Khi nói đến an ninh ở châu Á, Tổng thống Mỹ Donald Trump nên cẩn trọng với những áp đặt mà ông đưa ra nếu không muốn phải nhận về những hậu quả không mong muốn, chuyên gia phân tích Ian Storey từ viện ISEAS-Yusof Ishak, Singapore, nhận định.
Chính quyền của ông Trump đã xác định Nga và Trung Quốc là hai mối đe dọa lớn nhất đối với trật tự thế giới do Mỹ dẫn đầu.
Tuy nhiên, những nỗ lực của Washington trong việc kiềm chế doanh số vũ khí toàn cầu của Moscow có thể gây ra những cản trở không mong muốn đến một số nước Đông Nam Á – những quốc gia đang muốn tăng cường sức mạnh để kháng cự lại áp lực của Bắc Kinh.
Trong trường hợp xấu, tầm ảnh hưởng của Trung Quốc đối với các nước ASEAN này có thể sẽ càng gia tăng.
Thế khó của Mỹ
Vào ngày 20/9, Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với một cơ quan chịu trách nhiệm mua vũ khí nước ngoài thuộc Chính phủ Trung Quốc với những hợp đồng mua hệ thống tên lửa không đối không S-400 và 24 máy bay chiến đấu SU-35 từ phía Nga.
Các biện pháp trừng phạt là kết quả của Đạo luật chống đối thủ thông qua trừng phạt (CAATSA) của Mỹ, mà ông Trump miễn cưỡng ký thành luật vào tháng 8.
Đạo luật này nhằm mục đích "chống lại sự xâm lấn" của Nga (cũng như Iran và Triều Tiên) bằng cách áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các nước có giao dịch với ngành công nghiệp quân sự và quốc phòng của Moscow.
Đương nhiên, Nga và Trung Quốc phản ứng giận dữ. Moscow cáo buộc Mỹ phá hoại sự ổn định toàn cầu, trong khi Bắc Kinh cho biết các biện pháp trừng phạt là bước đi can thiệp vào các vấn đề nội bộ của hai quốc gia có chủ quyền. Để trả đũa, Trung Quốc đã từ chối cho phép một tàu chiến Mỹ đến Hồng Kông.
Bất chấp những bước đi cứng rắn của Mỹ, giới quan sát tin rằng, các biện pháp trừng phạt sẽ có ít tác động đến mối quan hệ Trung-Nga đang phát triển.
Mặc dù chế tài này sẽ ngăn cản Trung Quốc lấy giấy phép xuất khẩu hoặc truy cập vào hệ thống tài chính của Mỹ, nhưng trên thực tế Trung Quốc đã không thể nhập khẩu vũ khí từ Mỹ từ năm 1989 và giao dịch vũ khí giữa Moscow và Bắc Kinh không liên quan đến các ngân hàng Mỹ.
Quan trọng hơn, nỗ lực của Washington trong việc trừng phạt Moscow có thể vô tình hỗ trợ tham vọng khu vực của Bắc Kinh vì một số nước Đông Nam Á (cũng như Ấn Độ) đang dựa vào vũ khí Nga để ứng phó trước Trung Quốc, trong đó bao gồm cả vấn đề Biển Đông.
Mỹ là nhà cung cấp thiết bị quân sự lớn nhất thế giới. Theo Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm doanh số bán vũ khí toàn cầu của Mỹ đã lên tới 76,33 tỷ USD từ năm 2010 đến năm 2017. Nga đứng ở vị trí thứ hai với 54,66 tỷ USD.
Tuy nhiên, ở Đông Nam Á, Nga đang là số một. Từ năm 2010 đến 2017, các công ty quốc phòng của Nga đã bán được 6,64 tỷ USD vũ khí trong khu vực (chiếm 12% doanh số toàn cầu) so với 4,58 tỷ USD của Mỹ (chiếm 6% doanh số toàn cầu).
Theo Asian Nikkei Review, Việt Nam là khách hàng lớn nhất của Nga ở Đông Nam Á. Từ năm 2000 đến năm 2017, 78% xuất khẩu vũ khí của Nga sang khu vực này đã là đến Việt Nam. Myanmar chiếm 11% và Indonesia 10%. Thái Lan, Lào và Malaysia chiếm 1% còn lại.
Khi các nước Đông Nam Á đang muốn mở rộng ngân sách quốc phòng trong bối cảnh địa chính trị đang có những biến động, cả Mỹ và Nga đều muốn tăng doanh số quốc phòng trong khu vực.
Singapore là một đối tác chiến lược chặt chẽ của Mỹ, vì vậy Nga sẽ khó chen chân vào quốc gia này. Nhưng Việt Nam, Indonesia, Myanmar và thậm chí các đồng minh của Mỹ khác như Thái Lan và Philippines đang tìm cách tăng cường mua bán thiết bị quân sự của Nga.
Điều này xuất phát từ việc các công ty của Nga nổi tiếng là luôn cung cấp các mặt hàng quân sự tiên tiến, đáng tin cậy với chi phí thấp hơn so với các đối tác Mỹ. Vũ khí của Nga đáp ứng được nhu cầu và giá cả mà các nước Đông Nam Á mong muốn. Bên cạnh đó, vũ khí của Nga đã được chứng minh hiệu quả ở Ukraine và Syria. Không giống như Mỹ, Nga bán vũ khí cho bất kỳ quốc gia nào có nhu cầu, thay vì phải soi xét về các vấn đề không liên quan như nhân quyền…
Indonesia là một trong những quốc gia vướng mắc đối với chính sách của Mỹ về vấn đề này trong những năm 1990 khi Washington áp đặt lệnh cấm vận đối với các cáo buộc vi phạm nhân quyền của Jakarta ở Đông Timor và phía tây New Guinea. Hiện tại, quân đội Indonesia đang gặp khó khăn khi vũ khí của mình đang thiếu thốn những phụ tùng, đạn dược do Mỹ cung cấp.
Gần đây, vào tháng 10/2016, bộ Ngoại giao Mỹ đã hủy thỏa thuận bán 26.000 súng trường tấn công cho Philippines vì chỉ trích cuộc chiến chống ma túy gây tranh cãi của Tổng thống Rodrigo Duterte khiến nhiều người thiệt mạng.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis đã phản đối CAATSA vì đạo luật xung đột với Chiến lược An ninh Quốc gia năm 2017 của chính quyền Trump. Ông nhấn mạnh rằng, để chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc và Nga ở châu Á, Mỹ cần phải tăng cường quan hệ với một số quốc gia đang là khách hàng quan trọng của Nga, bao gồm Việt Nam, Indonesia và Ấn Độ.
Người đứng đầu Lầu Năm Góc đã yêu cầu Quốc hội miễn trừ một số quốc gia mua vũ khí của Nga nhưng có quan hệ tốt với Mỹ không phải đối mặt với lệnh trừng phạt.
Quốc hội đưa ra một thỏa hiệp một phần khi cho phép Tổng thống Trump bỏ qua CAATSA trong một số trường hợp cá biệt. Tuy nhiên, ngay cả điều này cũng không thể xóa bỏ những thách thức mà Washington đang gặp phải.
Các nước Đông Nam Á đang sử dụng vũ khí Nga đã có mối quan hệ quốc phòng chặt chẽ với Moscow trong nhiều thập kỷ.
Một số quốc gia sẽ không bao giờ mua vũ khí của Mỹ. Và hầu hết 10 nước trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á đều cho thấy rằng họ muốn thể hiện lập trường trung lập giữa sự so kè giữa “3 ông lớn” Mỹ-Nga-Trung và không muốn trở nên quá phụ thuộc vào một nhà cung cấp.
Các quốc gia Đông Nam Á có thể làm gì?
Trong khi nhiều quốc gia muốn nuôi dưỡng sự tự lực bằng cách phát triển ngành công nghiệp quốc phòng bản địa, những trở ngại về tài chính và công nghệ cho đến nay vẫn khiến họ không thể từ bỏ vũ khí nước ngoài, ít nhất là trong tương lai gần.
Các nước Đông Nam Á có thể chuyển hướng sang các nhà cung cấp châu Âu, nhưng vũ khí ở đó luôn đắt đỏ và các thỏa thuận luôn có nguy cơ bị hủy bỏ bất ngờ.
Một lựa chọn thứ ba sẽ là chuyển sang Trung Quốc. Các công ty vũ khí Trung Quốc cho đến nay vẫn chưa thể gây dựng được vị thế ở Đông Nam Á. Theo SIPRI, Trung Quốc chỉ bán được 1,88 tỷ USD vũ khí cho khu vực trong giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2017, với Myanmar chiếm 66% tổng số.
Thiết bị quân sự của Trung Quốc từ trước đến nay vẫn được biết đến là có chất lượng kém và dịch vụ hậu mãi không tốt. Nhưng điều đó đang thay đổi. Bắc Kinh đang bán được nhiều tàu ngầm cho Thái Lan và tàu chiến cho Malaysia, trong khi Philippines đang cân nhắc một loạt các danh mục.
Sẽ rất mỉa mai nếu như nỗ lực của chính quyền Trump trong việc hạn chế xuất khẩu vũ khí của Nga lại làm tăng sự phụ thuộc của các nước ASEAN vào Moscow và giúp tăng doanh số bán vũ khí của Trung Quốc cho chính các quốc gia này.
Hay nói cách khác, những chế tài mà Mỹ áp dụng với Nga sẽ làm cho một trong những đối thủ của nước này là Trung Quốc sẽ càng trở nên mạnh mẽ. Trên thực tế, Moscow đang là sự cân bằng cần thiết nhất đối với Washington trong chiến lược ở châu Á ở thời điểm hiện tại.