Ô nhiễm rác thải, không khí
Rác thải sinh hoạt không được thu gom tại khu vực quận Đống Đa (Hà Nội).
Hiện tổng lượng chất thải rắn trên địa bàn Hà Nội ước trên 5.000 tấn/ngày, trong đó, rác thải sinh hoạt phát sinh từ khu vực đô thị khoảng 3.200 tấn/ngày và từ nông thôn ước khoảng 2.500 tấn/ngày. Với các quận nội thành, lượng rác thu gom đạt 100%; trong khi tỷ lệ rác thải được thu gom và xử lý trên địa bàn các huyện chỉ đạt 70%.
Theo Sở Tài nguyên Môi trường, nguyên nhân dẫn tới tình trạng tồn đọng rác thải tại khu vực nông thôn là do các huyện chưa có khu xử lý tập trung, trong khi các khu xử lý rác thải hiện có của thành phố còn hạn chế, không đủ năng lực tiếp nhận toàn bộ rác thải của một số huyện. Ngoài ra, nhiều xã còn có hiện tượng tận dụng các ao hồ và các vùng trũng để đổ rác thải, hình thành hố chôn lấp rác tự phát, không đảm bảo quy trình kỹ thụât và tạo nguy cơ ô nhiễm nguồn nước mặt và nước ngầm của khu vực.
Còn tại các quận nội thành, bức xúc nhất vẫn là ô nhiễm không khí. Tình trạng ô nhiễm không khí của Hà Nội luôn ở mức báo động; chất lượng môi trường không khí đang bị suy giảm, bụi có chiều hướng gia tăng cao.
Nhiều chỉ số ô nhiễm vượt quy chuẩn cho phép và đặc biệt tại các công trình xây dựng, mức độ ô nhiễm không khí cao hơn gấp 5-6 lần quy chuẩn cho phép. Tình trạng ô nhiễm, tiếng ồn xuất hiện tại hầu hết các tuyến giao thông có cường độ xe tải lớn, mật độ giao thông đông đúc như: Giải Phóng, Phạm Hùng, Thăng Long - Nội Bài, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Trãi, Trần Duy Hưng, Ngã Tư Sở, Ngã Tư Vọng… Mức độ tiếng ồn ở các đường giao thông này đều vượt quy chuẩn cho phép, rõ nhất vào các giờ cao điểm.
Theo phân tích của giới chuyên môn, các tác nhân gây ô nhiễm không khí tại Hà Nội bao gồm hoạt động giao thông vận tải, công nghiệp, hoạt động xây dựng, hoạt động sản sinh năng lượng, xử lý chất thải và hoạt động sinh hoạt của người dân. Trong đó, 70% nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí tại Hà Nội là từ hoạt động giao thông của hai phưong tiện ô tô và xe máy.
Ô nhiễm làng nghề
Hà Nội là địa phương chiếm tới một nửa số làng nghề trong cả nước, cũng là nơi có tình trạng ô nhiễm môi trường ở mức báo động. Khảo sát sơ bộ mới đây của Sở Công Thương Hà Nội cho thấy, mức độ ô nhiễm do nước thải các làng nghề trên địa bàn Hà Nội những năm qua có xu hướng tăng. Ở các làng nghề chế biến nông sản, thực phẩm, nước mặt nhiều nơi có hàm lượng COD, BOD5, NH4+, coliform vượt hàng chục lần, thậm chí đến hàng trăm lần mức quy chuẩn.
Ngoài ra, hầu hết các làng nghề đều có hàm lượng bụi vượt tiêu chuẩn cho phép; nồng độ khí SO2 tại các làng nghề mây-tre-giang và chế biến nông sản, thực phẩm cao hơn rất nhiều so với tiêu chuẩn cho phép... Trên thực tế, ý thức bảo vệ môi trường của người dân tại các làng nghề còn hạn chế. Bên cạnh đó, các hộ sản xuất làm nghề nằm phân tán trong khu dân cư và chủ yếu tận dụng diện tích đất ở để làm cơ sở sản xuất, quy mô sản xuất nhỏ, vì vậy gây nhiều khó khăn, bất cập trong công tác bảo vệ môi trường.
Theo Sở Công Thương Hà Nội, để xử lý ô nhiễm môi trường các làng nghề, Hà Nội cần khoản kinh phí 1.350 tỉ đồng từ nay đến 2030. Ô nhiễm môi trường ở mức báo động tại các làng nghề đang ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân như: Các bệnh tiêu hóa và mắt chiếm 37%, bệnh hô hấp 20%, bệnh ngoài da 31% và các bệnh khác như tai-mũi-họng, thần kinh..
Theo Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội, để giải quyết tình trạng ô nhiễm, từ nay đến năm 2015, Hà Nội triển khai xây dựng 2-3 nhà máy xử lý nước thải tập trung, phấn đấu 100% khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải tập trung, 100% chất thải rắn ở nội thành, 80% chất thải rắn ở ngoại thành được thu gom và xử lý, 95% chất thải rắn thông thường, 85% chất thải rắn nguy hại và 100% chất thải y tế được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn.
Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tăng cường hoạt động kiểm soát ô nhiễm, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường; triển khai các chương trình quan trắc chất lượng môi trường; nhân rộng những phương án, mô hình xử lý rác sinh hoạt quy mô nhỏ hiệu quả ở cấp huyện, xã tại khu vực ngoại thành.
Hà Nội cần quan tâm áp dụng hình thức công nghệ trong nước để xử lý ô nhiễm môi trường. Thực tế chứng minh, công nghệ trong nước hoàn toàn xử lý ô nhiễm hiện nay. Vấn đề là triển khai nhân rộng các ứng dụng này vào thực tiễn ra sao. TS Nguyễn Hoài Châu, viện trưởng Viện Công nghệ Môi trường. |
Theo Tin tức