Phần phía Nam Idlib vẫn là điểm bất ổn chính ở Syria. Tình hình quân sự vốn tạm ổn định sau những giao tranh mới nhất giữa quân đội Syria và Thổ Nhĩ Kỳ lại một lần nữa trở nên xấu đi. Lần này, có vẻ như ngay cả giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cũng phải thừa nhận rằng họ không thể giữ được sự yên bình lâu hơn nữa.
Cách nào giữ bình ổn?
Vào ngày 5/3, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã ký một thỏa thuận giảm leo thang chấm dứt cuộc đối đầu quân sự ở Idlib giữa quân đội Syria và quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời chính thức tạo ra một khu vực phi quân sự dọc theo đường cao tốc M4 giữa các thị trấn Saraqib và Jisr al -Shughur.
Theo thỏa thuận, vũ khí hạng nặng và các nhóm chiến binh cực đoan phải rút khỏi khu vực phi quân sự, còn Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiến hành các cuộc tuần tra chung dọc theo M4 và đường cao tốc này sẽ được mở lại cho giao thông dân sự.
Phần phía Nam của đường cao tốc M4 chính thức là khu vực thuộc trách nhiệm của Nga, trong khi phần phía Bắc là của Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, tính đến đầu tháng 9, phần lớn các các thỏa thuận vẫn chưa được thực hiện. Các nhóm cực đoan vẫn được triển khai trong khu vực phi quân sự. Không có vũ khí hạng nặng nào được rút và đường cao tốc M4 vẫn chưa được mở lại.
Các cuộc giao tranh thường xuyên nổ ra giữa một bên là quân đội Syria và các chiến binh được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn. Rõ ràng, điều này không giống như một kết quả thành công cho thương vụ ngày 5/3.
Cốt lõi của các vấn đề là những mâu thuẫn hiện hữu giữa Thổ Nhĩ Kỳ và liên minh Iran-Syria-Nga. Ankara không quan tâm đến việc vô hiệu hóa các phần tử cực đoan Idlib vì thực chất các nhóm này chính là nòng cốt trong ảnh hưởng của Ankara ở Syria.
Nếu không có những nhóm này, ngay cả đội quân hiện tại của Thổ Nhĩ Kỳ đang được triển khai ở Idlib cũng không đủ khả năng giữ các vùng lãnh thổ mà họ đã chiếm quyền kiểm soát.
Với tình thế nói trên, một cuộc đối đầu hoàn toàn có thể xảy ra nếu Nga-Thổ không nhất trí về một số bước dài hạn và trung hạn cho phép đạt được tiến bộ trong quá trình phi quân sự hóa và giảm leo thang.
Theo tờ Southfront, để làm được điều này, trước tiên hai bên cần phân công hai sĩ quan, một người Thổ Nhĩ Kỳ và một người Nga, trực tiếp đến khu vực chịu trách nhiệm thực hiện thỏa thuận ngày 5/3 trên thực địa. Điều này sẽ loại bỏ các rào cản tiềm ẩn và những hành vi chống phá từ bên ngoài đến sự giao tiếp của hai nước.
Bên cạnh đó, thành lập một nhóm quân sự, ngoại giao và thông tin chung để phát triển quan điểm chung của Nga-Thổ Nhĩ Kỳ về tình hình ở khu vực M4, đưa ra bình luận chính thức về các diễn biến, bao gồm cả các cuộc tấn công, các sự cố và phát triển các cách thực hiện thỏa thuận.
Giữa muôn trùng vây
Trong viễn cảnh 3 tháng, những bước đi nói trên có thể mang lại cơ hội tránh một đợt leo thang mới, ít nhất là tạo nên một phần ổn định tình hình trên đường cao tốc M4 và cải thiện sự phối hợp Nga-Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực.
Nếu tình hình phát triển theo chiều hướng tích cực và đi xa hơn, mục tiêu trung hạn sẽ là bắt đầu các hoạt động phối hợp trọng điểm chống lại các nhóm vũ trang cứng đầu không chịu rút lui, bao gồm cả những nhóm tham gia vào hoạt động khủng bố hoặc tội phạm có tổ chức, ở cả hai phía của đường cao tốc.
Việc vô hiệu hóa các nhóm này sẽ mở ra con đường cho một giải pháp ngoại giao tiềm năng. Tuy nhiên, bước đi như vậy sẽ phụ thuộc vào tình hình khu vực và toàn cầu, và trong mọi trường hợp, sẽ liên quan đến việc thành lập một nhóm chính trị đại diện cho lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ ở Idlib.
Đồng thời, việc Thổ Nhĩ Kỳ và Nga không thể thực hiện thỏa thuận ngày 5/3 về lâu dài chắc chắn sẽ dẫn đến một vòng đối đầu quân sự mới ở Idlib.
Kịch bản này có khả năng sẽ bao gồm các nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm đẩy lùi quân đội Syria và chiếm đóng hoàn toàn tây bắc Syria với lý do Chính phủ Assad không đủ khả năng đảm bảo sự ổn định và an ninh trong khu vực.
Tuy nhiên, hành động kiểu này của Thổ Nhĩ Kỳ có thể dễ dàng phản tác dụng. Một cuộc đối đầu quân sự công khai mới với Syria có thể phải trả giá đắt hơn và dẫn đến kết quả thậm chí còn thảm khốc hơn.
Với những va chạm về quân sự với Nga-Iran ngày càng gia tăng và cuộc xung đột đang phát triển với Ai Cập và Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có nguy cơ nhìn thấy mình bị kẹp giữa hai mặt trận.