Cuộc đào tẩu tinh vi qua lỗ hổng trên cửa sổ
Sáng 25/11/2019, nhân viên an ninh cùng Cảnh sát Đức vô cùng bàng hoàng khi chứng kiến gần 100 món trang sức vô giá biến mất khỏi bảo tàng Hầm Xanh trong cung điện hoàng gia ở thành phố Dresden.
Video an ninh đã giúp phác họa gần những chi tiết cách vụ trộm diễn ra. Theo đó, khoảng trước 5h sáng, những tên trộm đột nhập vào cung điện thông qua một cửa sổ ở phía đường Sophienstrasse rồi lẻn đến phòng trang sức trong Hầm Xanh. Để phá vỡ ô cửa sổ, nhóm trộm phải bẻ cả những thanh sắt bảo vệ và tháo rời một tấm lưới tản nhiệt được lắp đặt cho tòa nhà từ những năm 1890. Khi vào được bên trong, chúng thay thế lưới tản nhiệt khác để không gây nghi ngờ. Và chỉ trong vài phút, chúng lấy đi ít nhất ba bộ trang sức quý giá từ thời Baroque rồi tẩu thoát qua lỗ hổng trên cửa sổ.
Điều khiến giới an ninh Đức phẫn uất hơn cả là vụ trộm diễn ra gần như ngay trước mắt họ, nhưng sự tinh vi của kẻ trộm và diễn biến thần tốc đã khiến họ trở nên bất lực trong việc truy bắt thủ phạm. Các nhân viên an ninh không có vũ trang của bảo tàng đã báo cảnh sát khi phát hiện ít nhất 2 nghi phạm mặc đồ đen, đội mũ trùm kín mặt, mang theo đèn pin, dùng rìu đập liên tục vào 1 tủ kính. Xe cảnh sát đầu tiên tới bảo tàng vào lúc 5h4 nhưng những tên tội phạm đã trốn khỏi hiện trường. Giới chức trách tin rằng sau khi cuỗm được số lượng lớn trang sức, nhóm trộm bỏ trốn trên một chiếc Audi A6.
Ngay sau khi vụ trộm diễn ra, chính quyền đã chỉ định lực lượng đặc nhiệm Ủy ban Epaulette điều tra vụ án. Hàng chục nhà tội phạm học đã được huy động tham gia cuộc điều tra nhưng chưa có bất kỳ nghi phạm nào sa lưới.
Quý giá tới mức không thể bán trên thị trường công khai
Vụ trộm kho báu trong bảo tàng Hầm Xanh gây chấn động khắp thế giới và được xem là "thảm họa nhất lịch sử". Vụ đánh cắp khiến giới yêu nghệ thuật xót xa bởi giá trị của những món đồ bị đánh cắp thực là vô lượng. Nhật báo Bild, trụ sở tại Berlin, đánh giá "các trang sức bị đánh cắp có trị giá trên dưới một tỷ Euro (khoảng 1,1 tỷ USD)". Tuy nhiên, đánh giá về số tài sản bị mất, Dirk Syndram, nhà sử học nghệ thuật Đức cho rằng: "Chúng ta đang nhắc tới những vật thể có giá trị văn hóa vô lượng".
Bảo tàng Hầm Xanh là một trong những kho tàng châu báu lớn nhất châu Âu. Nơi đây gồm 8 phòng trưng bày với khoảng 3.000 trang sức và các kiệt tác khác được trang trí xa hoa, tráng lệ. Bảo tàng là nơi lưu giữ các bộ sưu tập tác phẩm nghệ thuật, trang sức và các vật dụng quý hiếm của vua Augustus II, Ba Lan thế kỷ 18, những món đồ quý giá như chiếc hộp xà cừ Ấn Độ thế kỷ 16.
Tuy nhiên, bảo tàng được biết đến nhiều nhất bởi có viên “Kim cương Xanh” tuyệt đẹp nặng 41 carat - đã được bảo tàng nghệ thuật Metropolitan New York cho bảo tàng Hầm Xanh mượn vào thời điểm bị đột nhập. Kho báu bị trộm cũng bao gồm một dây chuyền 63,8 cm được đính ngọc lục bảo và một viên sapphire nặng 547,71 carat. Một tác phẩm khác bị trộm đó là bộ cà phê bằng vàng từ năm 1701 của thợ kim hoàn Johann Melchior Dinglinger, được trang trí với tượng thiên thần.
Nhà sử học Vivienne Becker cho biết, bộ sưu tập tại bảo tàng Hầm Xanh là độc nhất vô nhị trên thế giới, chứa những trang sức độc đáo từ thế kỷ 18, thời kỳ mà các nghệ nhân châu Âu mới chỉ bắt đầu sử dụng kim cương trong chế tác nghệ thuật cao cấp. "Không có thứ gì trên thế giới giống như thế. Chúng là biểu tượng cho thành tựu cao nhất của con người tại thời kỳ đó. Chúng còn hơn cả trang sức", bà nhấn mạnh.
Trong khi đó, mô tả giá trị của kho báu bị trộm, Giám đốc bảo tàng Marion Ackermann cho biết: “Chúng vô giá tới mức sẽ không thể bán chúng trên thị trường công khai”. Marion Ackermann, cũng cho rằng giá trị của vụ trộm rất khó xác định bởi các tác phẩm được coi là không thể bán được do quá nổi tiếng và quý giá.
"Đây chắc chắn là một trong những vụ trộm kho báu nghệ thuật lớn nhất lịch sử. Nó giống như việc ai đó đột nhập vào bảo tàng Louvre và ăn trộm bức tranh Mona Lisa", Vivienne Becker, nhà sử học đến từ London, nhận định. Ông cho biết thêm rằng không thể định giá số lượng trang sức bị đánh cắp bởi giá trị lịch sử độc nhất của chúng đối với nghệ thuật kim hoàn.
Quả thực, đã gần nửa năm trôi qua kể từ sau vụ trộm, dù cảnh sát Đức và thế giới ráo riết điều tra, săn lùng vụ việc song các món đồ bị đánh cắp tại Hầm Xanh cùng tung tích những kẻ trộm cả gan vẫn là điều bí ẩn chưa được giải mã. Câu hỏi những món đồ quá quý và nổi tiếng khi không thể bán được trên thị trường sẽ đi về đâu vẫn còn đó.
(Theo Wall Street Journal, Mirror, CNN)