Nhận định này của Ngân hàng Mỹ được đăng trên Bloomberg cho biết Bitcoin đang tiếp tục lao dốc giống như các vụ vỡ bong bóng tài sản khác từng xảy ra trong lịch sử kinh tế thế giới. Như vậy, chưa đầy một năm sau khi đạt kỷ lục, Bitcoin đã thể hiện tính "bong bóng" của mình.
Giá Bitcoin từng đạt mức cao nhất vào tháng 12/ 2017 là 19.511 USD và hiện tại đã giảm hơn 65%, chỉ còn 6.766 USD vào ngày 10/4 vừa qua. Chiến lược gia đầu tư của Bank of America, Michael Hartnett đã khẳng định trái bong bóng Bitcoin đang vỡ dần.
Cùng quan điểm này, hãng Allianz Global Investors cho rằng bong bóng Bitcoin vỡ là chuyện tất yếu sẽ xảy ra: “Theo quan điểm của chúng tôi, giá trị nội tại của nó là 0. Một Bitcoin không đại diện cho bất cứ thứ gì, trái ngược với trái phiếu, cổ phiếu hay tiền giấy. Nó không tạo ra bất cứ dòng thu nhập nào”.
Bitcoin có đầy đủ các yếu tố của một bong bóng tài sản gồm giao dịch quá mức, đòn bẩy gia tăng và không tạo ra giá trị khi xét theo các biện pháp truyền thống. Một trong những lý do khiến Bitcoin lao dốc là do quản lý và quy định gắt gao từ chính phủ các nước. Các quy định về quản lý sàn giao dịch tiền ảo đến quản lý hoạt động gọi vốn cho dự án tiền ảo (ICO) đều đang được soạn thảo bởi các nhà hoạch định chính sách toàn cầu.
Mặc dù chưa có sự phối hợp đồng nhất từ chính phủ các nước, nhưng quy định thay đổi theo từng nước cũng gây rất nhiều bất lợi cho đồng tiền thuật toán này. Hầu hết các giao dịch Bitcoin đang diễn ra ở châu Á, trong đó đóng vai trò chi phối là Nhật Bản,
Thực tế, việc bong bóng Bitcoin vỡ không tác động mạnh đến cổ phiếu, trái phiếu hay các loại tài sản thông thường khác. Chiến lược gia toàn cầu Stefan Hofrichter của Allianz Global Investors nhận định: “Sự sụp đổ của Bitcoin sẽ ít tác động đến thế giới thực, vì thị trường tiền thuật toán vẫn khá nhỏ về quy mô. Vì vậy chúng tôi cho rằng rủi ro với ổn định tài chính bắt nguồn từ Bitcoin là không đáng kể, ít nhất là ở thời điểm hiện tại”.