Thời điểm đó, nền bóng đá ở đất nước đông dân nhất thế giới tự hào tin rằng họ sẽ còn đón nhiều siêu sao hơn nữa để hướng đến sự vươn tầm. Nhưng chỉ hơn 5 tháng sau vụ chuyển nhượng mang theo bao kỳ vọng đó, Drogba đã lặng lẽ khăn gói ra đi theo dạng tự do, bỏ lại phía sau một Thân Hoa Thượng Hải và cả nền bóng đá Trung Quốc vật vã với bi kịch vỡ mộng đổi đời nhờ các đại gia giàu có.
Khi siêu sao thành của nợ
Câu chuyện về bản hợp đồng đưa Didier Drogba về Thân Hoa Thượng Hải sau khi vừa bước lên đỉnh cao châu Âu (giành chức vô địch Champions League) hồi tháng 6 từng làm truyền thông quốc tế phải tốn nhiều giấy mực. Thời điểm đó, giữa lúc Drogba đã nói thẳng rằng anh sẽ không ở lại Chelsea thêm sau 8 năm đầy ắp kỷ niệm, hàng loạt đội bóng lớn đã nhảy vào cuộc săn đón anh.
Bất chấp cái ngưỡng tuổi 34, siêu sao người Bờ Biển Ngà được quyền lựa chọn khoác áo Juventus, Liverpool và cả AC Milan. Nếu muốn kiếm tiền mà không phải đi quá xa khỏi môi trường bóng đá đỉnh cao, Drogba có thể đồng ý đề nghị từ gã nhà giàu nước Nga Anzhi. Tuy nhiên, lựa chọn cuối cùng của tiền đạo 34 tuổi lại khiến người ta phải bất ngờ. Anh quyết định rời nước Anh để sang thi đấu tại giải Vô địch bóng đá Trung Quốc.
Trong quyết định gây sốc ấy của Drogba, sự tác động hậu trường của người đồng đội Nicolas Anelka được nhắc đến rất nhiều. Nhưng sau khi đã chi ra mức lương tuần khoảng 250 ngàn bảng cho Anelka, thì việc Thân Hoa Thượng Hải tiếp tục thuyết phục Drogba với khoản đãi ngộ tương tự gợi cho người ta đến suy đoán về tiềm lực tài chính hùng mạnh của CLB này.
Người đại diện của Drogba sau này thừa nhận, Thân Hoa Thượng Hải thậm chí đã tiếp xúc cùng thân chủ của ông ta từ tháng Giêng và sẵn sàng trả 7 triệu bảng tiền chuyển nhượng cho Chelsea nhằm giải phóng sớm hợp đồng. Sự bạo chi ấy là mấu chốt giúp Thân Hoa Thượng Hải vượt mặt hàng loạt đội bóng lẫy lừng ở châu Âu. Họ thực sự đã thuyết phục được Drogba về viễn cảnh sống như một ông hoàng trong môi trường không hề thiếu tham vọng.
Đến đây, câu hỏi đặt ra là Thân Hoa Thượng Hải lấy đâu ra nguồn tiền khổng lồ đến thế để chiêu mộ ngôi sao quốc tế đắt giá như Drogba? Với một đội bóng mà danh tiếng, tiềm lực mới thuần túy giới hạn trong biên giới nội địa, thì Thân Hoa Thượng Hải phải nhờ cậy túi tiền của ông chủ Zhu Jun. Người được ví như Abramovic của bóng đá Trung Quốc này đã đổ vào CLB khoảng 60 triệu bảng từ năm 2007 từ tiền túi. Nhưng nhìn từ khía cạnh chuyên môn, có thể khẳng định ông chủ Zhu Jun và đội bóng chơi ngông của thành phố hiện đại nhất Trung Quốc đã thất bại hoàn toàn trong thương vụ mà họ đặt vào đó quá nhiều kỳ vọng.
Thêm Drogba đến cùng Anelka, ông chủ Zhu Jun tốn kém 24 triệu bảng/năm chỉ tính riêng lương. Đổi lại, họ thi đấu bết bát và phải chờ đến những vòng đấu cuối cùng mới chắc chắn giành được quyền trụ lại giải VĐQG Trung Quốc. Drogba đã không thể giúp Thân Hoa Thượng Hải nâng tầm và từ đó, những mâu thuẫn trong hàng ngũ lãnh đạo CLB bùng nổ.
Ông bầu Zhu Jun đòi hỏi các cổ đông phải nhượng quyền kiểm soát đội bóng, nếu không sẽ ngừng đầu tư tiền bạc. Trong khi đó, các cổ đông tin rằng Zhu Jun đang khiến Thân Hoa đi lầm đường. Kết quả tất yếu, Zhu Jun bỏ Thân Hoa Thượng Hải trong nỗi tức giận. Trong khi Didier Drogba, từ vị trí một ông hoàng trở thành gánh nặng khủng khiếp về tài chính. Không có Zhu Jun, đội bóng Trung Quốc không thể kham nổi mức lương khổng lồ và cả cuộc sống bên ngoài sân cỏ theo chế độ V.I.P của anh.
Sau toàn bộ những biến cố xảy đến, không ngạc nhiên khi Drogba và Thân Hoa Thượng Hải đi đến thống nhất về cuộc chia tay trong im lặng. Didier Drogba, thấu hiểu hơn ai hết sự thay đổi lớn trong nội bộ Thân Hoa Thượng Hải đã chấp nhận sự thực. Anh không đòi hỏi bất kỳ khoản bồi thường nào. Dù sao, chuyến phiêu lưu ngắn ngủi 5 tháng cũng đã giúp anh kiếm được hơn 1 triệu bảng, chưa kể cơ hội khám phá một nền văn hóa mới. Còn phía trước, tương lai của Drogba là trở lại châu Âu, nơi có những CLB căn cơ hơn, sở hữu nền tảng tài chính tốt hơn nhiều chờ đợi.
Vùng lầy sau chuyện của Drogba
Drogba ra đi trước hết là một sự kiện mang tính chất cá nhân giữa anh và Thân Hoa Thượng Hải. Thế nhưng, phía sau thương vụ kết thúc quá chóng vánh này, người ta tin rằng những di chứng để lại với cả Thân Hoa Thượng Hải lẫn nền bóng đá Trung Quốc là vô cùng lớn, đặc biệt là trong chiến lược nâng tầm chất lượng bóng đá đại lục bằng cách chi tiền tấn chiêu mộ các ngôi sao đắt giá.
Bóng đá Trung Quốc chưa được hưởng lợi gì nhiều sau khi chi hàng chục triệu USD vào các ngôi sao hết thời
Những ngày qua, người ta biết rằng Guizhou Renhe, một đội bóng nhận được sự hậu thuẫn của một đại gia giàu có đang liên hệ ráo riết để giành chữ ký của Frank Lampard. Người đồng đội ở Chelsea của Drogba hé lộ rằng sự có mặt của tiền đạo Bờ Biển Ngà là động lực thúc đẩy anh cân nhắc. Nhưng giờ thì sau khi Drogba phải khăn gói rời Thân Hoa Thượng Hải, Lampard liệu có nghĩ lại về lời mời này. Điều rõ ràng là nền tài tài chính của các đội bóng Trung Quốc không hề đảm bảo. Những ông chủ giàu có, kiểu như Zhu Jun có thể đến rồi bỏ lại CLB ra đi bất kỳ lúc nào, nếu không mâu thuẫn với các cổ đông thì cũng vì hết đam mê hoặc kinh doanh khó khăn.
Hãy nhớ rằng, Drogba từng được Thân Hoa Thượng Hải ký hợp đồng có thời hạn 2 năm rưỡi và đội bóng không còn tiền trả lương cho anh chỉ sau hơn 5 tháng. Rõ ràng, từ chuyện của Drogba, các ngôi sao hết thời tại châu Âu sẽ cẩn trọng hơn với nền bóng đá phương Đông đang được xem là thiên đường mới.
Song ở chiều ngược lại, những người quan tâm đến sự phát triển vững bền của bóng đá Trung Quốc sẽ chẳng lo ngại quá nhiều một khi xảy ra giả thiết này. Bởi sự thực là vài năm qua, bắt đầu từ sự kiện Guangzhou Evergrande bỏ ra 10 triệu bảng chuyển nhượng Dario Conca và biến anh thành một trong số những ngôi sao hưởng lương nhất thế giới, bóng đá Trung Quốc đã tự thiêu mình trong một cuộc đua sai lầm. Hàng đống tiền đã được bỏ ra để lôi kéo Yakubu, Seydu Keita, Nicolas Anelka, Drogba Đổi lại, bóng đá Trung Quốc được gì? Câu trả lời là không gì cả.
Ngoài chút danh tiếng phù du trên bình diện bóng đá quốc tế, chất lượng của giải VĐQG Trung Quốc không hề được cải thiện, thậm chí đi xuống. Lượng khán giả đến xem các trận đấu tại C-League mùa giải vừa qua chạm mức giảm kỷ lục, đặc biệt sau khi liên tiếp những bê bối dàn xếp tỷ số bị phát hiện. Trên tầm cao hơn, đội tuyển Trung Quốc đã 10 năm qua không thể một lần lọt vào vòng chung kết World Cup. Ngay tại các giải đấu kém danh hơn như ASIAN Cup, đội tuyển bóng đá của đất nước đông dân nhất cũng chỉ biết bất lực chứng kiến Nhật Bản, Hàn Quốc và các thế lực Trung Á, Trung Đông làm mưa làm gió.
Trong cái ngày mà thông tin Didier Drogba và Thân Hoa Thượng Hải chia tay tràn ngập mặt báo Trung Quốc, một chuyên gia bóng đá đã nhận định: "Sự ra đi này sẽ giúp chúng ta giật mình nhìn lại một chiến lược sai lầm. Rõ ràng, nhiều triệu USD của các ông chủ tiêu tốn cho những ngôi sao nước ngoài chỉ giúp thỏa mãn thứ cảm giác háo hức nhất thời.
Với chừng ấy tiền, lẽ ra, những cơ sở đào tạo bóng đá trẻ, yếu tố căn bản và cần thiết nhất cho sự phát triển lâu dài của Trung Quốc có thể được đầu tư phát triển bài bản hơn nhiều. Bóng đá Trung Quốc chỉ thực sự mạnh, nếu họ có những cầu thủ bản địa tài năng, chứ không phải dựa hơi vài cái tên nổi tiếng như Anelka, Drogba Những ngôi sao ấy đến Trung Quốc dưỡng già và kiếm tiền. Và giờ, khi họ ra đi, thứ để lại vẫn chỉ là sự trống rỗng.
Từ Trung Quốc đến bóng đá Việt Nam Cũng tương tự như những gì đang diễn ra tại giải Vô địch quốc gia Trung Quốc, bóng đá Việt Nam hiện nay phụ thuộc quá nhiều vào túi tiền của các ông bầu. Những người như bầu Đức (HA.GL), bầu Thụy (Sài Gòn Xuân Thành) hay bầu Hiển (HN T&T) chi tiền mua sắm lực lượng, trả lương các ngôi sao và mọi hoạt động khác. Nó cũng là lý do giải thích tại sao thời gian qua, khi kinh tế xuống dốc và nhiều ông bầu gặp trục trặc trong kinh doanh, bóng đá Việt Nam lập tức lâm vào khủng hoảng. Một số CLB đã phải giải thể (như Navibank Sài Gòn) hoặc đang thoi thóp chờ giải thể (như 2 đội bóng của bầu Kiên). Bản thân VPF cũng đã phải lùi thời hạn đăng ký tham dự mùa giải 2013 đến 2 lần. Tuy nhiên, khả năng mùa giải mới có thể diễn ra hay không vẫn còn là dấu hỏi lớn. |
Gia Mẫn