Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Nga của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tuần tới - trước Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Đức - sẽ thảo luận đến nhiều vấn đề then chốt của khu vực và toàn cầu.
Trong đó vấn đề hạt nhân Triều Tiên được cho là “mây mờ” che phủ chương trình nghị sự Trung-Nga, theo SCMP.
Trung Quốc và Nga đã có các cuộc đối thoại kinh tế tương đối sâu rộng và ngày càng nồng ấm hơn, kể từ khi Moscow bị các nước G8 kêu gọi cô lập sau cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Sau chuyến đi của Tổng thống Vladimir Putin đến Bắc Kinh hồi tháng 5 tham dự diễn đàn “Vành đai Con đường”, trọng tâm chính trong chuyến thăm của ông Tập Cận Bình lần này sẽ là làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác kinh tế, chính trị giữa hai bên.
Hai quốc gia không chỉ ký một hợp đồng cung cấp khí đốt tự nhiên trị giá 400 tỷ USD, mà còn có các dự án giao dịch tiền tệ liên ngân hàng mới và một cơ quan tín dụng chung.
Các công ty Trung Quốc đã cung cấp cho các đối tác Nga về công nghệ, trong khi các ngân hàng Trung Quốc đã trở thành một nguồn cho vay vốn quan trọng đối với các doanh nghiệp Nga, sau những khó khăn đến từ lệnh trừng phạt của phương Tây.
Việc thúc đẩy chương trình hợp tác song phương đã đưa hai nước có tiếng nói ngày càng lớn hơn trong các vấn đề then chốt của khu vực và toàn cầu.
Hai bên Nga-Trung cũng xem xét cuộc gặp mặt hai nhà lãnh đạo Tập Cận Bình – Putin sẽ mang mục đích tăng cường hơn nữa về hợp tác chiến lược.
Theo các nhà phân tích, nội dung hàng đầu trong chương trình nghị sự Trung-Nga rất có thể sẽ là căng thẳng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, khi cả Trung Quốc lẫn Nga đều có chung "cơn đau đầu" đối với các vụ thử tên lửa liên tục của Bình Nhưỡng.
Tuyên bố gần đây của Mỹ đã khiến Bắc Kinh cảm thấy lo ngại rằng, Washington có thể lựa chọn một phương án tấn công, sau những gì diễn ra ở Triều Tiên.
Tổng thống Donald Trump hồi đầu tuần đã khẳng định, Bình Nhưỡng "đang gây ra những vấn đề to lớn và cần phải giải quyết càng sớm càng tốt".
Điều này khiến Bắc Kinh và Moscow lo ngại căng thẳng trên bán đảo có thể vượt khỏi tầm kiểm soát. Hai nước đều mong muốn các giải pháp áp dụng cho tình hình hiện tại chỉ nên xây dựng dựa trên một số biện pháp trừng phạt từ Liên Hợp Quốc.
Giới lãnh đạo Trung Quốc tin rằng, sẽ có nguy cơ Triều Tiên hành động theo cách mà Bắc Kinh cũng không lường trước được.
Điều này dễ tạo ra khả năng chính quyền Bình Nhưỡng có thể rơi vào suy thoái, một viễn cảnh Trung Nam Hải không hề mong muốn.
Không chỉ dẫn đến sự bất ổn ở biên giới Triều Tiên và Trung Quốc, kịch bản nói trên sẽ giúp Mỹ thừa cơ chiếm về những lợi ích cho mình.
Về cơ bản, chuyến thăm của ông Tập đến Moscow sẽ làm nổi bật lên sự sẵn sàng của cả hai bên trong việc hướng tới một chương trình hợp tác quan trọng. Theo đó, việc giải quyết vấn đề Triều Tiên là trọng tâm chủ chốt.
Tuy nhiên, sự ấm lên của mối quan hệ không hẳn sẽ mang đến đồng thuận chung. Trên thực tế, nhiều hợp tác song phương Nga -Trung trước đó đã bị giới quan sát chỉ ra vẫn còn nhiều hạn chế.
Đọc thêm>>> Đằng sau 3 động thái bất thường của Mỹ với Trung Quốc
Quốc Vinh