Cách đây đúng 1 năm, bóng đá Anh rơi vào thế khủng hoảng niềm tin ở đấu trường châu lục, đặc biệt là Champions League, giải đấu vẫn được xem là thước đo đánh giá bản lĩnh và cấp độ của các CLB bóng đá hàng đầu châu Âu. Trớ trêu thay, 2 đội bóng bạo chi nhất trên thị trường chuyển nhượng, Chelsea và Man City phải nói lời chia tay ngay sau vòng đấu bảng.
Với kinh nghiệm chinh chiến ở Champions League, Arsenal và Man Utd có bước tiến cao hơn nhưng cả 2 cũng chỉ dừng lại ở vòng 1/8 trước 2 gã khổng lồ Bayern Munich và Real Madrid. Đó là 1 trong những mùa giải gây thất vọng nhất của bóng đá Anh ở Champions League. Nó đã dấy lên hàng loạt cuộc tranh luận mà đa số đều cho rằng Premier League không thể là giải đấu mạnh nhất lục địa già.
Nhưng chỉ sau 1 năm với bao đổi thay, bóng đá Anh đã lấy lại vị thế trên bản đồ châu Âu. Sau loạt trận thứ 5 vừa qua, đã có 3 đại diện xứ sở Sương mù chính thức giành vé đi tiếp, đó là Man City, Chelsea và Man Utd. Đại diện còn lại của Anh Quốc, Arsenal cũng chỉ cách cánh cửa vòng knock-out vỏn vẹn 90 phút ở San Paolo.
Đến thời điểm này, người Anh đã có thể vỗ ngực tự hào mà tuyên bố rằng giải đấu của họ thành công nhất ở vòng bảng Champions League mùa này. Rõ ràng, nếu tính cả Arsenal (đang có lợi thế lớn ở bảng F), Premier League sẽ có 4 đại diện đi tiếp. Trong khi La Liga chỉ có 3 (Real Sociedad đã bị loại) còn Serie A vẫn đang ngấp ngoái ở cả 3 bảng đấu có sự góp mặt của Juve, Milan và Napoli…
Đâu là nguyên nhân giúp bóng đá Anh trở lại ở Champions League mùa này? Hiển nhiên là rất nhiều. Ở mặt chủ quan, có thể thấy sự thay đổi lớn về nhân sự của tứ đại gia Premier League. Trong khi Man City, Man Utd và Chelsea đồng loạt thay tướng thì Arsenal lại có sự bổ sung chất lượng từ bản hợp đồng kỉ lục mang tên Mesut Ozil. Thương vụ này không tạo ra những thay đổi mang tính thần kì nhưng lại là liều doping cực lớn kích thích 1 tập thể đang cạn kiệt niềm tin. Khi mà Arsenal nghĩ rằng họ đủ mạnh để cạnh tranh các danh hiệu, khi ấy họ thực sự nguy hiểm.
Còn ở mặt khách quan, có thể thấy các bảng đấu của đại diện Anh phần lớn không khó như mùa giải trước. Ngoài Arsenal, các đội bóng còn lại đều dễ thở. Điển hình như Man City, sau 2 mùa giải liên tiếp đi theo tiếng gọi “tử thần”, đã may mắn thoát hiểm khi rơi vào bảng đấu không quá khó. Chelsea dù thua 2 trận trước Basel cũng nhẹ nhàng bước tiếp trước sự hụt hơi của Schalke 04. Còn với M.U, họ đã cho thấy sự khác biệt về yếu tố kinh nghiệm trong 1 bảng đấu đa sắc màu.
Tất nhiên, Arsenal được xem là biểu tượng chiến thắng của bóng đá Anh mùa này. Họ đã thay thế Man City trong cuộc chiến với “tử thần” và thực tế đã khiến nhiều đối thủ phải nể sợ. Nên nhớ, đã 14 mùa giải Pháo thủ chưa từng gục ngã ở vòng đấu bảng Champions League. Đó là sự khác biệt đến từ Arsene Wenger và nguồn cảm hứng sau 8 năm dài không danh hiệu.
Thay lượng có đổi chất?
Nếu làm một phép so sánh đơn giản, hiển nhiên Premier League đã thành công tại Champions League hơn các giải đấu khác, ít nhất là sau vòng bảng và so với mùa giải trước. Cứ tính cả Arsenal (chỉ bị loại nếu thua Napoli với khoảng cách 3 bàn ở lượt cuối), bóng đá Anh có 4 đại diện lọt vào vòng knock-out. Từng ấy là đủ để người Anh mơ mộng vào một viễn cảnh tươi đẹp, thậm chí là 1 trận chung kết nội bộ tại Estádio da Luz.
Đó là lý thuyết, còn làm được hay không lại là chuyện hoàn toàn khác! Các đại gia Premier League có thể dễ dàng vượt qua vòng bảng Champions League nhưng để tiến sâu và giành chức vô địch, họ còn thiếu quá nhiều yếu tố.
Đơn cử như trường hợp của Man City. Dù bạo chi và sở hữu dàn sao “khủng” song gã nhà giàu thành Manchester lại dễ dàng bị Bayern Munich đè bẹp ở sân nhà Etihad. Chelsea của Mourinho còn cay đắng hơn khi để thua cả 2 trận trước Basel. Man Utd cũng chẳng mang lại sự yên tâm bởi ngay ở Premier League, họ còn đang nhọc nhằn cải thiện phong độ dưới triều đại mới.
Arsenal có thể là niềm hi vọng sáng giá nhất của NHM xứ sở Sương mù. Nhưng rõ ràng, vẫn có sự mong manh nhất định nào đó trong lối chơi của Pháo thủ. Điển hình như ở 2 trận đối đầu với Dortmund, thầy trò Wenger đều bị chèn ép như thể họ có thể gục ngã bất cứ thời điểm nào.
Đó là ở mặt chủ quan, còn xét ở mặt khách quan, Champions League vẫn còn rất nhiều ứng cử viên sáng giá khác như Barca, Bayern, Real Madrid, Dortmund, Juventus, PSG hay thậm chí là Atletico Madrid. Liệu các đại diện Premier League có đủ “chất” để vượt qua các thế lực ấy? Rất khó…!
Theo Duy Nam (Bóng đá số)