Petrodollar (đô-la dầu lửa) là một thuật ngữ kinh tế mang ý nghĩa số tiền USD thu về từ xuất khẩu dầu lửa. Trong thế giới bóng đá, khái niệm này dần trở nên phổ biến khi các tỷ phú dầu mỏ, đặc biệt từ các quốc gia Trung Đông, dùng tiền để chi phối bóng đá.
Gương mặt nổi cộm đầu tiên là Roman Abramovich, ông chủ cũ của Chelsea. Nhà tài phiệt người Nga này đã mua lại đội bóng phía Tây thành London vào năm 2003 và dùng tiền để biến The Blues trở thành thế lực ở xứ sở sương mù lẫn châu Âu. Dưới triều đại Abramovich, Chelsea đã giành được 5 danh hiệu Premier League, 2 lần đăng quang Champions League và chinh phục vô khối danh hiệu cao quý khác.
Tiếp nối Abramovich, tập đoàn Abu Dhabi United của UAE, với khối tài sản hiện tại ước tính 21 tỷ bảng, đã mua lại Man City vào năm 2008. Với sự đầu tư không tiếc tay từ giới chủ, Man Xanh dần dần vươn lên trở thành thế lực số một của bóng đá Anh. Tính riêng 5 mùa gần nhất, đội bóng này đã có tới 4 lần đăng quang Ngoại hạng Anh.
Tưởng chừng Abu Dhabi United đã là ghê gớm thì năm 2011, QSI (Quỹ đầu tư công Qatar), với khối tài sản lên tới 220 tỷ bảng quyết định mua lại PSG. Sự xuất hiện của QSI đã khiến thị trường chuyển nhượng thay đổi hoàn toàn. Giá trị cầu thủ tăng vọt khi đội chủ sân Công viên các Hoàng tử chi ra những số tiền khủng tới mức hoang tưởng để chiêu mộ ngôi sao.
Tiêu biểu là thương vụ trị giá 222 triệu euro để “cướp” Neymar từ Barcelona hay chi ra 180 triệu euro để có Kylian Mbappe, tài năng trẻ sáng giá bậc nhất của bóng đá Pháp và thế giới. Ngoài ra, siêu sao Messi sau khi chia tay Barca cũng chọn PSG làm bến đỗ và hưởng mức lương khoảng chừng 35 triệu euro mỗi năm.
Dù vậy, QSI hóa ra vẫn chưa phải là trùm cuối. Mùa giải 2021/22 vừa qua chứng kiến vụ đổi chủ khác hứa hẹn khiến thế giới bóng đá càng đảo lộn vì petrodollar hơn nữa. Đó là thương vụ PIF, Quỹ đầu tư công Saudi Arabia mua lại CLB Newcastle. Nếu QSI sở hữu khối tài sản 220 tỷ bảng thì PIF còn khủng khiếp hơn, với 320 tỷ bảng, hơn chủ sở hữu của PSG tới 100 tỷ bảng.
Chỉ chừng đó thôi cũng đủ để thấy các nhà tài phiệt Saudi Arabia giàu có và chịu chi tới cỡ nào.
Nói thêm về độ giàu có và chịu chi của các tỷ phú Saudi Arabia, có lẽ không một dẫn chứng nào sống động bằng cái tên Messi. Siêu sao người Argentina đang hưởng lương từ Qatar, chỉ riêng năm ngoái anh đã kiếm được 122 triệu USD từ tiền lương và hợp đồng tài trợ, là VĐV thể thao có thu nhập cao thứ hai thế giới sau ngôi sao bóng rổ LeBron James.
Với khối tài sản kếch xù như vậy, Messi đủ lo cho con, cháu vài đời ăn sung mặc sướng. Tuy vậy, La Pulga vẫn không thể lắc đầu trước đề nghị làm đại sứ du lịch từ Saudi Arabia, bất chấp mỗi liên hệ với Qatar. Không ai biết giá trị hợp đồng giữa Messi và ngành du lịch Saudi Arabia là bao nhiêu, nhưng trước đó quốc gia Trung Đông này từng ký nhiều hợp đồng quảng bá với giá trị cực khủng.
Cụ thể, Saudi Arabia từng ký hợp đồng 10 năm, trị giá 650 triệu USD để tài trợ cho một sự kiện đua xe công thức một. Trước Messi, một ngôi sao bóng đá khác cũng trở thành đại sứ du lịch của đất nước này. Đó là David Beckham. Bản hợp đồng giã đôi bên cũng có thời hạn 10 năm và giá trị đâu đó 200 triệu USD.
Với sự giàu có và mức độ chịu chơi như vậy, nếu các tỷ phú Saudi Arabia can thiệp sâu vào thế giới bóng đá, chắc chắn cán cân sẽ nghiêng hẳn về quốc gia này. Vì vậy, gọi Saudi Arabia là trùm cuối của dòng petrodollar đổ vào bóng đá có lẽ không sai.
Saudi Arabia giàu có, Saudi Arabia chịu chi, người dân Saudi Arabia đam mê bóng đá cuồng nhiệt, riêng CLB Al-Hilal đã sở hưu kênh twitter có tới 10 triệu người theo dõi, và đất nước này nền bóng đá hàng đầu khu vực, từ đội tuyển quốc gia đến giải VĐQG. Tưởng chừng những nền tảng ấy sẽ giúp đội tuyển Saudi Arabia bứt phá mạnh mẽ, nhưng thực tế thì ngược lại.
Trên bảng xếp hạng FIFA, đội tuyển Saudi Arabia đứng hạng 49 thế giới, hạng 5 châu Á. Điều đáng nói, đội tuyển quốc gia nước này bị các đối thủ vốn được xem là chung mâm bỏ khá xa. Iran đứng thứ 21, Nhật Bản 23 còn Hàn Quốc 29, tức bỏ xa Saudi Arabia ít nhất 20 bậc trên bảng xếp hạng.
Nguồn cơn là từ thành tích thi đấu khá bết bát tại các giải đấu cấp châu lục và thế giới. Từ năm 2011 đến nay, thành tích tốt nhất của đội tuyển Saudi Arabia tại Asian Cup là 1 lần vào tới vòng 1/8 (2019), 2 lần còn lại (2011 và 2015) đội tuyển quốc gia nước này đều dừng chân ngay vòng bảng.
Tại đấu trường World Cup, tuy góp mặt một cách thường xuyên nhưng Saudi Arabia vốn được biết đến như ngân hàng điểm và chưa từng vượt qua vòng bảng kể từ France 1998 đến nay. Thậm chí tại World Cup 2022, Saudi Arabia còn đi vào lịch sử với tư cách một trong những đội bóng có thành tích kém cỏi nhất với 3 trận vòng bảng toàn thua, không ghi được bàn thắng nào và nhận 12 bàn thua.
Tổng quát hơn, bóng đá Saudi Arabia cũng hiếm khi giới thiệu cho thế giới những tài năng sáng giá. Trong khi Iran, Hàn Quốc hay Nhật Bản có hàng loạt cầu thủ chinh chiến tại trời Âu và thậm chí có những cầu thủ vươn tới đẳng cấp hàng đầu như Son Heung Min, Park Ji Sung, Nakamura, Honda, Sardar Azmoun thì những cầu thủ Saudi Arabia hiếm khi mọc mũi sủi tăm.
Một phần nguyên nhân nghe có vẻ ngược đời là bởi Saudi Arabia quá giàu. Các cầu thủ đất nước này không có nhu cầu ra nước ngoài chơi bóng bởi thi đấu trong nước đã đảm bảo cho họ cuộc sống quá sung túc.
Đơn cử như Al-Hilal, mỗi năm đội bóng hàng đầu Saudi Arabia này chi tới gần 40 triệu bảng cho các cầu thủ. Trong đó, cầu thủ nhận lương thấp nhất cũng lên tới 322.400 bảng/năm, tương đương 6.200 bảng/tuần, tức gần 180 triệu VNĐ. Thế nên, danh sách đội tuyển Saudi Arabia luôn là 100% cầu thủ chơi bóng trong nước.
Hệ lụy của vấn đề này là các cầu thủ Saudi Arabia thiếu cơ hội trui rèn ở các nền bóng đá hàng đầu châu Âu, thế nên rất khó để phát triển được như Son Heung Min hay Sardar Azmoun. Và một bi kịch khác nữa cũng liên quan đến sự giàu, các cầu thủ Saudi Arabia cũng khó kiếm chỗ đứng ngay tại giải quốc nội.
Vì tiền bạc rủng rỉnh, các CLB ở Saudi Arabia không ngại chi đậm để chiêu mộ những ngôi sao lão tướng từ các giải VĐQG hàng đầu châu Âu. Odion Ighalo, cựu tiền đạo MU đang khoác áo Al Hilal. Al Nassr thì có trong đội hình Vincent Aboubakar.
Điều đáng nói hơn nữa, quy định của giải VĐQG Saudi Arabia cho phép mỗi CLB đăng ký tới 7 ngoại binh, dẫn đến chỗ đứng của nội binh bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nên nhớ rằng, hầu hết các giải VĐQG châu Á chỉ cho phép đăng ký 3-4 ngoại binh, và chỉ con số ấy thôi cũng đủ khiến các HLV ĐTQG đau đầu vì thiếu nguồn nhân lực thì con số 7 ở Saudi Arabia còn gây hệ lụy đến như thế nào.
Ngoài ra, cơ chế bao cấp (các CLB Saudi Arabia vẫn chưa được tách khỏi quyền sở hữu chính phủ) cùng việc thoải mái sử dụng ngoại binh khiến tư duy ngắn hạn trở thành căn bệnh mãn tính đối với bóng đá Saudi Arabia. Các câu lạc bộ vẫn có thói quen nợ nần chồng chất và kêu gọi gói cứu trợ. Điều này đã xảy ra vào năm 2018 khi Thái tử Mohammed bin Salman cung cấp khoảng 245 triệu bảng để thanh toán các khoản nợ của các câu lạc bộ.
Vì vậy, không khó hiểu tại sao tuy ngồi vào mâm “ông lớn” của bóng đá châu Á nhưng hiếm khi Saudi Arabia tạo nên những kỳ công hiển hách như Iran, Hàn Quốc hay Nhật Bản. Đó chính là bi kịch vì quá giàu của quốc gia Trung Đông này.