Phần đa các cha mẹ đều chọn làm miếng bọt biển để thấm hút hết mọi thứ cho con. Tôi cũng không ngoại lệ, vẫn ôm lấy hết mọi thứ của con. Vợ tôi cũng vậy, nàng cũng nhận lãnh mọi điều, kể cả việc rửa bát trong những ngày 3 đứa bận thi cử.
Chẳng bao giờ thấy mệt và luôn luôn không than phiền. Bởi mình sinh ra chúng thì đương nhiên mình phải làm vậy thôi. Như trách nhiệm của người cha, người mẹ. Và hơn cả trách nhiệm, nó còn là vì yêu thương nữa. Chỉ có điều, nỗi lo con ỷ lại không tự lập thì cứ lởn vởn trong đầu.
Cha mẹ kiểu lá sen thì khác. Là con nghĩ đi, bố mẹ không biết. Có khi lại khiến con cái tự tìm tòi, tự khám phá và tự lập tốt hơn. Chỉ có điều, 12 năm làm anh Chánh Văn của tôi luôn ám ảnh với những cha mẹ kiểu lá sen.
Là con rót vào bao nhiêu trôi tuột đi bấy nhiêu. Nên nhiều đứa trẻ nói về cha mẹ mình bằng đôi mắt rưng rưng. Bố mẹ không bao giờ nghe con giải thích cả.
Bố mẹ quá bận để có thể giúp con nên con tự làm lấy và tự lãnh hậu quả nếu sai. Cha mẹ kiểu lá sen đôi khi khiến con thành đứa trẻ… mồ côi.
Cho đến tận giờ, tôi vẫn chưa tìm ra câu trả lời nào là thích đáng. Làm bọt biển để thấm hút hết cho con hay làm lá sen để con tự lớn? Chúng ta không bao giờ biết câu trả lời chính xác cho việc chúng ta làm cha mẹ kiểu nào.
Vì có đứa trẻ và có những độ tuổi, thứ con muốn lại là cha mẹ lá sen, để con được quyết định đời mình. Và có những đứa trẻ, vào thời điểm khó khăn nhất của chúng, lại mong cha mẹ như miếng bọt biển, để chúng được ôm lấy cha mẹ mà khóc, mà tuôn ra cả tràng tâm sự.
Vậy nên, xét cho cùng, trưởng thành cùng con là việc chúng ta thay đổi trạng thái liên tục chính mình vậy. Chẳng phải thế sao, tuổi của con cũng chính là tuổi làm cha mẹ của chúng ta vậy.
Như cái cô bé này, 12 tuổi, thì bố Tú cũng mới chỉ 12 tuổi làm bố. Dù trước đó, với anh Bách và chị My, bố đã có kinh nghiệm làm bố 17 năm rồi đi chăng nữa. Nhưng bố Tú của Nguyên thì chỉ mới 12 tuổi vậy thôi! Đành tuỳ theo con mà làm bọt biển hay lá sen vậy!
Hoàng Anh Tú