“Bóng ma” lạm phát sẽ "ám" nền kinh tế đến năm 2013?

“Bóng ma” lạm phát sẽ "ám" nền kinh tế đến năm 2013?

Thứ 5, 27/12/2012 23:45

TS. Vũ Đình Ánh, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Thị trường giá cả cho rằng, mức tăng CPI tháng 9 theo công bố của Tổng cục Thống kê là một kết quả đáng báo động. So với các tháng 9 của những năm trước thì mức tăng đó chưa bao giờ xuất hiện.

Mới đây, Tổng cục Thống kê (GSO) đã công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2012 đã tăng 2,2% so với tháng 8 và 6.48% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này chứng tỏ nền kinh tế Việt Nam không rơi vào suy giảm sau hai tháng CPI liên tiếp âm (tháng 6 và tháng 7). Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại, với chỉ số CPI tăng bất thường như vậy, tình trạng lạm phát kéo dài sẽ xảy ra.

Xã hội - “Bóng ma” lạm phát sẽ 'ám' nền kinh tế đến năm 2013?

Việc các mặt hàng đua nhau tăng giá khiến người dân khốn đốn. Ảnh minh họa

Các mặt hàng đồng loạt tăng giá

Nhiều tháng qua, CPI của cả nước tăng rất thấp. Thậm chí có tháng rơi về con số âm khiến nền kinh tế ảm đạm. Chỉ số giá tiêu dùng tăng là dấu hiệu đáng mừng cho một nền kinh tế đã thoát khỏi tình trạng giảm phát. Tuy nhiên, sau khi tăng nhẹ vào tháng 8, đến tháng 9, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng vọt lên con số 2,2% (công bố của Tổng cục Thống kê). Điều này là hệ quả tất yếu của một quá trình điều chỉnh giá theo lộ trình từ thời gian trước.

Sau nhiều tháng giá cả "im lặng", mới đây các mặt hàng trên thị trường đồng loạt tăng giá. Dư luận xã hội vẫn chưa hết choáng váng sau sự việc xăng tăng giá hai lần trong thời gian chưa đầy nửa tháng (20/7 và 1/8). Việc này khiến cho tất cả các nhóm dịch vụ khác "té nước theo xăng". Cụ thể là việc tăng giá của các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hay nhóm dịch vụ y tế, giáo dục…Nhiều bà nội trợ cho rằng, thời điểm này, việc cầm tiền đi chợ chẳng khác gì…mất cắp. Nguyên nhân là do giá cả tăng cao, lương lậu hiện nay chỉ đủ phục vụ nhu cầu cuộc sống như thời gian trước đây.

Việc tăng giá xăng dầu cùng với thời điểm bước vào năm học mới và nhiều điều chỉnh như tăng giá điện, giá nước, giá các mặt hàng hóa tiêu dùng là một gánh nặng đè lên con số CPI. Đây không phải lần đầu tiên chúng ta điều hành tăng giá một cách "hội đồng" như vậy. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp làm ăn không có lãi, nhiều công ty có nguy cơ phải giải thể vì không đủ nguồn lợi nhuận để chi trả tiền công cho nhân viên... Thực trạng này khiến đời sống nhiều người dân rơi vào cảnh khốn đốn. Trong khi đó, nguồn lương thực, thực phẩm và những mặt hàng phục vụ cho nhu cầu thiết yếu hàng ngày đều tăng giá, thậm chí là tăng mạnh. Đó không chỉ là ác mộng đối với người dân, những người đang nằm trong diện thu nhập thấp mà nó còn là nỗi lo của rất nhiều nhà hoạch định kinh tế.

Chị Nguyễn Thu Hồng, một người dân sống tại Khu đô thị Định Công (Hoàng Mai, Hà Nội) phàn nàn: Nhà nước luôn nói giảm phát và có sự điều chỉnh giá cả cho phù hợp với mức sống của đại đa số người dân. Tuy nhiên trên thực tế, năm nay, tôi thấy người dân đang chịu hậu quả của nền kinh tế khủng hoảng. Trừ những gia đình có kinh tế khá giả thì cuộc sống còn dễ thở chứ đối với tầng lớp bình dân thì thực sự rất khó khăn. Chị Hồng cho biết, từ đầu năm tới giờ đi chợ, tháng nào chị cũng thấy giá cả tăng. "Nhất là từ khi hai đứa con tôi vào năm học mới. Ở trường đã bao nhiêu khoản phí phải nộp giờ tất cả các mặt hàng lại thi nhau tăng giá. Cứ thế này, công việc của vợ chồng tôi không biết có gánh được hay không", chị Hồng than thở.

Cùng tâm trạng với chị Hồng, chị Đoàn Thị Xuân, cán bộ văn phòng Công ty Cổ phần Xây dựng Kiến Thiết (Đường Trung Kính, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cũng tỏ ra lo lắng: "Tôi không biết chỉ số CPI ở mức 2% sẽ kéo theo lạm phát đến mức nào. Tuy nhiên, cá nhân tôi thấy rằng, giá cả thị trường tăng cao khiến chúng tôi rất khó khăn trong cuộc sống. Đồng lương thì tăng nhỏ giọt, trong khi các mặt hàng đều tăng giá một cách chóng mặt. Nếu Nhà nước không có biện pháp mạnh tay để đẩy lùi lạm phát thì những người dân như chúng tôi sẽ phải chịu thiệt thòi hơn cả".

Nhiều người quan ngại rằng, chỉ số giá tiêu dùng tăng đồng nghĩa với nguy cơ lạm phát quay trở lại. Cái "bóng ma" lạm phát ấy không chỉ hiện hữu trong thời gian này mà còn kéo dài đến năm 2013 nếu không có biện pháp hạn chế phù hợp. Mức tăng 2,2% của tháng 9 được coi là quá cao, bằng cả 7 tháng đầu năm cộng lại. Trước đây, chỉ số giá tiêu dùng của một tháng chưa từng tăng cao như thế. Nhất là trong bối cảnh hiện tại, khi nền kinh tế còn đang gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, con số được công bố chưa thực sự chính xác. Tuy nhiên, mức tăng CPI đột biến là có thật và người ta không tránh khỏi những quan ngại về sự lạm phát kéo dài trong thời gian tới.

Nguy cơ lạm phát sẽ kéo dài

Chiều ngày 26/9, trao đổi với PV báo Người đưa tin, TS. Vũ Đình Ánh, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Thị trường giá cả cho rằng, mức tăng CPI tháng 9 theo công bố của Tổng cục Thống kê là một kết quả đáng báo động. So với các tháng 9 của những năm trước thì mức tăng đó chưa bao giờ xuất hiện. Bởi bình thường còn số đó chỉ dưới 1%. Lý giải hiện tượng này, TS. Ánh cho rằng, nguyên nhân chính vẫn là do thời điểm điều chỉnh giá không phù hợp. Khi tất cả các mặt hàng đồng loạt tăng giá sẽ tạo ra một hệ số cộng hưởng. Hệ số này làm khuyếch đại lạm phát lên cao bất ngờ, vượt xa so với dự tính là khoảng 1% so với tháng 8. "Việc CPI cao gấp đôi so với dự tính là hiện tượng vô cùng đáng lo ngại", TS. Ánh nhấn mạnh.

Ông Vũ Đình Ánh cũng quan ngại về một kịch bản lạm phát được lặp lại của năm 2010. Đó là việc CPI của cả năm đó đã bất ngờ tăng vọt lên 11,75% (cao gần gấp 2 lần so với mức tăng 6,25% của năm 2009) ngay sau khi kích hoạt vào tháng 9. Nguy cơ này đang dần trở thành thực tế hiện nay khi mà chính sách tài khóa và tiền tệ có dấu hiệu nới lỏng thông qua việc tăng chi ngân sách, ứng trước ngân sách năm sau và tháo chốt lãi suất để tăng trưởng tín dụng. Theo TS. Ánh, nếu như căn cứ theo thời điểm hiện tại, giá xăng dầu vẫn rình rập tăng cao hơn nữa, giá điện, học phí, viện phí cũng tác động sâu sắc đến thị trường và cũng không có xu hướng điều chỉnh giảm thì việc lạm phát sang tới năm 2013 mà nền kinh tế đất nước phải chịu chung đó là điều chắc chắn xảy ra.

Cùng quan điểm này TS. Nguyễn Đức Thành, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng: Lạm phát có nguy cơ bùng phát trở lại và có nhiều rủi ro đáng lo ngại. Chúng ta đã có nhiều chính sách nhằm kiềm chế lạm phát trong một thời gian dài, tuy nhiên, mới đây lại điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng thiết yếu. Điều đó khiến tất cả các mặt hàng "tận dụng" triệt để cơ hội tăng giá. Đây là việc làm dẫn đến chỉ số tiêu dùng đột nhiên tăng vọt. Trên thế giới hiện nay, giá lương thực thực phẩm không ngừng leo thang, cùng với mức tăng tương đối của giá xăng dầu trên thị trường thì mối lo ngại lạm phát sẽ kéo dài đến cả năm 2013 là điều không phải không có căn cứ.

Cần chú ý đến vấn đề dự báo

Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Thị trường, Vũ Đình Ánh cũng tỏ ra lo lắng: "Chúng ta nên chú ý hơn đến vấn đề dự báo. Cách đây vài tháng, khi chỉ số CPI xuống thấp thậm chí có lúc bị âm, nhiều chuyên gia đã vội vàng khẳng định lạm phát cả năm sẽ không vượt lên hai con số. Các nhà hoạch định chính sách sẽ căn cứ vào dự đoán này mà thiết kế chính sách mới, điều chỉnh tăng giá cho phù hợp, khắc phục tình trạng giảm phát. Tuy nhiên khi tăng giá, người ta đã vội quên tính cộng hưởng của việc tăng giá đồng loạt nên lạm phát là điều khó tránh khỏi".

Phong Thu - Dương Dung


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.