Đắng lòng bữa ăn 1.000 đồng
Chúng tôi trở lại huyện Trạm Tấu - huyện xa và nghèo nhất tỉnh Yên Bái vào những ngày giáp Tết, mưa phùn lắc rắc, nhiệt độ xuống thấp, dưới 6 độ C, lạnh "cắt da, cắt thịt". Theo lời kể của trưởng công an huyện, đại tá Thẩm Hữu Tiến thì những đứa trẻ nơi đây, chịu đựng cái lạnh, chống chọi giá rét là "chuyện thường ngày ở huyện", có lạnh hơn thế cũng vẫn chừng ấy áo, quần mà thôi. Ước mơ của chúng rất giản đơn, được ăn no và có một chiếc áo ấm.
Sau cơn mưa phùn, con đường dẫn vào xã Bản Mù lầy lội một cách khủng khiếp. Chỉ chưa đầy mười lăm cây số mà chúng tôi phải mất hơn tiếng đồng hồ mới vào đến trung tâm xã. Trường mầm non Họa My, trường tiểu học Khấu Ly nằm cheo leo trên sườn núi. Chúng tôi đến đúng vào giờ tan học của học sinh tiểu học Khấu Ly và giờ ăn trưa của các em trường mầm non Họa My (trường tiểu học và mầm non cùng một điểm trường-PV). Nhìn những em bé đang tung tăng chơi dưới sân trường đầy hồn nhiên, vô tư với những manh áo mỏng và đôi chân trần mới thấy sức sống của trẻ em vùng cao mãnh liệt đến chừng nào.
>> Bài từng gây rúng động: Cháu không nhận đâu, để dành cho các em bé hơn
Thú thật, vào những ngày cuối năm, khi cái Tết đang gõ cửa từng gia đình ở vùng xuôi, thành phố lớn, lên Bản Mù nhìn những đứa trẻ chân trần đến lớp tìm con chữ giữa trời đông giá rét mà tôi xót xa. Càng xót xa hơn khi tôi tận mắt "chộp" được "thước phim" các em nhỏ trường mầm non Họa My đang tụm năm, tụm ba ngồi ở chiếc bàn gỗ ăn bát cơm trắng với muối. Em nào cũng run bắn lên vì lạnh, răng va lập cập vào nhau. Những khuôn mặt còn lấm lem, ánh mắt ngây thơ ngơ ngác nhìn khi chúng tôi lại gần trò chuyện.
Bữa ăn của các cháu trường Mầm non Họa My chỉ có cơm trắng và muối.
Nơi miền sơn cước này, nhiều em phải chân trần cuốc bộ hàng chục km mới đến được trường học. Sáng thứ 2 đầu tuần, các em phải thức giấc từ 3h, 4h sáng, đi bộ vượt mấy ngọn đồi, trèo qua mấy quả núi. Trên lưng nhỏ bé của em nào là sách vở, quần áo; nào là chút lương thực được gia đình tiếp tế. Khu nội trú của trường cứ chiều thứ 6 lại vắng hoe. Học xong, các em lại rồng rắn kéo nhau về bản. Rồi ngày thứ 7, có khi thầy trò giáp mặt nhau ngoài chợ với những mớ rau, bó củi trên lưng. Các em vượt đoạn đường tính bằng vài quả núi lên chợ huyện bán rau.
Thầy Vũ Ngọc Minh - hiệu trưởng trường tiểu học Khấu Ly chia sẻ: "Cái đói, cái nghèo đeo bám biết bao thế hệ người Mông nơi đây. Học sinh, dù mới học lớp 5 cũng bỏ học về lấy vợ, lấy chồng". Câu chuyện có vẻ như trong cổ tích lại là chuyện quá đỗi bình thường ở nơi rẻo cao này. Trường được Nhà nước đầu tư cơ sở vật chất, phòng ốc khá khang trang nhưng đời sống học sinh vẫn rất kham khổ. Nhiều em ở nội trú tại trường. Gia đình người Mông đa phần là nghèo, túng đói quanh năm nên chẳng hỗ trợ thêm cho các em nên chỉ trông vào ngân sách Nhà nước. Trung bình mỗi bữa ăn của học sinh chỉ có 1.000 đồng. "Ở thành phố, chẳng ai hình dung nổi bữa ăn 1.000 đồng - bữa ăn chẳng mua nổi mớ rau ấy lại là bữa ăn thường ngày của bao học sinh vùng cao", thầy Minh ngậm ngùi nói.
Thầy Minh nghẹn ngào tâm sự: "Trẻ ở đây ngày học hai buổi. Những lúc ngoài giờ lên học, các em lại cùng thầy cô tăng gia sản xuất. Thương lắm những hình hài nhỏ bé co ro trong những manh áo sờn màu đã lâu. Cơm ăn chẳng được no, cả tuần mới được cải thiện một bữa bằng mấy miếng thịt mỡ, một bữa cá mắm, còn lại cả tuần các em chỉ ăn cơm với rau, với muối". Bữa sáng không có, qua một đêm cầm cự với cái bụng hau háu sôi sùng sục, nhiều học sinh đói tranh nhau dậy thật sớm để vét nồi cơm cháy ăn thừa từ buổi hôm trước. Từ việc ăn đến ngủ của các em - ban quản lý nội trú của trường - cũng phải đắn đo, tằn tiện xoay xở, "giật gấu vá vai" mãi nhưng rồi bữa ăn của các em vẫn chỉ là những thứ đơn giản nhất, cơm - muối trắng, cứ lặp đi, lặp lại. Khó khăn, thiếu thốn là thế vậy mà các em vẫn khỏe mạnh, rắn chắc như núi, như cây rừng vậy.
Chuyện ăn đã thế, chuyện mặc của học sinh vùng cao cũng thật cơ cực. Trời rét căm căm, những đứa trẻ vẫn chân trần, áo mặc phong phanh nô đùa dưới sân trường. Dù cái lạnh có xuống tới 1độ C, lũ trẻ vẫn chừng ấy quần áo, vẫn phải gồng mình trong giá rét. Thầy Minh bảo, khi nào có đoàn từ thiện về trường, các em mới có thêm chiếc áo ấm để mặc. Chúng thích thú lắm, nô đùa, chạy nhảy, hò reo khắp sân trường...
Những đứa trẻ chân trần chạy nhảy dưới sân trường.
Những lớp học trong giá rét
Theo chân Trưởng công an huyện - Thẩm Hữu Tiến đến thăm điểm Chống Chùa một trong 4 điểm trường của Tà Xí Láng, tôi thấu hiểu những khó khăn, vất vả mà học sinh vùng cao phải đối mặt. Vừa đặt chân đến điểm Chống Chùa, tôi như lạc vào thế giới hoàn toàn khác. Chống Chùa chìm trong sương mù. Không khí lạnh đặc trưng của miền núi phía Bắc luồn qua những khe hở giữa những tấm tôn mỏng của phòng học lắp ghép khiến các em học sinh trong những bộ quần áo mỏng mảnh run lên bần bật. Nhiệt độ ở đây có khi xuống chỉ còn 5 độ C và những lớp học lắp ghép tạm bợ không thể ngăn giá rét. Điểm trường chính cũng không khá hơn là bao với dãy nhà gỗ lắp ghép, mái lợp tôn. Các thầy cô giáo gọi đây là những lớp học đa năng vì phòng không chỉ dành cho việc học vào buổi sáng và chiều, mà còn là nơi ăn, ngủ của học sinh vào buổi tối.
Điểm trường chính có vài khu vườn nhỏ chỉ trồng duy nhất một loại cải vì chỉ có rau cải mới sống được trong điều kiện mùa đông sương giá, mùa khô lại thiếu nước trầm trọng. Vào mùa khô, giáo viên thường phải đi bộ 3,4 km "cõng" nước về phục vụ sinh hoạt. Sau giờ học, các em học sinh vào rừng kiếm củi, ra suối bắt cá về cải thiện bữa ăn. Cả thầy và trò đều phải mang lương khô, gạo mắm đến trường phòng khi những ngày mưa gió không thể đi lại do núi sạt lở, đường trơn trượt.
Thiếu phòng ở, hơn hai chục học sinh nội trú ở trường tiểu học và THCS Tà Xí Láng đã nhiều năm nay phải ăn ngủ luôn tại phòng học được quây bằng tôn. Ngoài 3 phòng trọ đã quá tải, nhà trường còn phải tận dụng 2 phòng học làm nơi ăn, chốn nghỉ của những học sinh còn lại. 100% học sinh Tà Xí Láng đều là người Mông. Học sinh nữ và những nam học sinh bé hơn được ưu tiên ở phòng trọ của nhà trường. Cả phòng trọ này có một bóng đèn, điện lấy từ máy phát mini chạy bằng sức nước dưới suối. Các em lớp 1, 2 phải chen chúc trên chiếc giường có chiều rộng 1,2m. Những chiếc bàn học cũng là bàn ăn của các em. Tối đến, những chiếc bàn học được kê thành giường ngủ. Số bàn học không đủ nên hầu hết các em ngủ ngay trên sàn nhà.
>> Đọc thêm: Những kỳ án buôn người ở vùng cao
Tà Xí Láng nằm ở vùng núi cao nên mùa đông rất lạnh, nhiều lúc nhiệt độ xuống đến 1độ C. Không cần ai phải gọi, 5 giờ sáng tất cả học sinh đều thức dậy sửa soạn để kịp giờ học. Chăn chiếu, đồ dùng cá nhân được xếp vào góc cuối phòng học. Những chiếc bao tải thay cho những chiếc tủ đựng quần áo...
Chuyện kể về những lớp học trong giá rét của thầy Đào Ngọc Sơn - Hiệu trưởng trường tiểu học và THCS Làng Nhì (xã Làng Nhì) khiến chúng tôi chạnh lòng. Thầy Sơn kể lại: "Khi mới lên Làng Nhì, nhà trường có 5 lớp nhưng chỉ có 2 phòng học tạm bợ nên buộc phải học 2 ca và 1 lớp học ghép. Đường sá đi lại thì vất vả hết chỗ nói. Đường lên trường tiểu học và THCS Làng Nhì một bên là vách núi dựng đứng, bên kia là vực sâu hun hút". Thầy Sơn bảo rằng, thầy đã gắn bó nơi đây hơn 12 năm rồi. Phải có sự gắn bó đặc biệt với Làng Nhì, thầy Sơn mới trụ lại được. Ngoài dạy học, việc thầy phải làm thường xuyên là vận động học sinh ra lớp... Dù phải lặn lội nơi đèo cao, suối sâu để vận động học sinh đến lớp cũng không làm thầy Sơn nản lòng, thầy chỉ phiền một nỗi trường lớp tạm bợ, thiếu phòng học, thiếu bàn ghế. Năm học 2011-2012, thầy Sơn đã phối hợp với chính quyền địa phương làm thêm 3 phòng học tạm, dựng lều, che bạt, đồng thời nhường căn nhà nhỏ 2 gian với 14m2 của mình cho nhà trường để làm phòng học. Tuy nhiên, chừng đó vẫn chưa đủ, học sinh ngồi trong lớp học mà run rẩy trong giá rét, thấp thỏm vì mưa bão...
Chuyện học sinh vượt đèo, lội suối đến trường với những lớp học tạm bợ, chống chọi với giá rét khiến bất kỳ ai lần đầu lên Trạm Tấu cũng bị ám ảnh. Bởi nơi đó, học sinh đã được tôi luyện ý chí vươn lên để ươm mầm tương lai.
Ngân Giang