Thông tin trên được Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đưa ra tại hội thảo: “Xác định giá trị doanh nghiệp trước khi cổ phần hóa và vai trò của Kiểm toán Nhà nước” được tổ chức tại Hà Nội ngày 21/8.
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Anh Tuấn, Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành 6 cho hay, qua kiểm toán 8 DNNN trong năm 2016, cơ quan chức năng đã kiến nghị điều chỉnh tăng thêm vốn Nhà nước hơn 8.454 tỷ đồng. Trong đó, đứng đầu là công ty TNHH Lọc hóa dầu Bình Sơn. Giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp theo báo cáo là hơn 40.342 tỷ đồng tuy nhiên, sau kiểm toán, con số này lên tới hơn 44.900 tỷ đồng, thức chênh lệch hơn 4.586 tỷ đồng.
Tương tự, công ty mẹ - tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam cũng có con số báo cáo giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là hơn 31.500 tỷ đồng. Tuy vậy, con số trên sau kiểm toán lại lên tới hơn 33.500 tỷ đồng (chênh lệch trên 2.000 tỷ đồng). Các doanh nghiệp còn lại cũng có mức chênh lệch lên tới hàng trăm tỷ đồng.
“Có nhiều lý do dẫn đến sự chênh lệch này, trong đó cũng có những lý do khách quan như “vênh” về thời điểm DNNN được định giá và lúc DNNN cổ phần hóa hay việc thẩm định viên không có đầy đủ thông tin thời điểm định giá như kiểm toán viên Nhà nước. Một số đơn vị không xử lý các khoản tài chính như: Doanh thu, thu nhập khác, nợ phải thu, nợ phải trả, nợ không phải trả…
Ngoài ra, tình trạng kê khai thiếu giá trị lợi thế kinh doanh cũng rất phổ biến. Một nguyên nhân nữa là có tình trạng công ty thẩm định giá chạy theo lợi ích, bóp méo giá trị thẩm định giá”, ông Tuấn lý giải.
Được biết, thời gian tới, số lượng doanh nghiệp được KTNN kiểm toán kết quả định giá doanh nghiệp sẽ còn tăng lên (khoảng 80 doanh nghiệp) khi Nghị định 59 sửa đổi quy định đối tượng kiểm toán là doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu 1.800 tỷ đồng thay vì mức 5.000 tỷ đồng.
TS. Hồ Đức Phớc, Tổng KTNN thông tin: “Kết quả kiểm toán năm 2016 định giá doanh nghiệp và xử lý các vấn đề về tài chính trước khi cổ phần hóa của 7 doanh nghiệp, KTNN đã xác định vốn Nhà nước tăng thêm 20.818 tỷ đồng.
KTNN cũng đã chỉ ra những hạn chế trong việc xác định giá trị doanh nghiệp và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa, nhất là việc lựa chọn phương pháp định giá, xác định giá trị thương hiệu, lợi thế kinh doanh, giá trị các khoản đầu tư tài chính, giá trị quyền sử dụng đất…".
"Tuy nhiên để nâng cao chất lượng và hiệu quả tổ chức kiểm toán, cần làm rõ cách thức tổ chức thực hiện, báo cáo kết quả kiểm toán cũng như sử dụng kết quả kiểm toán khi xác định giá trị doanh nghiệp trong quá trình cổ phần hóa. Do đó, một trong những trọng tâm của Hội thảo là học hỏi kinh nghiệm quốc tế từ những cơ quan KTNN có uy tín trong kiểm toán, xác định giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa”, Tổng KTNN cho biết.
Ông Brian McEnery, Chủ tịch ACCA Toàn cầu nêu ý kiến: “Kinh nghiệm quốc tế cho thấy cổ phần hóa không nên được coi là giải pháp chữa trị thần kỳ cho DNNN hoạt động không hiệu quả. Đa dạng hóa sở hữu (về lý thuyết) giúp cải thiện việc ra quyết định của công ty, áp dụng các thực tiễn kinh doanh phù hợp hơn và đảm bảo nguồn vốn đa dạng hơn, tuy nhiên cơ hội chỉ có thể hiện thực hóa nếu có được chiến lược, giải pháp cải cách quản trị doanh nghiệp hiệu quả hỗ trợ”.
Hương Lan