Bóng mát

Bóng mát

Thứ 6, 14/06/2013 14:20

Gần đây, khi con đường trước cửa nhà tôi được nâng cấp làm mới, hàng cây xưa phải chặt đi. Khi ấy mới vỡ lẽ: Nhiều người tranh giành nhau quyền sở hữu rao bán những cây bàng, cây hoa sữa hàng ngày hít hà khói bụi, vá víu chi chít các biển hiệu mà vẫn vị tha xòa bóng mát cho bao người tứ xứ.

Hóa ra, bóng mát tưởng của giời cho ấy cũng là một sự tranh chấp sở hữu không có hồi kết.

Trong kiến trúc hiện đại, nhà cửa chỉ là một thành tố trong tổng thể không gian sống. Còn với những ai chỉ nghĩ đến lợi ích tiêu dùng trong kiến trúc, ngoài nhà cửa ra, tất cả chỉ là thứ trang sức cho có, choán cho hết đất. Hai chữ "bóng mát" hình như từ lâu đã trở thành xa xỉ trong cuộc sống hôm nay.

Từng gốc cây là một chủ sở hữu cho quán nước đường phố, mỗi khuôn viên mát rượi là cả một mái vòm kinh doanh bằng sức hút đưa con người lại với thiên nhiên. Hình như đang có một xu hướng mất quyền sở hữu bóng mát của những đôi chân bình thường nhất muốn ghé lại để xua đi cái nóng nực, sự căng thẳng như một đòi hỏi không thể thiếu của con người.

Xã hội - Bóng mát

Nguồn ảnh: Internet

Rất nhiều lần gặp một cơn mưa, muốn dừng xe lại dưới tán cây để mặc áo nhưng cũng phải chừa mặt tiền một cửa hàng đang hướng ra mặt đường ngóng khách. Sự xuất hiện không đúng lúc ấy khiến cho họ có cảm giác bị lừa dối (vì dừng xe xuống đây thường để mua hàng của họ). Và, thế là có một sự tự thích nghi: Không cần đỗ lại đó cho yên chuyện.

Cũng từ cái tâm lí nhún nhường cho yên ấm ấy mà chúng ta bỗng mất dần sự đòi hỏi vào những lợi ích giản đơn, không bị chi phối bởi giá thành, vốn liếng. Có điều, quy luật ấy chỉ đúng trên lí thuyết, còn trong thực tế sở hữu bóng mát kia lại lệ thuộc vào một thứ văn hóa ứng xử.

Người Việt dường như ít có khái niệm sở hữu chung những thứ có thể biến thành của riêng mình được. Việc những đồ dùng, phương tiện công cộng bị hư hỏng bắt nguồn từ sự vô ý thức nhưng cái gốc sâu xa là sự "trả đũa" cho cái gọi là không thể sở hữu riêng.

Chỉ khi không phải của họ mới dám mạo hiểm quăng quật, "hành hạ"chúng để thỏa sự ức chế đó. Còn lại, với những gì có thể, sở hữu đồng nghĩa với sức mạnh. Bởi thế mà trong thời kinh tế đang suy thoái, người ta vẫn có thể thị uy nhau bằng cái quyền của mình.

Người giúp việc (osin) đang sở hữu hoạt động nội trợ của các gia đình mạnh về kinh tế nhưng hạn chế thời gian; người bán hàng rong sở hữu thế mạnh về sự tiện lợi của người mua; lái, phụ xe sở hữu ưu thế "qua sông phải lụy đò" của hành khách... Xem ra, chỉ có câu chuyện công chức Nhà nước là bất lợi nhất trong cuộc đua sở hữu này. Có lẽ với họ, cả những thứ tưởng như miễn phí, của trời cho kia cũng trở thành gánh nặng.

 Khi chúng ta chưa thực sự nghĩ cho cộng đồng - cũng là nghĩ cho bản thân - về những lợi ích dù chỉ rất giản đơn nhưng đầy ý nghĩa, cũng có nghĩa là ta chưa thoát khỏi cái "bóng mát" của cái tôi ích kỉ trong cuộc sống này.

Bảo Vy

> Thi ảnh Việt Nam Xanh, rinh ngay 100 triệu đồng

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.