Quân cảm tử, vũ khí bí mật
Với những căng thẳng gần đây ở bán đảo Triều Tiên lên cao tới đỉnh điểm, Mỹ và Hàn Quốc đang thực hiện các cuộc tập trận rầm rộ như một sự chuẩn bị cho mọi tình huống xung đột có thể xảy ra.
Ở phía ngược lại, Bình Nhưỡng cũng cho thấy những động thái tương tự, khi triển khai các bài tập pháo binh và giả lập một cuộc tấn công đổ bộ trên biển.
Hình ảnh được phương tiện truyền thông Nhà nước Triều Tiên công bố đã cho thấy phần nào khả năng tác chiến quân sự của nước này. Trong số đó có một bức ảnh được chú ý hơn cả.
Đó là khung cảnh phi đoàn máy bay cánh kép An-2 thả lính biệt kích ở độ cao gần mặt đất.
Theo tờ The Drive, thoạt nhìn nó trông có vẻ như một màn trình diễn không mấy đặc sắc của Triều Tiên, nhưng trên thực tế nó là một phần trong kế hoạch chuẩn bị cho cuộc xung đột toàn diện trên bán đảo.
Nếu có một cuộc chiến xảy ra, hàng trăm chiếc An-2 sẽ bay thấp trên mặt đất với tốc độ chậm, dần tiến vào không phận Hàn Quốc trong bóng đêm mịt mờ.
Đội biệt kích nhảy dù của An-2 được giao nhiệm vụ khó khăn và nguy hiểm nhất, đó là thâm nhập sâu vào hậu tuyến của địch.
Nhiệm vụ của “đội tấn công cảm tử” Triều Tiên là rất đa dạng, nhưng về cơ bản là thực hiện các hành động tàn phá sâu bên trong lãnh thổ Hàn Quốc, bao gồm phá hủy cơ sở hạ tầng và căn cứ quân sự quan trọng. Gieo rắc nỗi sợ hãi trong lòng dân chúng Hàn Quốc.
Với việc Triều Tiên là một quốc gia hạt nhân và đang dần nắm trong tay công nghệ đầu đạn hạt nhân thu nhỏ, không loại trừ khả năng những chiếc An-2 cũ kỹ có thể trở thành một hệ thống vận chuyển hạt nhân phi truyền thống.
Cây bút Tyler Rogoway của tờ The Drive cho rằng, Bình Nhưỡng có thể sử dụng những máy bay dạng nhỏ như vậy, để tấn công các căn cứ quân sự lớn, hoặc cứ điểm quan trọng mà không cần đến tên lửa đạn đạo.
Máy bay "sát thủ" không thể coi thường
Antonov An-2, niềm tự hào của quân đội Triều Tiên. Nó được sơn màu xanh lá cây ở thân trên và xanh da trời ở phần dưới để dễ ngụy trang dù từ dưới đất nhìn lên hay từ trên cao nhìn xuống.
Điểm ưu việt của máy bay này là chỉ cần khoảng cách cất cánh và hạ cánh rất ngắn, từ 50 cho đến 80m. Trong khi đó, với các máy bay cùng lớp khác thì khoảng cách nhỏ nhất vẫn phải là từ 400-500m. Tiềm năng kỹ thuật của An-2 khi hạ cánh xuống địa bàn không có sự chuẩn bị cũng cao hơn.
Những chiếc An-2 của Triều Tiên có thể bay thấp và chậm qua biên giới Hàn Quốc để thả đặc nhiệm mà không bị radar phát hiện.
Ngoài ra, việc bay tầm thấp cũng đồng nghĩa với việc hệ thống tên lửa đất đối không truyền thống sẽ mất thời gian lâu hơn để định vị mục tiêu khi máy bay bị lẫn vào địa hình.
Tờ The Drive cho rằng, thậm chí cả hệ thống bảo vệ không phận được coi là nghiêm ngặt nhất ở Thủ đô Washington DC nước Mỹ cũng không thể nhận ra một mục tiêu di chuyển chậm trên radar, ngay cả khi nó bay xuống bãi cỏ trên đồi Capitol.
Chưa bàn về chất lượng, chỉ cần nói đến số lượng huy động,Triều Tiên đã có đủ khả năng để lấp đầy bầu trời với khoảng 300 chiếc An-2.
Trong thời điểm cuộc chiến mới diễn ra, sẽ không có đủ chiến đấu cơ hoặc hệ thống tên lửa phòng không đủ bắn hạ hoàn toàn phi đội bay của Bình Nhưỡng, ngay cả khi phát hiện ra sớm.
Thêm vào đó, dù Triều Tiên có thể mất rất nhiều máy bay nhưng sự lợi hại lại nằm ở chiến thuật cảm tử đằng sau. Thậm chí ngay cả một nửa hạm đội bay biến mất, vẫn còn hàng ngàn lính đặc nhiệm đổ bộ xuống mặt đất ở Hàn Quốc gây tình trạng lộn xộn.
Ngay cả khi đường băng có thể bị bắn phá trước khi các chiến dịch trên không của Triều Tiên được triển khai thì trên thực tế những chiếc An-2 có thể cất cánh hầu như ở khắp mọi nơi.
Tờ The Drive phân tích, một lần nữa các phương tiện truyền thông đã bỏ qua những chi tiết rất đáng chú ý về năng lực thật sự của Triều Tiên. Phần lớn báo chí chỉ lo ngại về hỏa lực pháo binh của nước này mà coi thường năng lực trên không.
Trên thực tế, sức mạnh của quốc gia Đông Bắc Á không hề chệch choạc hay chỉ là lời hùng biện dọa dẫm đơn thuần. Ẩn giấu bên trong đó là một bộ máy quân sự logic và sáng tạo hơn rất nhiều so với sự tưởng tượng của nhiều người. An-2 chính là lời nhắc nhở về thực tế này.