Dân tình vừa được phen cười ra nước mắt sau bức ảnh chụp kết quả siêu âm hôm 11/1 của anh Phùng Văn Triệu (33 tuổi, ở xã Đồng Cốc, Lục Ngạn, Bắc Giang) tại phòng khám đa khoa Bắc Thăng Long.
Theo đó, ngoài mô tả gan, mật, bàng quang, anh Triệu bất ngờ có thêm “tử cung (kích thước bình thường, âm cơ đều) và buồng trứng (hai bên không có gì bất thường).
Giải thích với báo chí, đại diện phòng khám Bắc Thăng Long cho biết đây là “lỗi đánh máy”, “lỗi phần mềm”. Người đánh máy đã sử dụng phông nữ trong phần mềm siêu âm cho anh Triệu và do đó tạo ra sự nhầm lẫn.
Đáng nói, trường hợp sai một ly, đi một... giới như thế này từng xảy ra ở nhiều nơi.
Còn nhớ trước đây, dư luận từng xôn xao vì thông tin bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất (Hà Nội) phát phiếu chỉ định khâu vết thương âm hộ, âm đạo cho một chàng trai bị rách tay – một ca bệnh khó, lạ hay nói chính xác hơn, là không thể thực hiện được.
Hay như cuối năm ngoái, một bệnh nhân 55 tuổi cũng được bệnh viện Đa khoa Kim Sơn, Ninh Bình ghi chẩn đoán "sẩy thai tự nhiên, không hoàn toàn, không có biến chứng" trong phiếu ra viện. Theo Giám đốc bệnh này, sau khi nhân viên văn phòng đưa phiếu ra viện cho bác sĩ điều trị, “anh ấy cứ thế ký rồi lại tiếp tục chuyển cho Phó Giám đốc ký nhưng cũng chẳng ai để ý vì cuối năm bận việc”.
Những vụ nhầm lẫn trên đều cùng chung nguyên nhân, đó là thao tác sai của nhân viên nhập liệu. Dễ nhận thấy, tầm quan trọng và cả mức độ nguy hiểm của nghề đánh máy ngày càng được khẳng định, đặc biệt là ở các bệnh viện, phòng khám quản lý và theo dõi bệnh án hoàn toàn bằng phần mềm máy tính.
Nhưng có lẽ, bên cạnh việc đề ra tiêu chuẩn về kỹ năng tin học văn phòng cho người đánh máy, ta cũng nên xem xét lại trách nhiệm của các bác sĩ trong việc đặt bút ký vào tờ phiếu phát cho bệnh nhân.
Bởi trong khi vị bác sĩ ở bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất đã phát hiện ra lỗi đánh máy trước khi ký vào phiếu chỉ định khâu âm đạo thì bác sĩ điều trị cho bệnh nhân “bị sảy thai tự nhiên” hay bác sĩ siêu âm cho anh Triệu đều không xem lại thông tin và để lại chữ ký rõ nét trên tờ phiếu.
Dĩ nhiên, các sai sót kể trên đều không gây ra hậu quả đáng tiếc như chuyện mổ nhầm chân (có trường hợp còn bắt đóng thêm tiền) hay phát nhầm thuốc vốn cũng không hề mới ở bệnh viện. Sau khi xảy ra sự cố, các bệnh viện, phòng khám đều chủ động xin lỗi bệnh nhân.
Tuy nhiên, nếu những người làm việc trong ngành y còn làm ẩu, làm vội thì chẳng bao xa nữa, khi nói tới “phẫu thuật chuyển giới”, người ta sẽ nghĩ ngay đến bệnh viện thay vì liên tưởng tới quốc gia là thiên đường của phẫu thuật chuyển đổi giới tính...
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả