Kính thiên văn cực lớn của đài thiên văn Nam Âu phát hiện một tinh vân hành tinh màu xanh lục. IC 1295, tên của tinh vân, bao quanh một ngôi sao mờ và sắp chết. Nó nằm trong chòm sao Scutum (hay Tấm khiên) và cách trái đất khoảng 3.300 năm ánh sáng. Đây là bức ảnh chi tiết và rõ nét nhất về IC 1295, Livescience đưa tin.
Tinh vân IC 1295. Ảnh: ESO.
Bụi, khí hydro, khí helium và plasma là thành phần vật chất của tinh vân. Chúng có thể là những đám bụi liên kết với nhau nhờ lực hấp dẫn, hoặc là vật chất mà những ngôi sao phóng ra trước khi chết. Các tinh vân thường tồn tại dưới dạng những dải hẹp, với độ dày từ vài chục tới vài trăm năm ánh sáng.
Khí hydro chiếm tỷ lệ lớn trong tinh vân, còn các phân tử carbon và mảnh đá vụn là thành phần chính của bụi. Mật độ vật chất trong các tinh vân không giống nhau, nghĩa là mật độ có thể đạt mức cao ở vài tinh vân, song chỉ đạt mức thấp trong nhiều tinh vân khác.
Nhiều số tinh vân phát ánh sáng chói do phản chiếu ánh sáng của những ngôi sao gần đó. Người ta gọi chúng là tinh vân sáng. Vài chất khí trong tinh vân cũng phát sáng khi chúng ở cạnh ngôi sao nóng. Ngược lại, một số tinh vân ngăn cản ánh sáng của những ngôi sao phía sau nên giới khoa học gọi chúng là tinh vân tối.
Màu sắc của tinh vân là kết quả của quá trình bức xạ của các chất khí. Nitơ và hydro bức xạ ánh sáng đỏ, còn oxy bức xạ ánh sáng xanh.
Theo Vnexpress.net