Ngày 16/3, tờ The National dẫn lời Thủ tướng Anh Theresa May khẳng định: "Scotland sẽ rời khỏi Liên minh châu Âu, dù nó có là một phần của Vương quốc Anh hay là một quốc gia độc lập”.
Tuyên bố trên được bà May đưa ra trong cuộc tranh luận với nhà lãnh đạo cấp cao của Đảng Dân tộc Scotland (SNP) Angus Robertson, trước mặt các nghị sĩ Quốc hội Anh.
Trong khi bà May khẳng định, Scotland sẽ phải rời EU thì ông Robertson lại cho rằng, Scotland sẽ ở lại châu Âu sau khi Anh rời khỏi liên minh này.
Phát ngôn viên Ủy ban châu Âu Margaritis Schinas cũng từng nói rằng, “học thuyết Barroso” vẫn phải được áp dụng với trường hợp Scotland.
“Học thuyết” trên thực chất là quan điểm của cựu chủ tịch của Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso. Ông Barroso từng khẳng định, nếu một phần của một quốc gia thành viên EU trở nên độc lập, nó buộc phải nộp đơn gia nhập trở lại liên minh.
Trước đó, Thủ hiến Scotland, bà Nicola Sturgeon tuyên bố ý định tổ chức một cuộc bỏ phiếu mới về việc rời khỏi Vương quốc Anh. Bà khẳng định, Scotland có quyền được ở lại Liên minh Châu Âu (EU) với tư cách một quốc gia độc lập.
Ông Robertson cho biết, đảng của ông "đang cố gắng thuyết phục Chính phủ Vương quốc Anh đạt thỏa thuận về bảo vệ vị thế của Scotland ở châu Âu".
Ông cũng nhắc lại về cuộc hội đàm của bà May với bà Sturgeon cuối tháng 7 năm ngoái. Khi đó, bà May đã hứa sẽ bảo đảm quyền lợi của toàn bộ các nước thuộc Vương quốc Anh bằng một hiệp định giữa Scotland, xứ Wales và Chính phủ Vương quốc Anh trước khi kích hoạt điều 50 Hiệp ước Lisbon.
Việc kích hoạt hiệp ước điều 50 Hiệp ước Lisbon đồng nghĩa với việc Anh sẽ không rời khỏi EU ngay lập tức. Theo đó, quá trình Anh rút khỏi EU kéo dài trong vòng 2 năm để triển khai các cuộc đàm phán chính thức.
Ông Robertson nhấn mạnh: "Thủ tướng đã hứa hẹn một thỏa thuận, nhưng không có một thỏa thuận nào hết. Nếu như không đạt được một thỏa thuận trước khi kích hoạt điều 50 Hiệp ước Lisbon, hoặc không có sự thương lượng với đại diện của Chính phủ Scotland, người dân Scotland sẽ có một cuộc trưng cầu dân ý”.
Thủ tướng Theresa May trả lời: "Ông ấy đang so sánh tư cách của một nước đã là thành viên 40 năm nay của chúng ta. Chúng ta đã từng là một đất nước trong hơn 300 năm. Chúng ta đã chiến đấu cùng nhau, làm việc cùng nhau, những quy định hiến pháp không được phép phá vỡ mối liên hệ sâu sắc về lịch sử và tương lai của tất cả chúng ta”.
Cho đến nay, những người ủng hộ Brexit vẫn chưa hoàn toàn thuyết phục phân nửa còn lại cử tri Anh rằng đây là một quyết định đúng đắn và cần phải thực hiện bằng mọi giá.
Xem thêm: Tiết lộ thông tin thuế từ năm 2005 có dồn ông Trump vào ‘thế bí’?
Lê Trang