Bóng hồng làm rối ren Nội các Mỹ - Kỳ cuối: Hồi kết cuộc tình sóng gió

Bóng hồng làm rối ren Nội các Mỹ - Kỳ cuối: Hồi kết cuộc tình sóng gió

Thứ 2, 11/03/2013 07:17

Đúng vào thời điểm đó, vận may đang ngày càng mở ra với Ngoại trưởng Martin Van Buren. Cựu thống đốc bang New York, một con người có sức lôi cuốn với những người xung quanh và là một chiến lược gia lão luyện phía sau hậu trường (đồng nghiệp cũng như các đối thủ đều gọi ông là “Phù thủy bé nhỏ”), Van Buren đã được tổng thống chú ý bởi đã thể hiện sự tôn trọng John và Margaret Eaton.

Tiêu điểm - Bóng hồng làm rối ren Nội các Mỹ - Kỳ cuối: Hồi kết cuộc tình sóng gió

Margaret Eaton những năm cuối đời.

Ông trở thành “người bạn thân thiết của Jackson”, một người mà tổng thống cảm nhận “có khả năng” thay thế ông sau này. Những người ủng hộ Calhoun nhận thấy rằng, sự tin tưởng của Tổng thống đối với Phó Tổng thống ngày một phai nhạt. Điều này đã mang lại lợi thế cho Van Buren. Daniel Webster viết rằng: “Kể từ khi Jackson trở nên quá dựa vào Ngoại trưởng, Phó Tổng thống thấy rất khó phản đối Van Buren mà tránh không phản đối Tổng thống”. Calhoun chỉ có thể cầu nguyện sự ủng hộ của công chúng dành cho ông hoặc một lỗi lầm của Van Buren sẽ đưa ông lên chiếc ghế tổng thống.

Trong vòng hai năm, báo chí và các nhà bình luận đã chỉ trích sự ủng hộ của Jackson giành cho gia đình Eaton. Những lời đồn đại tệ hại nhất về cặp đôi này tiếp tục lan rộng. Người ta thậm chí còn phao tin, Bộ trưởng Chiến tranh còn có con với một người hầu da màu. Van Buren cũng như bất kỳ ai đều có thể nhìn thấy Margaret Eaton đã trở thành một trở ngại như thế nào với những người thuộc đảng Dân chủ và là một gánh nặng cá nhân với Jackson. Tổng thống thậm chí gửi cháu trai kiêm thư ký riêng của ông, Andrew Jackson Donelson, cùng vợ trở lại bang Tennessee khi họ từ chối quan hệ với gia đình Eaton. Andrew Donelson bày tỏ thái độ buồn bã của anh khi từ biệt chú, “người mà tôi từ khi còn bé đã luôn coi như cha của mình”. Sự đoàn kết cần phải được củng cố lại trong nội bộ chính quyền. Trong tình huống này, Tổng thống lộ rõ thái độ bối rối khi chưa thể quyết định chọn hướng giải quyết nào cho phù hợp. Nếu Tổng thống loại bỏ bộ phận chống gia đình Eaton ra khỏi nội các, ông đứng trước nguy cơ tách phe của Calhoun ra khỏi đảng; còn nếu ông hạ bệ Bộ trưởng Chiến tranh, ông dường như đã nhượng bộ trước các lời chỉ trích.

Tiêu điểm - Bóng hồng làm rối ren Nội các Mỹ - Kỳ cuối: Hồi kết cuộc tình sóng gió (Hình 2).

Nghĩa trang đồi Cây Sồi, nơi an nghỉ của Margaret.

 Tháng 4/1831, Van Buren trình lên Jackson đơn từ chức và yêu cầu John Eaton cũng làm như vậy. Điều này sẽ cho phép Tổng thống đề nghị các thành viên còn lại của nội các cũng tiến hành từ chức; đương nhiên hành động này mở đường cho một đợt tái tổ chức nội các. Trước động thái này của Tổng thống, các thành viên nội các đã đều rời bỏ chiếc ghế của họ.

Cả thủ đô quay cuồng với chuỗi các sự kiện này, một số người dự đoán rằng chính phủ sẽ bị sụp đổ chỉ trong một sớm một chiều. Các tờ báo nhanh chóng quy kết nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của nội các là Margaret Eaton. Một bài báo còn ví sự kiện này với “triều đại của vua Louis XV khi các bộ trưởng được bổ nhiệm và sa thải bởi một cái gật đầu của một người đàn bà, và lợi ích quốc gia bị lệ thuộc vào nhan sắc của cô ta”. Henry Clay tính toán rằng, Calhoun giờ đây có thể “có lập trường cứng rắn và mạnh dạn hơn chống lại tổng thống”, dẫn đến nguy cơ Jackson không được tái đắc cử vào năm 1832 và có thể nâng cao khả năng chiến thắng của chính Clay. Những người khác thì hy vọng, việc John Eaton từ chức cuối cùng sẽ chấm dứt những lời đàm tiếu xung quanh người vợ xinh đẹp và lẳng lơ của ông. Người dân Mỹ khi đó ước, các thành viên nội các tiếp theo đều là người độc thân, mà nếu ai có vợ thì không đem theo vợ vào chốn quan trường...

Trúng cử nhiệm kỳ hai, Jackson mong muốn chấm dứt những rắc rối từng đe dọa làm tiêu tan nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông. Ông điều John Eaton và vợ đến lãnh thổ Florida, nơi John trở thành thống đốc. Hai năm sau, Jackson bổ nhiệm Eaton là người đại diện cho chính phủ Mỹ ở Tây Ban Nha, Margaret và John sống ở Mađrít trong bốn năm.

Tiêu điểm - Bóng hồng làm rối ren Nội các Mỹ - Kỳ cuối: Hồi kết cuộc tình sóng gió (Hình 3).

“Phù thủy bé nhỏ” Martin Van Buren.

 Cay đắng vì bị sa sút trong sự nghiệp chính trị, Phó Tổng thống Calhoun tìm cách trả thù Martin Van Buren. Năm 1832, Calhoun bỏ phiếu phản đối Van Buren là người đại diện cho chính phủ Mỹ ở Anh. Sự phản đối này, Calhoun kể cho một đồng nghiệp, “sẽ khiến ông ta phải lụn bại, lụn bại đến chết”. Trái lại, điều đó đã giúp Van Buren giành được sự cảm thông của dân chúng Mỹ. Năm 1832, Van Buren trở thành người kế tục của Jackson trong cuộc bầu cử tổng thống sau đó. Năm 1836, ông được bầu làm Tổng thống Mỹ. Trong khi đó, Calhoun từ chức Phó Tổng thống năm 1832 để quay trở lại Thượng viện.

Mối quan hệ giữa Eaton với Jackson sau đó rơi vào cảnh “cơm không lành, canh không ngọt”. Năm 1940, khi Tổng thống Van Buren triệu hồi Eaton từ Tây Ban Nha về bởi không hoàn thành được nhiệm vụ ngoại giao, Eaton tuyên bố ủng hộ đối thủ cạnh tranh ghế tổng thống của Van Buren, William Henry Harrison. Tức giận trước sự phản bội của Eaton, Jackson tuyên bố rằng: “Ông ta đã đi ngược lại tất cả các nguyên tắc chính trị mà ông đã từng rao giảng và nền tảng mà ông ta đã được gây dựng nên và trở thành thượng nghị sĩ”. Hai người không giảng hòa với nhau cho đến tận một năm trước khi Jackson qua đời vào năm 1845.

John Eaton qua đời năm 1856, để lại một gia tài nhỏ cho vợ. Margaret sống ở Oasinhtơn và sau khi hai con gái đi lấy chồng thuộc giới thượng lưu trong xã hội, cuối cùng cô cũng nhận được đôi chút sự tôn trọng mà từ lâu cô thực lòng mong muốn. 59 tuổi, Margaret một lần nữa kết hôn với Antonio Buchignani, giáo viên dạy khiêu vũ của cháu gái, Emily. Năm năm sau, Buchignani chạy sang Italia với Emily và toàn bộ tiền của người vợ già.

Margaret qua đời trong sự nghèo khổ vào năm 1879 tại nhà tế bần Lochiel. Bà được an táng trong nghĩa trang đồi Cây sồi ở thủ đô bên cạnh John Eaton. Một tờ báo bình luận về cái chết và sự phi lý của sự đời như sau: “Không nghi ngờ gì nữa, trong số những con người nằm trong nghĩa trang này có những người đã từng đả kích dữ dội Margaret và cho dù họ có thể đã ghét bà, giờ đây họ lại là hàng xóm của bà”.

> Muôn kiểu 'chữa' HIV quái đản nhất

Theo Khánh Chi/Báo Tin tức

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.