"Bóng ma độc quyền" có thể trở lại?

"Bóng ma độc quyền" có thể trở lại?

Thứ 5, 27/12/2012 23:47

Các chuyên gia lo ngại sẽ có tình trạng độc quyền khi sáp nhập hai "đại gia" viễn thông

Thời gian qua, thông tin về cuộc "hôn phối" của hai "ông lớn" MobiFone và VinaPhone đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Dù kịch bản về việc tách hay nhập vẫn đang được Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét nhằm đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường, tuy nhiên, người tiêu dùng và giới chuyên gia lo ngại, việc sáp nhập có thể kéo "bóng ma độc quyền" quay trở lại. Ý tưởng này đang đi ngược với định hướng tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước và pháp luật cạnh tranh.

Xã hội - 'Bóng ma độc quyền' có thể trở lại?

Nhiều người băn khoăn về việc sáp nhập hai nhà mạng. Ảnh minh họa

Thế cạnh tranh "chân vạc..." bị phá vỡ

Sau thời gian tạm lắng tranh cãi về việc sáp nhập hai "đại gia" viễn thông VinaPhone và MobiPhone thì mới đây, VNPT lại "đăng đàn" đòi "khắc nhập" hai nhà mạng này. Trong buổi tọa đàm "Kịch bản nào cho thị trường viễn thông Việt Nam?" vấn đề này đã trở nên "nóng" bởi làn sóng phản hồi mạnh mẽ. Nhiều chuyên gia còn thẳng thắn khẳng định, sẽ xuất hiện "bóng ma" độc quyền mười năm trước đang quay lại.

Trả lời báo giới về vấn đề này, ông Phạm Hồng Hải, cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin Truyền thông) cho rằng, việc một số doanh nghiệp rời bỏ thị trường, hay sáp nhập là điều dễ hiểu bởi nó tuân theo quy luật phát triển bình thường. Khi phát triển ở một mức độ, doanh nghiệp đủ mạnh thì tiếp tục tồn tại, doanh nghiệp không có khả năng hoặc chưa tận dụng hết năng lực kinh doanh của mình thì buộc phải rời khỏi thị trường.

Theo quan điểm của cục trưởng Cục Viễn thông, trong quá trình mua bán, sáp nhập, cơ cấu lại doanh nghiệp, nếu môi trường pháp lý không hoàn thiện sẽ tồn tại hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Phải hoàn thiện lại môi trường pháp lý theo môi trường kinh doanh viễn thông, theo kinh tế thị trường. Làm như vậy mới có thể giúp thị trường viễn thông phát triển bền vững hơn trong thời gian tới.

Phản hồi lại ý tưởng trên, TS.Võ Trí Thành, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, vấn đề của cơ quan quản lý trong đó có Bộ Thông tin Truyền thông là phải bảo vệ và duy trì áp lực cạnh tranh. Để làm được điều này một cách tốt nhất là phải đẩy nhanh cổ phần hóa các mạng di động. Vị Phó Viện trưởng này phân tích, nếu ba công ty di động lớn nhất chiếm tới 95% thị trường (Viettel, MobiFone, VinaPhone) đều 100% thuộc sở hữu Nhà nước thì sẽ khó duy trì áp lực cạnh tranh. Chính vì vậy, đề xuất sáp nhập VinaPhone - MobiFone của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông là không thể làm.

Lý do được ông Thành đưa ra đó là vụ sáp nhập này sẽ vi phạm Luật Cạnh tranh. Hơn nữa, trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh cải cách doanh nghiệp nhà nước, việc sáp nhập hai "đại gia" viễn thông chiếm thị phần lớn trên thị trường sẽ là một tín hiệu tiêu cực với quá trình cải cách.

Đồng quan điểm, PGS. TS Lê Hữu Lập, phó giám đốc Học viện Bưu chính Viễn thông cho biết, hiện nay là thời điểm có tính bước ngoặt của thị trường viễn thông khi mà quá trình đào thải những "người chơi" không đủ điều kiện tồn tại diễn ra rất quyết liệt. Thực tế ở một số nước phát triển, xu thế ban đầu vẫn là "trăm hoa đua nở", nhiều mạng cùng hoạt động kiểu "mỗi ông một phách" khiến thị trường phát sinh không ít lùm xùm. Tuy nhiên, qua thời gian những nhà mạng nhỏ, làm ăn chộp giật thường bị "triệt tiêu" nhường chỗ lại cho những "ông lớn" đủ sức đứng vững. Những nhà mạng yếu hãy để tự đào thải, còn nhà mạng khỏe cũng nên để họ tự đứng vững, nhà nước không nên tiếp tục "che chở", "nâng đỡ".

Tuy nhiên PGS Lê Hữu Lập tỏ ra lo ngại, nếu việc sát nhập diễn ra theo đúng kịch bản, tập trung kinh tế dồn cho các mạng lớn và trên thị trường chỉ có 2 ông lớn thì bóng ma độc quyền rất có thể sẽ quay trở lại. Thông thường, nên duy trì từ 3 đến 5 nhà khai thác theo đúng quy luật hoạt động, phát triển của thị trường di động. "Theo tôi, cả hai phương án nhập hay tách đều có ưu và nhược, đều có những vấn đề riêng nếu xét lại bức tranh kinh doanh hiện nay của VNPT. Do vậy, song song với việc tách - nhập cần có chính sách đi kèm để đảm bảo cạnh tranh lành mạnh", ông Lập nhấn mạnh.

Xã hội - 'Bóng ma độc quyền' có thể trở lại? (Hình 2).

TS Nguyễn Minh Phong

"Ông lớn" sẽ "ép chết" nhà mạng nhỏ?

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, hiện nay thị trường Việt Nam đang bị chi phối bởi 3 nhà mạng lớn đều của Nhà nước. Như vậy, liệu có cạnh tranh khi có 3-4 công ty trên thị trường nhưng các công ty này đều thuộc Nhà nước hay không? Nguyên lý cạnh tranh là không phải để bảo vệ những người đang chơi trên thị trường mà là để bảo vệ áp lực cạnh tranh. Vì số lượng người chơi trên thị trường này là hạn chế nên một trong những cách để tạo cạnh tranh là cổ phần hóa. Ý nghĩa của cổ phần hóa không đơn thuần nhằm thu hút đầu tư, tăng thu ngân sách mà còn tạo thêm đối tác chiến lược, từ đó cải thiện được kỹ năng quản trị, công nghệ, cách thức dịch vụ mới, tạo tiêu chuẩn để các doanh nghiệp khác phải theo. Đó cũng là cách thức tạo áp lực cạnh tranh.

Về phía Bộ TT&TT, ông Phạm Hồng Hải, cục trưởng Cục Viễn thông cho biết, hiện tại, VNPT đã có đề xuất lên Bộ TT&TT báo cáo các Bộ, ngành liên quan đề nghị cho sáp nhập. Quan điểm của Cục Viễn thông là phải duy trì ít nhất ba doanh nghiệp tương đương nhau trên thị trường. Từ giờ đến cuối năm, Bộ TT&TT sẽ có kết luận chính thức về việc tách/nhập MobiFone - VinaPhone và sẽ có công bố công khai, minh bạch.

Đem thông tin về ý tưởng "hôn phối" giữa hai "ông lớn" Mobifone và Vinaphone liên lạc với TS Nguyễn Đức Thành, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (Đại học Quốc gia Hà Nội), chuyên gia này tỏ ra khá bất ngờ. "Tôi không biết lý do nào dẫn đến VNPT đưa ra kịch bản này. Có thể họ sáp nhập để giữ thế thượng phong, "chống" lại sự bành trướng của Viettel. Cũng có thể họ sợ trong tương lai mở cửa thị trường, họ sẽ bị các doanh nghiệp viễn thông nước ngoài cạnh tranh nên cần kết hợp để tăng thêm sức mạnh. Tuy nhiên, bản thân tôi, tôi không đồng tình với ý tưởng sáp nhập trên".

Khi được hỏi về sự được - mất trong cuộc "hôn phối" này, TS Nguyễn Đức Thành cho rằng, đơn giản nó sẽ làm giảm tính cạnh tranh trên thị trường. Hiện tại, ngoài những nhà mạng nhỏ, thị trường viễn thông di động đang tồn tại thế chân vạc gồm ba "ông lớn" là MobiFone, VinaPhone và Viettel đủ sức cạnh tranh nhau. Điều này góp phần phá thế độc quyền, tạo hiệu ứng tốt, đem lại tiện lợi cho người tiêu dùng, đặc biệt về giá. Nếu sáp nhập MobiFone và VinaPhone, thế "chân vạc" sẽ bị gãy, tạo thành thế "lưỡng độc quyền" gây bất lợi. Hai doanh nghiệp này có thể dễ dàng thỏa hiệp dẫn đến thao túng thị trường.

Cũng theo quan điểm của Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, trong bối cảnh như vậy, các "tiểu gia" như Vietnamobile, Gtel, SPT sẽ khó giữ được vị trí "chiếu dưới" như hiện nay mà thậm chí có thể bị "triệt tiêu" theo cách của EVN Telecom hay Beeline. Và những lo ngại của người tiêu dùng về sự trở lại của độc quyền là hoàn toàn có cơ sở.

Trao đổi với PV Người đưa tin, chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong cho biết, việc VNPT đề xuất sáp nhập VinaPhone và MobiFone là chuyện đã được bàn bạc rất nhiều lần. Hiện nay, chúng ta có ba "đại gia" cùng là công ty Nhà nước. Như vậy việc cạnh tranh sẽ không thể cao được. Chính vì thế, khi sáp nhập hai công ty của VNPT thì lúc đó sẽ mất thế "chân vạc". Điều này càng khiến cho các nhà mạng giảm sức cạnh tranh.

Điều quan trong nhất đối với vấn đề này đó là việc sáp nhập có ảnh hưởng đến luật cạnh tranh. Theo tôi được biết, hiện VinaPhone đang chiếm 30,07%, MobiFone 17,9% Nếu sáp nhập hai công ty này sẽ chiếm gần 50%. Như vậy là đã vi phạm Luật Cạnh tranh. Bởi luật quy định không được phép sáp nhập các doanh nghiệp mà tổng thị phần quá 30%.

Liên quan đến việc sáp nhập của MobiFone và VinaPhone có vi phạm Luật Cạnh tranh hay không, một lãnh đạo của Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho biết, đây là vấn đề phức tạp, cần xem xét ở yếu tố thị trường và thị phần. Cụ thể, Luật Cạnh tranh xác định thị phần trên tiêu chí doanh thu. Trong khi đó, Cục Quản lý cạnh tranh chưa nắm được MobiFone và VinaPhone chiếm bao nhiêu về thị phần. Còn con số thị phần mà báo chí đưa ra dựa trên số lượng thuê bao, chứ không phải là thị phần doanh thu nên cần có nghiên cứu, điều tra kỹ lưỡng để đưa ra kết luận.

Nhà mạng nhỏ sẽ "chết dần chết mòn"

Ông Trần Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty luật TNHH Quốc tế Ban Mai Việt Nam cho rằng, việc tập trung kinh tế vào 1-2 nhà mạng là vấn đề quá nguy hiểm. Khi đó, các nhà mạng nhỏ sẽ bị cạnh tranh và luôn trong tình trạng "chết dần, chết mòn". Đây là một kịch bản xấu mà ngành viễn thông nhìn lại và cân nhắc kỹ lưỡng. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng hiện nay, khoảng cách của các nhà mạng đang quá lớn và khó có thể san lấp nếu Nhà nước không có chính sách hỗ trợ nhà mạng nhỏ như Vietnamobile .

Anh Văn - Vương Chân


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.