Ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Vingroup
Năm 2009, quỹ Đầu tư và Phát triển tài năng bóng đá Việt Nam PVF đã được thành lập bởi tập đoàn Vingroup và hoạt động phi lợi nhuận nhằm đào tạo các cầu thủ trẻ cho bóng đá Việt Nam. Vingroup thực hiện việc đào tạo cầu thủ trẻ một cách bền bỉ từ đó đến nay và đã đóng góp nhiều lứa cầu thủ giỏi cho bóng đá Việt Nam.
Nhưng giờ là lúc tăng tốc để đạt được mục tiêu đào tạo ra các thế hệ cầu thủ trẻ toàn diện hơn nhằm đóng góp cho đội tuyển Quốc gia, với đích đến là vòng chung kết cúp Bóng đá Thế giới FIFA’s World Cup.
Để làm được điều đó cần có sự đầu tư bài bản, khoa học, xứng tầm. Đó là lý do để Vingroup xây dựng và vận hành trung tâm PVF mới tại Hưng Yên với quy mô, tầm vóc và tiêu chuẩn thế giới.
Vingroup không có ý định đầu tư đội bóng. Mục đích duy nhất của họ là đào tạo nguồn cầu thủ chuyên nghiệp cho bóng đá Việt, đáp ứng tình yêu bóng đá của người dân Việt Nam.
Trung tâm PVF không chỉ đào tạo kỹ thuật cao cho các cầu thủ mà còn tập trung vào chế độ chăm sóc, dinh dưỡng, rèn luyện thể lực để các cầu thủ Việt Nam trong tương lai sẽ có vóc dáng cao to, thể lực bền bỉ, trình độ kỹ thuật cao và thường xuyên được thi đấu cọ xát với các đội bóng quốc tế.
Hiện các em đều theo học văn hóa tại trường Phổ thông Liên cấp Vinschool cùng chuẩn đầu ra IELTS 5.0 tiếng Anh chuyên ngành. Các cầu thủ PVF sẽ được thụ hưởng một nền giáo dục toàn diện, giúp rèn luyện phẩm chất, kiến thức, kỹ năng để tự nhận thức, chủ động thích nghi và thành công.
Đây có lẽ là người có ảnh hưởng lớn nhất với nền bóng đá nước nhà trong thời gian kế tiếp và tương lai gần nhất. Giấc mơ World Cup sẽ chẳng xa vợi khi mà thời gian ngắn vừa qua chúng ta đã làm được những điều không tưởng.
Bầu Đức
Trong suốt 10 năm, định hướng hoạt động kinh doanh của Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đã phải xoay chiều liên tục, từ trọng tâm vào bất động sản giai đoạn 2009 - 2012, sang mía đường giai đoạn 2013 - 2014, sau đó đến đàn bò vào 2015 - 2016 và mới nhất là kỳ vọng vào mảng kinh doanh cây ăn trái.
Nhưng dù ở thời điểm khó khăn nhất, kể từ khi gánh khoản nợ hàng chục nghìn tỷ đồng, bầu Đức cũng không định đưa học viện Bóng đá vào kế hoạch tái cơ cấu hay thoái vốn.
Năm 2001, Bầu Đức mua lại đội bóng hạng nhất Gia Lai và đổi tên thành Hoàng Anh Gia Lai. Với chiến lược vung tiền để đầu tư vào dàn cầu thủ chất lượng, đội bóng của ông liên tục lập ra những chiến công tại V-League. Vô địch 2 năm liên tiếp 2002 và 2003 tại giải đấu đứng đầu quốc gia, cùng với đó là nhiều thương vụ chuyển nhượng “bom tấn” của bóng đá.
Năm 2007, khi mà hàng loạt những ông bầu mới chập chững vào bóng đá, rập khuôn theo cách mà những ông bầu trước đó đã làm là “ném tiền ăn xổi” thì bầu Đức lặn lội sang Arsenal để học hỏi một cách làm khác - phát triển bóng đá bền vững.
Ở buổi trò chuyện với huấn luyện viên Wenger, trước câu hỏi của bầu Đức phải làm gì để bóng đá Việt Nam phát triển, huấn luyện viên xuất thân là thạc sĩ kinh tế nói rằng: “Cần phát triển đào tạo trẻ, với nền móng là xây dựng các học viện bóng đá”.
Tháng 3/2007 đã đánh dấu mốc cho cách làm bóng đá trẻ tại Việt Nam, khi bầu Đức động thổ xây dựng học viện Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai Arsenal - JMG trên khu đất 5 ha, khu đất mà trước đó trồng cao su đang đến tuổi thu hoạch.
Trong suốt 10 năm, mỗi năm bầu Đức đã chi hàng chục tỷ đồng cho việc vận hành trung tâm đào tạo này, chưa kể các khoản chi bất thường cho các chuyến tập huấn dài ngày ở nước ngoài, nâng cao chất lượng tại học viện, đội ngũ nhân sự quản lý. Nếu tính cả chi phí đầu tư xây dựng, số tiền mà bầu Đức bỏ ra có thể lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Dù vậy, khác với câu chuyện thua lỗ của nhiều câu lạc bộ, hoạt động của học viện Bóng đá ngay những năm sau khi đi vào hoạt động đã có lãi.
Hoạt động của học viện Bóng đá xuất hiện trong báo cáo kết quả kinh doanh của Hoàng Anh Gia Lai đến hết năm 2010, sau đó chỉ còn xuất hiện trên bảng cân đối kế toán các năm tiếp theo. Năm 2009 và 2010, sau 3 năm đi vào hoạt động, doanh thu mỗi năm của học viện bóng đá hợp nhất vào kết quả của Hoàng Anh Gia Lai đạt được trên dưới 40 tỷ đồng. Trong đó lợi nhuận thu về đạt lần lượt 8,7 tỷ và 4,6 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính những năm sau đó, số liệu về học viện Bóng đá HAGL – JMG chỉ còn xuất hiện ở 2 khoản mục chính là chi phí xây dựng dở dang và chi phí trả trước dài hạn.
Tại thời điểm kết thúc quý III/2017, Hoàng Anh Gia Lai ghi nhận hơn 48 tỷ đồng chi phí xây dựng dở dang, tăng gần 10 tỷ so với đầu năm, trong khi đó chi phí phát triển cầu thủ ở khoản mục chi phí trả trước dài hạn ghi nhận 48 tỷ đồng.
Ở giai đoạn khó khăn nhất của tập đoàn vào năm 2016, khi HAGL bước vào đợt tái cơ cấu lần hai (lần đầu vào năm 2013), học viện bóng đá của HAGL nhận được lời đề nghị từ một đại gia muốn mua lại để tiếp quản và làm mới với giá hàng trăm tỷ đồng. Thời điểm này, công trình khu liên hợp học viện Bóng đá HAGL Arenal JMG được mang ra thế chấp cho khoản vay trị giá 603 tỷ đồng và chịu lãi suất 5,05-10,5%. Tuy nhiên, bầu Đức quyết không bán đứa con tinh thần.
Tại phiên họp thường niên khi đó, ông Đức từng nói đến việc gác bóng đá sang một bên để tập trung điều hành tập đoàn qua khó khăn. Nhưng dù chiến lược kinh doanh của Hoàng Anh Gia Lai phải thay đổi liên tục, bán bớt tài sản để đảm bảo thanh khoản thì học viện Bóng đá vẫn chưa từng xuất hiện trong bất kỳ kế hoạch tái cơ cấu nào.
Dù khó khăn với tập đoàn đến nay vẫn chưa qua đi, áp lực nợ vay luôn đè nặng lên hoạt động kinh doanh, nhưng khi nhắc tới bóng đá, ông bầu phố núi vẫn nói rằng "giá mà đầu tư đào tạo bóng đá trẻ sớm hơn, giá mà có chiến lược đào tạo bóng đá trẻ xuyên suốt ở tầm quốc gia sớm hơn, có lẽ Việt Nam đã sớm vươn lên thành con rồng châu Á trong bảng xếp hạng bóng đá, thậm chí có quyền chạm đến suất dự World Cup".
"Chặng đường dài, nhiều thăng trầm, có những lúc kinh tế khó khăn nhưng tôi quyết theo đuổi tới cùng và không cảm thấy gian khổ chút nào. Trái lại tôi thấy vui sướng và hạnh phúc vì sau những bộn bề lo toan việc kinh doanh, mình còn có những chiều ngồi xem tụi nhỏ đá bóng", bầu Đức nói vậy khi được hỏi về việc "đơn thương độc mã" đầu tư lò đào tạo học viện bóng đá trẻ chuyên nghiệp cách đây 10 năm.
Và hiện tại bầu Đức đã có được thành công từ tuyển trẻ và Quốc gia với những đóng góp vô cùng to lớn.
Bầu Hiển
Trong 10 năm bầu Hiển làm bóng đá, những đội bóng của ông đã cung cấp nhiều cầu thủ tài năng cho đội tuyển, tiêu biểu nhất là lứa "cầu thủ vàng" Quang Hải, Duy Mạnh, Đức Huy…
Khi Quang Hải liên tục lập siêu phẩm vào lưới U23 Hàn Quốc, Úc, Qatar rồi Uzbekistan, người vui nhất ngoài bố mẹ cầu thủ số 19 này là ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc tập đoàn T&T.
Chỉ cách đây hơn 1 năm Quang Hải còn là "kép phụ" ở sân chơi SEA Games, Đức Huy, Duy Mạnh, Thành Chung - những đồng đội ở Hà Nội FC thậm chí còn không có chỗ đứng trong đội hình mà HLV Nguyễn Hữu Thắng mang sang Malaysia.
Thế nhưng, trong chiến tích lịch sử ở Giang Tô - Trung Quốc, lứa cầu thủ trẻ đầy tài năng của nhà bầu Hiển lại trở thành những nhân tố quan trọng góp phần mang về tấm huy chương Bạc châu lục.
Từ "kép phụ" trở thành những người hùng của bóng đá Việt, chính Quang Hải và đồng đội đã buộc tất cả phải dành cái nhìn thiện cảm hơn cho cách làm bóng đá của bầu Hiển. Điều mà ông Hiển hài lòng là trong 7 năm trở lại đây, dù chỉ sử dụng toàn HLV nội, công thức huấn luyện ban đầu cũng chủ yếu dựa vào kinh nghiệm thi đấu của những cựu cầu thủ nhưng lò đào tạo Hà Nội FC liên tục thống trị các giải đấu trẻ trong nước. Cũng như CLB HAGL, các đội bóng của bầu Hiển cung cấp khá nhiều cầu thủ tài năng cho đội tuyển Quốc gia.
Khác hẳn với phong cách của một doanh nhân làm bóng đá, bầu Hiển không thích tạo ra sự kiện chấn động nào để lấy tiếng. Ông chú tâm đào tạo trẻ, cần mẫn tập hợp các cựu cầu thủ Việt có tài năng và tâm huyết về để xây dựng đội bóng. Sau này, với mối quan hệ rộng rãi của cậu con trai thứ hai Đỗ Vinh Quang, bầu Hiển còn hợp tác với CLB Manchester City để theo đuổi việc đào tạo thêm mô hình bóng đá chuyên nghiệp của đội bóng lừng danh nước Anh. HAGL, PVF hay Viettel đã áp dụng và thành công nhất định khi liên kết đào tạo với một số CLB mạnh trên thế giới.
Trong 2 chiến tích giành vé dự World Cup U20 năm 2017 và giành ngôi Á quân giải U23 châu Á 2018, những gương mặt trẻ nổi bật nhất của U20 và U23 Việt Nam đều là "con cưng" của bầu Hiển. Trong đó, tiêu biểu nhất là tiền vệ Quang Hải - người đã khiến rất nhiều người hâm mộ Việt Nam thay đổi cách nhìn về bầu Hiển, nhất là với những gì ông dành cho công tác đào tạo trẻ.
Hai năm trước, khi Hà Nội FC chủ động "thay máu" lực lượng với việc đôn các cầu thủ trẻ như Quang Hải, Duy Mạnh, Đức Huy hay Thành Chung… lên thay thế lứa đàn anh đã "luống tuổi" ở sân chơi V-League, nhiều người đã lo lắng cho đội bóng của bầu Hiển.
Thế nhưng, nhờ kết hợp tốt với các cầu thủ có bề dày kinh nghiệm như Văn Quyết, Thành Lương… theo tiêu chí "lứa đi trước dìu dắt lứa sau", những cầu thủ tuổi đôi mươi của Hà Nội FC nhanh chóng thể hiện tài năng. Hà Nội FC vẫn luôn là một thế lực đáng gờm nhất tại sân chơi V-League.
Không ít người đã "tiếng bấc tiếng chì" với bầu Đức hay bầu Hiển vì nhiều lý do khác nhau, từ trong ra ngoài sân cỏ nhưng không thể phủ nhận công lao của những doanh nhân này trong việc phát triển bóng đá nước nhà.
Cách thức quản trị của bầu Hiển đã giúp các cầu thủ trẻ phát triển bền vững. Những cầu thủ có tính biểu tượng của đội như Thành Lương, Văn Quyết hay mới đây là Quang Hải không vướng những tin đồn xấu về lối sống, cách ứng xử và vẫn gắn bó với đội bóng. Bầu Hiển không nuông chiều để làm hư cầu thủ và ông luôn biết cách hậu đãi để họ gắn bó.
Hy vọng, một ngày không xa chúng ta sẽ tranh đấu ở sân chơi World cup. Lúc đó đối thủ của chúng ta là Anh, Pháp, Tây Ban Nha...
Mạnh Phan