Bức ảnh chụp Tổng thống Vladimir Putin đứng trước linh cữu trong lễ tang đại sứ Andrey Karlov hôm 22/12 được đăng tải trên Sputnik đã gây ấn tượng mạnh cho người xem.
Trong bức ảnh đậm chất nghệ thuật này, ông Putin đứng giữa trung tâm nhìn vào linh cữu, bên cạnh là hai vệ sĩ tạo thành một khung đối xứng, đằng sau là đám đông đang hướng ánh nhìn theo nhà lãnh đạo Nga. Linh cữu đại sứ Andrey Karlov được làm mờ nét khiến trọng tâm bức ảnh được tập trung vào biểu hiện của ông Putin.
Đó là một hình ảnh hiếm khi người ta thấy Tổng thống Vladimir Putin thể hiện nét buồn trên khuôn mặt, bình luận viên Selina Chen của tờ Quartz mô tả.
Không phải ngẫu nhiên mà hai vệ sĩ trong quân phục đứng ở hai bên trong bức ảnh. Trong bức ảnh được chụp bởi nhiếp ảnh gia Alexei Nikolskyi, người lính trẻ bên trái đã liếc ánh mắt về phía ông Putin như một chi tiết hướng sự chú ý của người xem vào tổng thống. Điều này càng được thúc đẩy thêm bởi đám đông đang theo dõi chăm chú từ phía sau.
"Đó là một thông điệp về sức mạnh của Nga và thể hiện một điều rằng cũng giống như ông Putin, những người bên cạnh ông trong bức ảnh cũng đang suy tư về sự ra đi của đại sứ Karlov và cho thấy họ đang tính toán về những điều cần phải làm tiếp theo", Selina Chen phân tích trong bài viết của mình.
Trong bài phát biểu trên truyền hình ngày 19/12 Tổng thống Nga đã gọi vụ ám sát đại sứ Karlov là một "hành động khiêu khích" và hứa rằng "phản ứng duy nhất" của ông sẽ là "đẩy mạnh cuộc chiến chống khủng bố".
"Những kẻ giết người sẽ phải trả giá", ông Putin nói.
Nga được coi là trung tâm quyền lực có ảnh hưởng rất lớn trong cuộc nội chiến ở Syria. Tuy nhiên cái chết của đại sứ Nga ở Thổ Nhĩ Kỳ có thể coi là mất mát lớn nhất của Moscow kể từ khi mở rộng nhiều hơn tầm ảnh hưởng trong khu vực.
Nhiều người đã so sánh vụ việc với vụ ám sát Thái tử Áo Franz Ferdinand khiến Thế chiến thứ I nổ ra hồi năm 1914 và lo ngại rằng quan hệ Nga-Thổ cũng sẽ rơi vào tình trạng căng thẳng không kém.
Tuy nhiên, ông Putin đã trấn an các dự đoán nói trên khi mô tả vụ ám sát là một cuộc tấn công vào "tình bạn" của Nga với Thổ Nhĩ Kỳ. Ngay sau ngày thảm kịch diễn ra, ngoại trưởng Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đã gặp nhau để thảo luận về sự tham gia của họ ở Syria, mặc dù ba nước vốn có nhiều bất đồng trong cuộc xung đột đẫm máu ở quốc gia này.
Nga đã hậu thuẫn cho chính phủ hợp pháp của Tổng thống Bashar al-Assad trong cuộc chiến chống khủng bố kể từ năm 2015. Việc chiếm lại Aleppo gần đây là một chiến thắng dành cho ông Putin, nhưng cái chết của đại sứ Karlov có thể sẽ là bước ngoặt lớn khi sau tang lễ long trọng này Nga có thể mở ra những hành động đầy bất ngờ tiếp theo.
Đọc thêm>>> Đơn vị tác chiến đặc biệt Nga ở đâu khi đại sứ Karlov bị ám sát?
Quốc Vinh