2021.
Theo đó, trong trường hợp xem xét tăng giá dịch vụ khám, chữa bệnh bước 3, kết cấu chi phí quản lý sẽ tác động đến CPI khoảng 0,13%.
Để thực hiện kiểm soát lạm phát theo chỉ tiêu Quốc hội giao, đại diện cục Quản lý giá - bộ Tài chính cho rằng, trong những tháng cuối năm, công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát cần tiếp tục thực hiện thận trọng, linh hoạt và chủ động.
Theo đó, Bộ này đề xuất một số biện pháp nhằm kiểm soát lạm phát 4 tháng cuối năm. Trong đó, cần thiết theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng quan trọng, thiết yếu để có biện pháp điều hành phù hợp.
Chủ động tháo gỡ khó khăn và có phương án điều tiết nguồn hàng để tăng lượng cung ứng cho các địa phương có dịch cần cách ly hoặc giãn cách xã hội, bảo đảm cung cấp đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân.
Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường giá cả, quản lý kê khai giá, niêm yết giá theo quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, tiếp tục đánh giá, cập nhật kịch bản điều hành giá cho nửa cuối năm để báo cáo Chính phủ, nhất là việc tính toán, điều chỉnh giá những mặt hàng do Nhà nước quản lý, các dịch vụ công đang triển khai lộ trình thị trường đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát và phù hợp với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.