Bữa cơm sum họp gia đình dịp Tết ở Đông Nam Á trong cơn “bão giá”

Bữa cơm sum họp gia đình dịp Tết ở Đông Nam Á trong cơn “bão giá”

Nguyễn Thị Minh Đức

Nguyễn Thị Minh Đức

Thứ 4, 02/02/2022 08:29

Những vấn đề về hậu cần và nguồn cung do đại dịch gây ra, cộng với thời tiết bất lợi, khiến người dân Đông Nam Á trải qua thêm một dịp Tết Nguyên đán vất vả.

Tết Nguyên đán thường gắn liền với sự no đủ, dồi dào. Trong dịp này, người người, nhà nhà đều cố gắng để có những bữa cơm sum họp gia đình thật ấm cúng, sung túc.

Nhưng 3 năm sau đại dịch, giá lương thực đã tăng trên toàn cầu do sự kết hợp của nhiều yếu tố, đặc biệt là những đứt gãy trong chuỗi cung ứng do đại dịch gây ra, thời tiết xấu khiến mùa màng tàn lụi và giá năng lượng tăng cao ảnh hưởng đến giá phân bón.

Chỉ số giá lương thực của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) đã đạt mức cao nhất trong 10 năm vào năm 2021, và Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) ước tính rằng, 272 triệu người trên toàn thế giới có nguy cơ đối mặt với mất an ninh lương thực nghiêm trọng.

Giá cả thực phẩm tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán, thêm vào đó là diễn biến dịch bệnh phức tạp, khiến nhiều gia đình người gốc Hoa ở một số quốc gia Đông Nam Á phải tìm cách cân bằng ngân sách để duy trì những bữa cơm ấm cúng bên những người thân yêu nhân dịp Tết đến xuân về.

Giá tăng nhưng lương không đổi

Trước đây, gia đình Andrew Wong gồm 7 thành viên ở Malaysia thường chi khoảng 700 Ringgit (tương đương 3,8 triệu Đồng) cho bữa tối đoàn tụ dịp Tết Nguyên đán.

Nhưng năm nay, họ sẽ phải chi thêm khoảng 1/3 số tiền trên cho bữa cơm sum họp này.

Các bữa cơm sum họp gia đình nhân dịp năm mới Nhâm Dần này sẽ “thanh đạm” hơn trước đây, Wong nói, đồng thời cho biết thêm rằng, ngay cả món rau - món ăn rẻ nhất trong mâm cơm - cũng trở nên đắt đỏ hơn.

“Năm ngoái, một cây bắp cải có giá 4,5 Ringgit (hơn 24.000 Đồng), nhưng bây giờ giá đã tăng gấp đôi”, Wong, một chuyên gia y tế 34 tuổi, cho biết.

Thế giới - Bữa cơm sum họp gia đình dịp Tết ở Đông Nam Á trong cơn “bão giá”

Tết Nguyên đán ở Malaysia. Ảnh: Wonderful Malaysia

Trên khắp đất nước Malaysia, hàng triệu người đều cảm thấy cuộc sống thêm phần khó khăn khi giá thực phẩm tiếp tục tăng cao kể từ khi đại dịch bắt đầu vào năm 2020. Mọi người hiện đang phải trả mức giá kỷ lục cho các mặt hàng thực phẩm.

Theo bảng giá chính thức của Cơ quan Tiếp thị Nông nghiệp Liên bang (FAMA), giá gà nguyên con có thể lên tới 9 Ringgit/kg (gần 50.000 Đồng), và giá hành tím là 16 Ringgit/kg (gần 87.000 Đồng). Năm 2019, giá thịt gà và hành tím đều ở mức khoảng 7,50 Ringgit/kg (40.000 Đồng).

Để cắt giảm chi phí, gia đình Wong đang tận dụng đồ trang trí từ những năm trước và không mua quần áo mới. Họ cũng không mua thêm bất kỳ đồ đạc gì mới cho ngôi nhà trong năm nay.

Chong Chi Howe, 27 tuổi, một bác sĩ nắn chỉnh xương khớp y học cổ truyền Trung Quốc, cho biết gia đình anh quyết định hoãn các hoạt động mua sắm để tiết kiệm tiền và cũng để tránh tiếp xúc nhiều với đám đông trong bối cảnh biến thể Omicron đang tiếp tục lây lan.

“Chúng tôi cũng sẽ nấu ăn ở nhà trong năm nay, bởi vì đi ăn ở ngoài chỉ khiến chúng tôi dễ bị tiếp xúc với Covid-19”, vị bác sĩ Đông y này nói và cho biết thêm rằng, năm nay gia đình không mời khách nên lượng thức ăn cần chuẩn bị cho các bữa cơm dịp năm mới sẽ giảm đi một nửa.

Wong cho biết, một số người có thể nghĩ rằng các biện pháp của anh là quyết liệt, nhưng Tết Nguyên đán đối với anh “chỉ là một ngày như bao ngày bình thường khác”.

Trong khi đó, “giá cả hàng hóa đang tăng nhưng lương của chúng tôi vẫn giữ nguyên”, anh chỉ ra.

Tại Malaysia, chuỗi cung và cầu trong nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi các trận lũ lụt nghiêm trọng do gió mùa hồi giữa tháng 12/2021.

Nông dân ở các khu vực sản xuất rau như Cao nguyên Cameron ở bang Pahang bị ảnh hưởng bởi lở đất gây thiệt hại cho mùa màng.

Với giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, các nhà hàng có thể phải giảm lượng thực phẩm cho mỗi suất ăn để có thể trụ vững, Ringo Saw, Phó Chủ tịch Hiệp hội các Nhà hàng và Đầu bếp Pan Malaysia Koo Soo, cho biết.

Hồi tháng 12/2021, các nhà nghiên cứu đã dự đoán lạm phát của Malaysia sẽ ở mức trung bình trong năm nay, chấm dứt tình trạng lạm phát tăng lên mức cao nhất trong 5 tháng hồi tháng 11/2021 với 3,3%.

Lạm phát toàn phần của quốc gia Đông Nam Á này dự kiến sẽ giảm tốc và xuống mức 2,1-2,4% trong năm nay, theo các tổ chức nghiên cứu của Malaysia là MIDF Research và Kenanga Research.

“Cơn bão hoàn hảo”

Ở Singapore, nơi gần 3/4 trong số 4 triệu công dân và thường trú nhân là người gốc Hoa, giá một số mặt hàng thực phẩm như cá tươi và thịt lợn sấy khô (bak kwa) tăng trong mùa Tết Nguyên đán năm nay.

Tuy nhiên, năm nay, người tiêu dùng bị ảnh hưởng bởi tác động kép của việc tăng giá theo mùa và lạm phát thực phẩm.

Đối với bà Ann Tang, 64 tuổi, nhân viên ngân hàng đã về hưu, điều này có nghĩa là bà phải cắt giảm chi tiêu cho bữa cơm đoàn tụ gia đình dịp Tết và chọn mua các loại nguyên liệu có giá rẻ hơn.

“Thông thường, chúng tôi mua nhiều loại thực phẩm khác nhau với lượng nhiều hơn để cầu may và những điều khác. Nhưng năm nay, tôi sẽ không mua cá. Đối với bào ngư, tôi sẽ mua ít hơn, chỉ bằng nửa khối lượng so với các năm trước”, bà cho biết.

Bà Tang cho biết, tiểu thương viện dẫn lý do vì đại dịch để tăng giá sản phẩm. Họ nói rằng họ gặp nhiều khó khăn trong việc đảm bảo tồn kho dự trữ. Ngay cả loại cam mà bà thường mua ở siêu thị với giá 2,45 đô la Singapore (SGD), tương đương gần 42.000 Đồng, thì nay giá đã tăng lên thành 2,95 SGD (50.000 Đồng)

Thế giới - Bữa cơm sum họp gia đình dịp Tết ở Đông Nam Á trong cơn “bão giá” (Hình 2).

Người dân đi mua sắm dịp Tết Nguyên đán ở Singapore. Ảnh: Depositphotos

Theo ước tính của bà Tang, giá sẽ tăng 10-15% trong dịp Tết Nguyên đán này so với trước đại dịch. Tuy nhiên, tờ The Straits Times (Singapore) cho biết, giá các loại cá tươi phổ biến như cá chim và cá lăng đã tăng gấp đôi so với tháng 11/2021.

Song Seng Wun, nhà kinh tế học tại Ngân hàng Tư nhân CIMB, gọi đó là một “cơn bão hoàn hảo”. “Có những vấn đề về hậu cần và nguồn cung do đại dịch gây ra, và tất cả những điều đó cộng thêm với thời tiết bất lợi và lũ lụt đã làm tăng thêm các vấn đề về nguồn cung”, ông cho biết.

Chỉ số giá tiêu dùng của Singapore đã tăng 4% trong tháng 12/2021 so với cùng kỳ năm 2020. Ngân hàng trung ương của nước này hôm 25/1 đã bất ngờ thắt chặt chính sách tiền tệ ngoài chu kỳ để giảm thiểu rủi ro lạm phát.

Bộ trưởng Thương mại cũng đã cảnh báo về việc giá lương thực tiếp tục tăng, và cho biết Chính phủ sẽ đa dạng hóa các nguồn nhập khẩu để giữ giá cả cạnh tranh và tăng cường khả năng phục hồi nguồn cung.

Song cho biết, Singapore là nước phải chấp nhận sự biến động của giá cả thực phẩm vì đảo quốc với dân số 5,45 triệu người này nhập khẩu hơn 90% thực phẩm. Vấn đề bây giờ là giá cả đang tăng trên toàn cầu, vị chuyên gia kinh tế này cho biết thêm.

Trong khi các gia đình có thu nhập trung bình như bà Tang đối phó với “bão giá” bằng cách cắt giảm chi tiêu cho các bữa cơm ngày Tết, theo chuyên gia, tình hình sẽ khó hơn đối với các gia đình có thu nhập thấp hơn.

Chuyên gia về an ninh lương thực Paul Teng đến từ Trung tâm Nghiên cứu An ninh Phi truyền thống tại Đại học Công nghệ Nanyang (Nanyang Technological University) cho biết, bất kỳ đợt tăng giá nào cũng ảnh hưởng nhiều hơn đến các hộ gia đình có thu nhập thấp hơn vì họ thường phải dành phần nhiều thu nhập để mua thực phẩm, và họ sẽ phải tiết kiệm chi tiêu vào các nhu yếu phẩm khác để dành thêm tiền mua thực phẩm khi giá cả tăng.

Các tổ chức từ thiện như Food from the Heart đã phân phối khoảng 10.000 gói thực phẩm vào năm ngoái, tăng 59% so với năm 2019.

Song dự đoán, kế hoạch ngân sách cho năm nay của Singapore sẽ bao gồm các biện pháp nhằm đối phó với lạm phát lương thực như giảm thuế để giúp bù đắp chi phí.

Một mùa Tết kém trọn vẹn

Đối với Meryta Lin, một bà nội trợ 33 tuổi ở Pangkalpinang, thủ phủ tỉnh Bangka-Belitung, Indonesia, việc giá cả thực phẩm tăng cao khiến gia đình nhỏ 4 người của chị không được thường xuyên hưởng thức món chả cá đặc sản địa phương pempek bangka. Đây là món ăn làm chủ yếu từ thịt cá và trứng gà và tốn nhiều dầu ăn để chiên giòn.

Lin cho biết, chỉ vài tháng trước, giá dầu ăn ở Pangkalpinang đã tăng lên khoảng 50.000 Rupiah, tương đương 79.000 Đồng, từ khoảng 30.000 Rupiah (48.000 Đồng) cho một chai 2 lít.

Lin cho biết, giá khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) được sử dụng cho mục đích đun nấu cũng tăng từ khoảng 150.000 Rupiah (238.000 Đồng) lên khoảng 185.000 Rupiah (294.000 Đồng) mỗi bình 12kg, trong khi một quả trứng gà hiện có giá 2,2 Rupiah (3.500 Đồng) thay vì 1,4 Rupiah (2.200 Đồng) như trước đây.

Bà nội trợ này cho biết, gia đình chị mỗi tháng dùng hết 5-6 lít dầu ăn và một bình LPG 12kg mua từ một cửa hàng tạp hóa gần nhà.

Thế giới - Bữa cơm sum họp gia đình dịp Tết ở Đông Nam Á trong cơn “bão giá” (Hình 3).

Gia đình chị Meryta Lin ở Pangkalpinang, thủ phủ tỉnh Bangka-Belitung, Indonesia. Ảnh: SCMP

Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á ghi nhận mức tăng trưởng 3,51% trong quý III/2021, với tỉ lệ lạm phát ở mức 1,87% vào năm ngoái, theo dữ liệu từ Cơ quan Thống kê Indonesia.

Lạm phát đã gây ảnh hưởng xấu đến các hoạt động đón Tết Nguyên đán của người dân Indonesia. Ví dụ, gia đình chị Lin đã phải giảm bớt các món chiên rán, và chị cũng phải cắt giảm chi tiêu cho nhu cầu làm đẹp của bản thân để gia đình có thêm tiền mua thực phẩm.

Lin cho biết, chị hy vọng chính phủ sẽ giúp người dân như chị vượt qua cơn “bão giá”.

Tuy nhiên, giá thực phẩm tăng cao hơn không phải là vấn đề duy nhất của Lin và gia đình chị. Sự gia tăng của các ca nhiễm biến thể Omicron ở Indonesia đồng nghĩa với việc gia đình 4 người của chị phải ăn bữa cơm Tất niên năm thứ hai liên tiếp ở nhà.

Do diễn biến dịch bệnh phức tạp, Lin không thể về nhà đẻ ở cùng tỉnh Bangka-Belitung để đón Tết với bố mẹ và các anh chị em.

Piter Abdullah, giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Cải cách Kinh tế Indonesia có trụ sở tại Jakarta, cho biết lạm phát của Indonesia năm 2021 là "rất thấp" vì không có biến động giá lương thực quá lớn và nguồn cung lương thực "tương đối đầy đủ trong điều kiện nhu cầu rất thấp". Trước đại dịch, Indonesia thường có mức lạm phát 6-7%.

Tuy nhiên, ông Piter cảnh báo, chính phủ cần sớm đảm bảo nhập khẩu lương thực để không bị ảnh hưởng bởi những biến động mạnh về giá lương thực.

“Tất cả những điều này sẽ tác động đến tỉ lệ lạm phát sau này, với điều kiện là biến thể Omicron không làm tăng đột biến số ca nhiễm bệnh”, ông cho biết.

Giá thịt lợn leo thang

Do lạm phát và giá thịt heo cao kỷ lục ở Thái Lan, người gốc Hoa ở quốc gia Đông Nam Á này phải ăn Tết một cách giản tiện hơn.

Naris Wasinanon, Giám đốc Viện Khổng Tử về Y học Cổ truyền Trung Quốc ở tỉnh Samut Prakan, muốn giữ ngân sách cho Tết ở mức dưới 1.000 Baht (700.000 Đồng) nhưng vẫn mang đủ tinh thần truyền thống.

Các gia đình người gốc Hoa ở Thái Lan tin rằng thịt, trái cây và các món tráng miệng là biểu thị cho sự sung túc.

"Lễ cầu nguyện Năm Mới cần 3-5 loại thịt, một số loại trái cây và món tráng miệng", Naris cho biết. “Nghi lễ này để cầu mong sự phù hộ của 3 vị thần, gồm trời, đất và nước. Vì vậy tôi có thể sẽ chỉ dâng 3 loại thịt và một vài loại đồ ngọt thôi”.

Thế giới - Bữa cơm sum họp gia đình dịp Tết ở Đông Nam Á trong cơn “bão giá” (Hình 4).

Tết Nguyên đán ở Thái Lan. Ảnh: Holidify

Lạm phát dự kiến sẽ cắt giảm chi tiêu của người dân cho dịp Tết Nguyên đán năm nay ít nhất 30% so với năm ngoái, Aat Pisarnwanich, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Thương mại Quốc tế tại Đại học UTCC của Phòng Thương mại Thái Lan, cho biết.

Tết Nguyên đán ở Thái Lan bị ảnh hưởng bởi giá thịt lợn ở mức cao kỷ lục, với mức tăng gần 80% trong 6 tháng. Tính đến cuối tháng 1, 1kg thịt lợn có giá 230 Baht (15.700 Đồng), so với mức 200 Baht (13.600 Đồng) trong tuần đầu tiên của tháng 1, và tăng từ mức 130 Baht (9.000 Đồng) vào đầu tháng 6/2021, theo Kasetprice, trang web theo dõi giá cả của các mặt hàng nông nghiệp ở Thái Lan.

Ở Thái Lan, dịch tả lợn châu Phi bùng phát đã dẫn đến việc tiêu hủy một số lượng lớn lợn, với hơn 159.000 con lợn bị tiêu hủy trong giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 10 năm ngoái.

Aat cho biết, giá thịt lợn thậm chí còn cao hơn vào cuối tháng 1 do nhu cầu cao trong dịp Tết Nguyên đán. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, giá thịt lợn ở Thái Lan đạt mức hơn 200 Baht/kg (13.600 Đồng/kg).

Naris cho biết, thịt lợn vẫn là “một phần quan trọng của buổi lễ”. “Vì vậy, tôi chọn mua một miếng thịt lợn ba chỉ. Tôi cũng mua một miếng vịt luộc với giá 400 Baht và một con mực với giá 100 Baht. Mọi người cũng có thể chọn một miếng gà quay với giá khoảng 100 Baht thay cho vịt”, ông cho biết.

“Tôi cũng cần mua một số loại trái cây. Nho thường đắt hơn cam, nhưng nó còn phụ thuộc vào loại cam nào nữa”, ông cho biết. “Và tôi còn cần một số món tráng miệng nữa. Nhưng tôi sẽ chỉ mua những đồ cần thiết nhất chứ không phải tất cả mọi thứ trong danh sách”.

Mặc dù vậy, theo Naris, ngay cả trước khi đại dịch bắt đầu, nghi lễ cầu nguyện và ăn mừng Tết Nguyên đán ở Thái Lan đã thu hẹp đáng kể trong những năm qua.

Những người thuộc thế hệ trẻ ngày nay không còn chú trọng vào việc tổ chức các sự kiện như vậy, ông nói. "Họ thích tiết kiệm tiền hơn".

Minh Đức (Theo South China Morning Post)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.