Trong cuộc đời hoạt động cách mạng kiên trung của nhà yêu nước Lương Ngọc Quyến (SN 1885, sinh tại Hà Nội), ít người biết được có một bóng hồng luôn sát cánh bên ông. Người phụ nữ này tạo động lực giúp ông có thể hòa mình vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Điều bất ngờ đến thán phục, người con gái đem lòng yêu ông lại là một tiểu thư khuê các. Bóng hồng này là con của một đại địa chủ đất Thái Bình.
Ông Lương Quân.
Yêu nhau qua những lời kể
Trong một lần hội ngộ với ông Lương Quân (68 tuổi, cháu nội của nhà cách mạng Lương Ngọc Quyến) tại nhà số 9 (phố Núi Trúc, quận Ba Đình, Hà Nội), tôi xúc động khi được nghe ông kể về tình yêu của người chí sĩ ngày nào. Đó là mối tình giữa tiểu thư khuê các Nguyễn Thị Hồng Đính (SN 1896) với chí sĩ yêu nước nổi tiếng Lương Ngọc Quyến. Bên ấm trà nóng, ông Quân trầm ngâm kể, thời kỳ cách mạng, nhiều chí sĩ yêu nước phải tạm gác lại mưu cầu hạnh phúc riêng tư. Họ nhận thức được những hiểm nguy phía trước trên con đường hoạt động cách mạng mà mình đã lựa chọn. Đặc biệt, kẻ thù có thể dùng bất cứ thủ đoạn nào để trả thù người thân của các nhà hoạt động cách mạng. Cũng vì nỗi lo lắng đó, chí sĩ Lương Ngọc Quyến đành từ bỏ tổ ấm hạnh phúc của mình để đi theo tiếng gọi của tổ quốc.
Để minh chứng cho lời tâm sự của mình, ông Lương Quân kể cho tôi nghe câu chuyện liên quan đến “lá đơn từ vợ” của ông nội. Theo ông Quân: Thời điểm đó là những năm đầu của thế kỷ XX. Phong trào yêu nước Việt Nam phát triển theo khuynh hướng tư sản, nổi tiếng nhất là phong trào Đông Du. Lúc bấy giờ, những thanh niên ưu tú của Việt Nam được tổ chức bí mật đưa sang Nhật Bản học tập. Ông Lương Ngọc Quyến là một trong những người được chọn lựa. Để tránh nguy hiểm cho người thân, ông đau đớn tự tay “viết đơn từ vợ”.
Nhấp một ngụm trà đắng chát, ông Quân chia sẻ, hành động của ông Lương Ngọc Quyến lúc đó đã gây xúc động lớn đối với những chí sĩ cách mạng đương thời. Sau khi thu xếp xong việc gia đình, tháng 10/1905, ông Quyến được đưa sang Nhật. Tại đất nước này, ông được gửi vào trường Chấn Vũ (một ngôi trường nổi tiếng là cái nôi đào tạo nhiều tướng lĩnh nổi tiếng). Tạm gác mọi mưu cầu riêng tư, người chí sĩ này chú tâm vào học hành. Sau một năm, kết quả của học tập Lương Ngọc Quyến đạt được khiến ai cũng bất ngờ. Ông tốát nghiệp loại suất sắc, xếp thứ nhất trong những học sinh Việt Nam được gửi sang Nhật học tập và đứng thứ hai toàn trường. Thời bấy giờ, người đàn ông Việt Nam nổi lên như một ngôi sao sáng trong phòng trào cách mạng.
Nghe danh của ông Quyến, nhiều bạn bè trong nước và quốc tế nể phục. Trong số đó có một tiểu thư là con của đại địa chủ Nguyễn Hữu Cương. Được biết, cụ Cương là một người nổi tiếng đất Thái Bình (ông Cương hiện nay được phong tặng là danh nhân văn hóa tỉnh Thái Bình bởi những hoạt động yêu nước chống Pháp). Bản thân cụ Cương với cụ Lương Văn Can (bố của chí sĩ Lương Ngọc Quyến) là những nhà yêu nước nổi tiếng những năm đầu thế kỷ XX. Bốn người con trai của cụ Cương đều tham gia hoạt động cách mạng, là đồng chí thân cận với ông Quyến.
Được biết, tiểu thư Hồng Đính lúc bấy giờ mới bước vào độ tuổi trăng tròn. Nhiều lần bà được nghe cha và anh trai kể về Lương Ngọc Quyến, một người trẻ tuổi, tài năng và yêu nước nên đã đem lòng ngưỡng mộ. Đặc biệt, khi bà Đính biết người chí sĩ này đã hi sinh hạnh phúc của mình để hoạt động cách mạng. Bản thân cụ Cương và các anh của tiểu thư này cũng không thể ngờ rằng, những câu chuyện của họ trao đổi với nhau đã ngấm vào trái tim của cô con gái út trong gia đình.
Xuất thân gia thế, có học thức, tiểu thư Hồng Đính được nhiều chàng trai con nhà danh giá khác đưa người mối lái đến để hỏi cưới. Tuy nhiên, bà không đồng ý bất cứ một ai. Hành động của tiểu thư này cũng khiến cụ Nguyễn Hữu Cường không thể hiểu được. Theo ông Quân, một ngày cụ Cường đến tâm sự với con gái của mình và biết được rằng, con gái đã đem lòng yêu chí sĩ Lương Ngọc Quyến. Bà Hồng Đính chia sẻ với cha rằng: “Con sẽ không lấy ai ngoại anh Quyến. Nếu không được như ý muốn con chấp nhận ở vậy một mình”.
Ông Quân cho biết, tình yêu của bà Hồng Đính dành cho cụ Quyến xuất phát từ những câu chuyện bà được nghe hàng ngày. Bà nguyện gắn chặt cuộc đời mình với nhà cách mạng trẻ tuổi. Lúc đầu, cụ Cương nghe con gái thổ lộ cũng không tin đó là sự thật. Bởi vì cô con gái độc chưa từng gặp gỡ cũng như nói chuyện với Lương Ngọc Quyến. Nhưng thời gian trôi qua, cụ Cương nóng lòng khi thấy con gái mình từ chối hết đám này đến đám khác.
Thương con gái, cụ Cương cũng cảm thấy khâm phục vì tình yêu của con mình dành cho Lương Ngọc Quyến. Người cha này đành âm thầm liên hệ với cụ Lương Văn Can để giàn xếp cho mối tình đặc biệt này. Ông Quân lý giải, giữa cụ Cương và cụ Lương Văn Can là những người bạn chí cốt. Nên cuộc gặp gỡ giữa hai người nhanh chóng mang đến kết quả tốt đẹp. “Cụ nội tôi khi nghe cụ Cương kể về câu chuyện tiểu thư Hồng Đính liền cảm thấy xúc động. Sau đó, hai người đã thống nhất với nhau sẽ tác hợp cho tiểu thư Hồng Đính với Lương Ngọc Quyến nên duyên vợ chồng”, ông Quân kể.
Chân dung cụ Lương Ngọc Quyến
Cuộc đưa dâu có một không hai
Việc tác thành cho tiểu thư Hồng Đính với nhà yêu nước trẻ tuổi Lương Ngọc Quyến đã được thống nhất giữa hai gia đình. Nhưng một thử thách lớn cho tình yêu của hai người đó và việc chọn địa điểm và thời điểm diễn tổ chức hôn lễ. Bởi vì hoạt động yêu nước của ông Quyến diễn ra bí mật, đa phần phải hoạt động ở nước ngoài. Hơn nữa, địa điểm hoạt động của chí sĩ này không cố định. Lúc ông ở Nhật Bản, lúc sang Hương Cảng, lúc đến ở Quảng Châu. Trong khi đó, tiểu thư Hồng Đính lại ở Thái Bình. Chính vì thế, để sắp xếp thời gian tiến hành lễ thành hôn cho hai người, những người bạn cùng hoạt động yêu nước với ông Quyến đã kỳ công sắp xếp và bố trí thời gian. Năm 1911, chí sĩ Lương Ngọc Quyến đang hoạt động tại Quảng Châu (Trung Quốc). Nhận thấy đây là thời điểm thích hợp nhất để tổ chức hôn lễ, ông Nguyễn Công Thu, một chí sĩ yêu nước, anh trai của bà Hồng Đính được các đồng chí của mình bố trí nhiệm vụ khi trở lại Trung Quốc phải đón bà Hồng Đính sang cùng.
Ông Nguyễn Công Thu về nước nhưng bà Hồng Đính không hề biết lần này anh trai sẽ đón mình đi cùng. Chính vì thế, bà Hồng Đính chủ động xin anh trai đi theo để gặp người yêu. Tuy nhiên, măc dù biết tình yêu của Hồng Đính dành tặng cho Lương Ngọc Quyến rất sâu sắc nhưng người ông Thu sợ rằng, những khó khăn gian khổ phía trước sẽ khiến em gái chùn bước. Vì vậy, người anh trai Nguyễn Công Thu đã thử thách em gái bằng việc từ chối không cho đi cùng. Nhưng rồi, bà Đính ngày đêm thuyết phục, khóc lóc năn nỉ nên ông Thu xúc động. Cuối cùng, người anh trai này chấp nhận mang em gái sang Trung Quốc.
Khi nhắc tới về cuộc đưa dâu đặc biệt của ông bà nội, ông Quân nở nụ cười hạnh phúc: Tình cảm mà bà Đính dành cho ông Quyến quá đặc biệt. Đó là một sự thật đến khó tin. Vào thời điểm lúc bấy giờ, một người phụ nữ yếu mềm như tiểu thư Hồng Đính lại dấn thân vào chốn nguy hiểm để chạy theo tiếng gọi của tình yêu là một một việc hiếm có”.
Đi bộ bốn tháng ròng rã để gặp người yêu Thời điểm lúc bấy giờ, đường sá khó khăn, người tham gia cách mạng có thể gặp nguy hiểm bất cứ lúc nào vì tai mắt của mật thám Pháp. Để an toàn từ Việt Nam sang Quảng Châu, ông Nguyễn Công Thu và cô em gái Hồng Đính phải đi theo đường bộ kéo dài hàng ngàn cây số. Đó hành trình từ Thái Bình đi ra Móng Cái rồi từ Móng Cái vượt biên sang Quảng Châu. Hành trình này kéo dài gần bốn tháng trời. Đối với một tiểu thư như bà Hồng Đính, đây là một chiến tích ngoài sức tưởng tượng. |
Trinh Phúc