Bộ GD&ĐT yêu cầu gấp rút bổ sung gần 28.000 biên chế giáo viên
Để khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên, nhất là các tỉnh miền núi; bảo đảm nguyên tắc “có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp”, ưu tiên bảo đảm giáo viên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Bộ GD&ĐT phối hợp Bộ Nội vụ trình các cấp có thẩm quyền xem xét bổ sung 65.980 biên chế giáo viên bổ sung cho các địa phương cả giai đoạn 2022-2026.
Cụ thể trong năm 2022, Bộ GD&ĐT đã gửi công văn tới UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc triển khai tuyển dụng biên chế giáo viên mầm non, phổ thông theo quyết định về biên chế các cơ quan đảng, mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị giai đoạn 2022-2026.
Theo quyết định này, Bộ Chính trị giao bổ sung 65.980 biên chế giáo viên trong giai đoạn 2022-2026, riêng năm học 2022-2023 giao bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập.
Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu các địa phương tập trung các giải pháp để bảo đảm nguồn tuyển như thông tin rộng rãi về biên chế tuyển dụng, làm việc với các cơ sở đào tạo để có nguồn, trao đổi với địa phương khác để phối hợp tuyển dụng theo các môn học đáp ứng yêu cầu.
"Về lâu dài, các địa phương cần có lộ trình đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho ngành giáo dục để bảo đảm có nguồn tuyển dụng cho lộ trình cấp bổ sung biên chế đến năm 2016", công văn của Bộ nêu, đồng thời đề nghị các địa phương rà soát, xác định cụ thể số lượng, cơ cấu giáo viên còn thiếu theo từng cấp học, môn học đến năm 2026, báo cáo Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ để bổ sung.
Tính đến tháng 5/2021, cả nước có hơn 42.200 cơ sở giáo dục với hơn 22 triệu trẻ mầm non, học sinh phổ thông. Đến hết năm học 2020-2021, cả nước thiếu hơn 94.700 giáo viên, chủ yếu là giáo viên cho các môn học mới cấp tiểu học, THPT theo chương trình giáo dục phổ thông mới và giáo viên mầm non các tỉnh vùng sâu, vùng dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, cả nước cũng thừa cục bộ hơn 10.300 giáo viên ở từng cấp học.
Bộ GD&ĐT xác định nguyên nhân của tình trạng trên là việc tuyển dụng không sát với nhu cầu và quy mô phát triển trường lớp, học sinh. Việc bố trí, điều động, phân công giáo viên cũng chưa phù hợp. Một phần khác do tình trạng di dân cơ học tại một số khu công nghiệp, đô thị lớn.
Bộ GD&ĐT đề xuất trích 3.500 tỷ ngân sách mua sách giáo khoa
Bộ GD&ĐT đề xuất Chính phủ phương án trích 3.500 tỷ đồng ngân sách mua sách giáo khoa (SGK) đưa vào thư viện trường học cho học sinh mượn. Khi đó, sách mượn sẽ đáp ứng 70% nhu cầu của học sinh; các năm tiếp theo sẽ bổ sung 20% mỗi năm.
Cụ thể, Bộ đã giao bộ phận chuyên môn tính toán và đưa ra 3 phương án: Trích ngân sách mua đủ 100% nhu cầu, mua sách cho 70% nhu cầu và chỉ mua sách cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Sau khi phân tích, tính toán, Bộ lựa chọn phương án sẽ mua SGK đưa vào thư viện cho học sinh mượn, đáp ứng 70% nhu cầu. Số còn lại thuộc bộ phận người dân có điều kiện kinh tế ổn định, có thể tự mua sách cho con học. Nếu được phê duyệt, phương án này sẽ áp dụng cho năm học 2023-2024. Tuy nhiên, phương án này đang vấp phải nhiều ý kiến từ chính những người trong cuộc, giáo viên, hiệu trưởng các trường học.
Nhiều trường đại học, cơ sở giáo dục tăng học phí từ 30-70%
Trước tình hình đó, chiều 13/6/2022, tại cuộc họp về công tác điều hành giá các mặt hàng quan trọng, thiết yếu do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá, chủ trì, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết Bộ nhất trí với giải pháp của Bộ Tài chính, tiếp tục giữ nguyên, không tăng giá dịch vụ giáo dục (học phí) năm học 2022-2023 trong bối cảnh nhiều mặt hàng tăng giá.
Thứ trưởng cho biết thêm, từ tháng 9 của năm học 2022-2023, sẽ có lộ trình tăng học phí theo quy định, trong đó giáo dục mầm non công lập tăng khoảng 75%, đại học khoảng 12,5%.
Lần đầu tiên Việt Nam cho đăng ký tuyển sinh đại học bằng hình thức trực tuyến
Lần đầu tiên toàn bộ quy trình đăng ký tuyển sinh, thanh toán lệ phí, tổ chức xét tuyển và xử lý nguyện vọng, xác nhận nhập học được thực hiện trực tuyến trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung, xử lý lọc ảo chung trên hệ thống.
Thí sinh được đăng ký nguyện vọng vào nhiều ngành, nhiều trường khác nhau, sau khi đã biết kết quả thi tốt nghiệp THPT và đã biết ngưỡng điểm xét tuyển do các cơ sở đào tạo công bố.
Trường đại học thành Đại học gây "nóng"
Ngày 2/12/2022, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1512/QĐ-TTg về việc chuyển Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thành Đại học Bách khoa Hà Nội.
Đại học Bách khoa Hà Nội là đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng. Theo đó, Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ tổ chức lại cơ cấu tổ chức và hoạt động trên cơ sở Trường Đại học Bách khoa Hà Nội trước đây theo quy định của luật Giáo dục đại học năm 2012 và luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục đại học năm 2018 cùng quy định pháp luật có liên quan.
Chia sẻ về vấn đề này, nhiều chuyên gia giáo dục cho biết, quy định của pháp luật thì việc chuyển Trường Đại học thành Đại học không đơn giản là việc chuyển tên cơ sở giáo dục đại học mà là chuyển mô hình hoạt động từ đơn lĩnh vực sang đa lĩnh vực, phải có sự phát triển cả chiều rộng về quy mô đến chiều cao về trình độ đào tạo; qua đó, cơ sở giáo dục đại học đã xây dựng được lực lượng lớn mạnh, quản trị hiệu quả, thể hiện năng lực tự chủ cao, có khả năng đào tạo, nghiên cứu liên ngành và đảm bảo chất lượng trong mọi hoạt động.
Điều đó không thể là thay tên gọi như một kiểu “bình mới rượu cũ” mà cần phải có thời gian để phát triển theo định hướng đã được quy định và ngày càng phải chất lượng, hiệu quả hơn trước.
Điểm khác biệt giữa việc thành lập các đại học trước khi có Luật số 34/2018 là hình thành bằng con đường/biện pháp hành chính; còn theo Luật số 34/2018 thì các đại học tự chủ lựa chọn con đường phát triển theo những tiêu chí – định hướng đã được quy định.
Theo Luật số 34/2018, có hai cách để hình thành một đại học là: Chuyển trường đại học thành đại học theo cách mà Trường Đại học Bách khoa Hà Nội vừa thực hiện và các trường đại học đang hoạt động tự nguyện liên kết thành đại học.
Theo Luật giáo dục đại học 2012 sửa đổi, bổ sung năm 2018, trường đại học, học viện (gọi chung là trường đại học) là cơ sở giáo dục đại học đào tạo, nghiên cứu nhiều ngành, được cơ cấu tổ chức theo quy định của luật này.
Đại học là cơ sở giáo dục đại học đào tạo, nghiên cứu nhiều lĩnh vực, được cơ cấu tổ chức theo quy định luật này; các đơn vị cấu thành đại học cùng thống nhất thực hiện mục tiêu, sứ mạng, nhiệm vụ chung.
Như vậy, trường đại học là cơ sở đào tạo nhiều ngành nhưng không đào tạo nhiều lĩnh vực. Trường đại học có thể là một cơ sở giảng dạy đại học độc lập hoặc là thành viên của một đại học vùng. Điều này có thể hiểu đại học là cấp cao hơn, trong đại học sẽ bao gồm các trường đại học.
Đại học là một cơ sở đào tạo trên nhiều lĩnh vực (mỗi lĩnh vực có nhiều ngành). Do đó, đại học có thể bao gồm nhiều trường đại học và một số cơ sở giáo dục đại học khác.
Vấn đề đào tạo tiến sĩ
Vấn đề nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ là chủ đề luôn nóng. Gần đây, chất lượng đào tạo tiến sĩ lại được xới xáo khi xuất hiện một số luận án tiến sĩ với đề tài gây xôn xao. Cụ thể vào đầu tháng 5/2022, luận án tiến sĩ “Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức, viên chức Tp.Sơn La” đã gây tranh cãi trên nhiều diễn đàn về tính khoa học và ứng dụng. Từ đây, rất nhiều câu hỏi được đặt ra về chất lượng chuyên môn của các luận án tiến sĩ.
Trước những bất cập trong công tác đào tạo nhân lực trình độ cao nói chung, trong đó có đào tạo sau đại học, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ GD&ĐT kiện toàn hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong cơ sở đào tạo; tăng cường thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học tiệm cận với chuẩn mực quốc tế.
Đột ngột dừng thi IELTS
Việc một số tổ chức/đơn vị thông báo dừng tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài là do các bên liên kết chưa làm hồ sơ hoặc chưa hoàn thiện hồ sơ đề nghị Bộ GD&ĐT phê duyệt theo quy định.
Lý giải về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết: Thời gian qua, hoạt động liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ nói chung, chứng chỉ năng lực ngoại ngữ nói riêng của nước ngoài có xu hướng phát triển cả về quy mô, hình thức, ngôn ngữ. Hoạt động này đáp ứng nhu cầu của người dự thi lấy chứng chỉ, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, tổ chức tuyển dụng xác định được năng lực ngoại ngữ của người lao động.
Bên cạnh những mặt tích cực, việc liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ ở Việt Nam cũng còn nhiều vấn đề bất cập. Cụ thể, hoạt động liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ ở Việt Nam thời gian qua được triển khai tràn lan với rất nhiều loại chứng chỉ, nhiều ngôn ngữ khác nhau mà không được kiểm soát về chất lượng.
Việc liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ ở Việt Nam chủ yếu tuân thủ theo quy định của đối tác nước ngoài, chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về điều kiện, tiêu chí liên kết tổ chức thi của Việt Nam (về cơ sở vật chất, thiết bị, đội ngũ cán bộ coi thi, giám sát...) dẫn đến một số tiêu cực mà báo chí trong và ngoài nước đã phản ánh như: thi hộ, gian lận trong hồ sơ, giả mạo giấy tờ....
Những tiêu cực này gây dư luận xấu, ảnh hưởng đến quyền lợi của người được cấp chứng chỉ, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của các tổ chức triển khai thi, cấp chứng chỉ nghiêm túc; người dân lúng túng trong việc lựa chọn chứng chỉ, đơn vị tổ chức thi để được cấp chứng chỉ; gây thất thu thuế nhà nước và giảm sức hút, sự minh bạch của môi trường đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam.
Triển khai thực hiện Nghị định số 86/2018/NĐ-CP và Thông tư số 11/2022/TT-BGDĐT, Bộ GD&ĐT đang tiếp nhận hồ sơ đề nghị phê duyệt đề án liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ tại Việt Nam.
Ông nguyễn Hữu Độ cho biết, mặc dù Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn các bên liên kết thông qua nhiều kênh, nhiều hình thức (trực tiếp, gián tiếp, qua điện thoại, e-mail) và khẩn trương trong việc nghiên cứu các đề án và tổ chức thẩm định.
Tuy nhiên, việc lập hồ sơ đề nghị phê duyệt liên kết của nhiều cơ sở tổ chức thi đến thời điểm này chưa đạt yêu cầu, đặc biệt chưa làm rõ các yêu cầu bảo đảm chất lượng, tiêu chí liên kết hoặc tư cách pháp nhân của các bên liên kết, thông tin thể hiện tại các đề án cũng không đủ hoặc không rõ ràng, do đó Bộ GD&ĐT chưa đủ căn cứ để phê duyệt và công bố công khai để xã hội thực hiện giám sát.
Việt Nam lọt top 10 nước đạt kết quả cao nhất kỳ thi Olympic quốc tế 2022
"Cơn mưa vàng" trong năm 2022 đó là đoàn học sinh Việt Nam thắng lớn trong các kỳ thi Olympic quốc tế, giúp nước ta lọt top 10 quốc gia có kết quả cao nhất kỳ thi Olympic quốc tế năm 2022.
Năm 2022, Bộ GD&ĐT cử 7 đoàn học sinh giỏi Việt Nam với 38 lượt học sinh tham gia Olympic quốc tế. Kết quả, 100% học sinh Việt Nam dự thi đều đoạt giải, gồm 13 huy chương Vàng, 12 huy chương Bạc, 8 huy chương Đồng và 5 Bằng khen (giải Khuyến khích). Các đoàn Việt Nam tiếp tục nằm trong top 10 quốc gia đạt kết quả cao nhất với nhiều học sinh đạt điểm số cao.
Cụ thể, đoàn học sinh Việt Nam xếp thứ 4/104 quốc gia tại Olympic Toán học quốc tế lần thứ 63. 6/6 thí sinh Việt Nam đoạt giải với 2 huy chương Vàng, 2 huy chương Bạc, 2 huy chương Đồng. Trong đó, em Ngô Quý Đăng, Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội đạt điểm tuyệt đối 42/42. Sau 19 năm kể từ năm 2003 Việt Nam mới lại có học sinh giành điểm tuyệt đối tại một kỳ Olympic Toán học quốc tế.
Đoàn Việt Nam xếp thứ 5 toàn đoàn tại Olympic Vật lí quốc tế. 5 học sinh Việt Nam dự thi đã đoạt 3 huy chương Vàng, 1 huy chương Bạc và 1 huy chương Đồng. Đây cũng là lần đầu tiên đoàn Việt Nam có học sinh lớp 10 là em Võ Hoàng Hải, Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội tham dự và đoạt huy chương Vàng.
Đoàn Việt Nam xếp thứ 2 sau Trung Quốc và được Ban tổ chức đánh giá rất cao tại Olympic Hóa học quốc tế với thành tích 4 huy chương Vàng. Đây là lần thứ hai, tất cả học sinh trong đội tuyển Việt Nam dự thi Olympic Hoá học quốc tế đều giành huy chương Vàng.
Tại Olympic Sinh học quốc tế, đoàn Việt Nam gồm 4 thành viên đoạt 1 huy chương Bạc, 3 huy chương Đồng. Đội tuyển Việt Nam đoạt 1 huy chương Vàng, 3 huy chương Bạc, đứng trong top 9 nước và vùng lãnh thổ tại Olympic Tin học quốc tế lần thứ 34 năm 2022.
Tại Olympic Tin học Châu Á-Thái Bình Dương, đoàn Việt Nam đứng thứ 3 sau Trung Quốc, Nga, với 7 em tham gia đoạt 3 huy chương Vàng và 4 huy chương Bạc. Tại Olympic Vật lí Châu Á, đoàn Việt Nam đứng thứ 8 trong tổng số 28 đoàn, với 1 huy chương Bạc, 2 huy chương Đồng và 5 Bằng khen.
Trúc Chi