Thị trường tài chính thế giới năm 2021 đã khép lại, với những dấu ấn sâu sắc từ tác động của đại dịch Covid-19, bối cảnh phục hồi kinh tế và lãi suất cơ bản thấp. Đối mặt với môi trường kinh tế đầy biến động trong năm 2021, thị trường IPO toàn cầu đã có một năm ấn tượng khi phá vỡ kỷ lục cả về số thương vụ lẫn tổng số tiền huy động được.
Bức tranh IPO toàn cầu
Theo Báo cáo Xu hướng IPO toàn cầu của công ty dịch vụ EY, năm 2021 có tổng cộng 2.388 vụ IPO, huy động được khoảng 453,3 tỷ USD, tăng lần lượt 64% và 67% so với cùng kỳ năm ngoái. Sự tăng trưởng của thị trường IPO toàn cầu năm 2021 được thúc đẩy bởi một số yếu tố như nhiều quốc gia nỗ lực mở rộng tỷ lệ bao phủ vắc-xin phòng Covid-19, sự phục hồi của các nền kinh tế toàn cầu và khả năng thanh khoản dồi dào trên thị trường được tăng cường từ các chương trình kích thích kinh tế của chính phủ.
Một điểm đáng chú ý trong năm 2021 là sự bùng nổ của các công ty mua lại với mục đích đặc biệt (SPAC). Chỉ trong quý đầu tiên của năm 2021, hoạt động SPAC toàn cầu đã huy động được 96 tỷ USD từ 295 đợt IPO thông qua SPAC, vượt quá hoạt động cho cả năm 2020 là 80 tỷ USD từ 247 vụ IPO SPAC.
Tất cả các thị trường toàn cầu đều tăng tổng thể cả về khối lượng và số tiền thu được. Các sàn giao dịch tại khu vực EMEIA (Châu Âu, Trung Đông, Ấn Độ và Châu Phi) ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất. Khu vực Châu Mỹ cũng tiếp tục tăng trưởng nóng, trong khi khu vực Châu Á - Thái Bình Dương có mức tăng trưởng khiêm tốn hơn.
Trên toàn cầu, trong cả năm 2021, lĩnh vực công nghệ có số lượng IPO cao nhất (611 vụ), tăng quý thứ sáu liên tiếp (kể từ quý III/2020) và số tiền thu được cao nhất (147,5 tỷ USD), tăng quý thứ bảy liên tiếp (kể từ quý II/2020). Tiếp theo là dịch vụ chăm sóc sức khỏe, với 376 đợt IPO và huy động được 65,4 tỷ USD. Sau đó là các ngành công nghiệp, với 310 vụ IPO và huy động được 63,1 tỷ USD cả năm.
Ông Paul Go, Trưởng nhóm IPO toàn cầu của EY, cho biết: “Năm 2021 là năm sôi động nhất của thị trường IPO trong hơn 20 năm qua. Tuy nhiên, vào quý IV năm 2021, thị trường đã chịu tác động bởi sự xuất hiện của biến thể Covid-19 Omicron, căng thẳng địa chính trị kéo dài, hoạt động IPO chậm lại và gia tăng biến động thị trường".
Châu Á - Thái Bình Dương tăng trưởng khiêm tốn
Hoạt động IPO ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương duy trì tốc độ ổn định trong năm 2021, với số thương vụ (1.136 vụ) và số tiền thu được (169,3 tỷ USD) tăng lần lượt 28% và 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng này là khá khiêm tốn so với hoạt động IPO của khu vực Châu Mỹ và EMEIA. Công nghệ là lĩnh vực có số lượng giao dịch cao nhất (257 vụ) và thu được nhiều tiền nhất (45,4 tỷ USD).
Trung Quốc đại lục đã trải qua giai đoạn chững lại sau guý III/2021 do nước này thắt chặt yêu cầu an ninh mạng và các công ty IPO xuyên biên giới cần đáp ứng một số tiêu chí nhất định. Ngoài ra,việc Ủy ban giao dịch và chứng khoán Mỹ (SEC) ban hành yêu cầu các tổ chức phát hành nước ngoài tại nước này phải tuân thủ những quy tắc kiểm tra của SEC và Ủy ban Giám sát Kế toán Công ty Đại chúng (PCOAB) đã tác động đến tâm lý của nhà đầu tư, dẫn đến một số vụ IPO lớn của Trung Quốc bị trì hoãn hoặc thay đổi kế hoạch. Năm 2021, Trung Quốc đại lục ghi nhận sự gia tăng 11% trong các đợt IPO (593 vụ) và tăng 3% về số tiền thu được (122,8 tỷ USD).
Nhiều quốc gia khác tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đã có hoạt động tốt hơn so với Trung Quốc đại lục. Năm 2021, Nhật Bản ghi nhận 128 đợt IPO, cao nhất kể từ năm 2006 và huy động được 6,8 tỷ USD - mức tăng tương ứng 38% và 104% so với cùng kỳ năm ngoái. Australia và New Zealand cũng ghi nhận hoạt động tốt, với số vụ IPO tăng 159% (197 vụ) và số tiền thu được tăng 144% (9,2 tỷ USD).
Ông Ringo Choi, Trưởng nhóm IPO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương công ty EY, cho biết: “Tăng trưởng IPO ở Châu Á - Thái Bình Dương ở mức khiêm tốn, nhưng vẫn ấn tượng vào nửa cuối năm 2021. Tại Trung Quốc đại lục, hoạt động IPO chậm lại do các công ty phải điều chỉnh theo quy định mới. Trong khi đó, phần còn lại của khu vực đã chứng kiến hoạt động IPO gia tăng đáng kể. Sắp tới, các ứng viên IPO sẽ cần một chiến lược linh hoạt để thích ứng nhanh chóng với các quy định thay đổi, các vấn đề địa chính trị và kỳ vọng ngày càng tăng về tiêu chí ESG (môi trường, xã hội và quản trị)”.
Châu Mỹ tăng trưởng nóng
Châu Mỹ đã trải qua một năm giá cả gia tăng, được thúc đẩy bởi lãi suất thấp, thanh khoản cao, thị trường chứng khoán sôi động, tâm lý người tiêu dùng được cải thiện và độ bao phủ vắc-xin Covid-19 mở rộng ở một số quốc gia. Khu vực ghi nhận 528 vụ IPO và huy động được số tiền 174,6 tỷ USD trong năm 2021, tăng lần lượt 87% và 78% so với cùng kỳ. Chăm sóc sức khỏe là lĩnh vực hàng đầu của khu vực về số lượng với 172 đợt IPO, huy động 32,2 tỷ USD. Nhưng lĩnh vực công nghệ đứng đầu về số tiền thu được, đạt 72,2 tỷ USD với 152 đợt IPO.
Thị trường IPO Mỹ duy trì sức nóng trong năm 2021, với 416 đợt IPO và huy động 155,7 tỷ USD, tăng lần lượt 86% và 81% so với cùng kỳ. Các đợt IPO thông qua SPAC tại Mỹ đã tăng trưởng ấn tượng, khi số lượng các đợt SPAC vượt qua đợt IPO truyền thống.
Tại những quốc gia khác ở châu Mỹ, sàn giao dịch B3 (Brazil) đã trải qua một năm kỷ lục với 45 đợt IPO và huy động 11,9 tỷ USD - mức cao nhất kể từ năm 2007. Các sàn TSX và Venture của Canada cũng ghi nhận chuỗi giao dịch mạnh mẽ, huy động 5,9 tỷ USD từ 47 đợt IPO.
Bà Rachel Gerring, Trưởng nhóm IPO của EY khu vực châu Mỹ, cho biết: “2021 là năm kỷ lục của thị trường IPO châu Mỹ. Sự gia tăng các công ty đại chúng mới được thúc đẩy bởi định giá cao, lãi suất thấp và nhu cầu mạnh mẽ của nhà đầu tư đối với cổ phiếu. Bước sang năm 2022, chúng tôi lạc quan rằng thị trường chứng khoán vẫn lành mạnh cho các tổ chức phát hành mới tham gia thị trường. Các công ty muốn niêm yết cổ phiếu cần liên tục xem xét tất cả các lựa chọn. Trong khi IPO truyền thống là hình thức được thử nghiệm nhiều nhất để đạt được công khai, các hình thức thay thế khác đang phát triển và mang lại cho các công ty nhiều cách thức hơn để tiếp cận thị trường đại chúng”.
EMEIA tăng trưởng cao nhất
Nhờ môi trường thuận lợi cho các doanh nhân thu lợi nhuận cao và rủi ro thấp, các sàn giao dịch tại khu vực EMEIA có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong số cả ba khu vực, với mức tăng 158% về số lần IPO (724 vụ) và tăng 214% về số tiền thu được (109,4 tỷ USD). Tuy nhiên, diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 và sự gián đoạn chuỗi cung ứng là những yếu tố tiềm ẩn gây rủi ro cho hoạt động thị trường vào năm 2022.
Châu Âu ghi nhận 485 vụ IPO (tăng 154%), thu về 81,1 tỷ USD (tăng 195%). Thị trường Trung Đông và Bắc Phi (MENA) hoạt động sối nổi, với số thương vụ và số tiền thu được lần lượt tăng 205% và 281% (113 vụ IPO thu về 11 tỷ USD). Tại Ấn Độ, hoạt động IPO năm 2021 tăng 156% theo số thương vụ và 314% theo số tiền thu được so với cùng kỳ năm ngoái (110 vụ IPO huy động 16,9 tỷ USD).
Tiến sĩ Martin Steinbach, Trưởng nhóm IPO của EY khu vực EMEIA, cho biết: “ Hoạt động IPO tại EMEIA đã khép lại năm 2021 với số lượng giao dịch cao nhất kể từ năm 2007. Trong khi xu hướng IPO dự kiến vẫn sẽ tiếp tục tăng, năm 2022 sẽ là một năm thay đổi vì ESG và các nhà đầu tư dài hạn sẽ giúp thay đổi môi trường của các công ty lên sàn”.
Những “làn gió ngược” năm 2022
Sang năm mới, hoạt động IPO có thể đối mặt với cả những thuận lợi và khó khăn. Sự kết hợp giữa các yếu tố như căng thẳng địa chính trị, rủi ro lạm phát, những làn sóng lây nhiễm của đại dịch và biến thể Covid-19 mới sẽ là những “làn gió ngược” cản trở đà phục hồi kinh tế.
Ông Paul Go, Trưởng nhóm IPO toàn cầu của EY, chia sẻ: “Mặc dù động lực tích cực của năm 2021 dự kiến sẽ được duy trì sang năm 2022, nhưng các công ty có kế hoạch IPO buộc phải áp dụng một chiến lược linh hoạt và bền bỉ để thích ứng với điều kiện thị trường thay đổi, sự gia tăng các quy định và căng thẳng địa chính trị”.
Chuyên gia của hãng tin Bloomberg lưu ý: "Theo lịch sử, từ đợt biến động vào năm 2013 hay đến đợt bán tháo cổ phiếu năm 2018, đều cho thấy khi Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thực hiện chính sách thắt chặt đã gây rắc rối cho thị trường như thế nào", đồng thời cho biết thêm rằng việc định giá cổ phiếu cao hơn và giá bất động sản tăng vọt cũng có thể gây trở ngại cho các nhà đầu tư.
Một mô hình từ Bloomberg Economics cho thấy nếu FED tăng lãi suất 3 lần vào năm 2022 và có dấu hiệu sẽ tiếp tục tăng cho đến khi lãi suất đạt 2,5% (điều này sẽ đẩy lợi suất trái phiếu kho bạc cao hơn và mở rộng tín dụng hơn) thì có thể xảy ra suy thoái vào đầu năm 2023.
Bất chấp những trở ngại, định giá tương đối cao và tính thanh khoản của thị trường là động lực thúc đẩy các thương vụ IPO vào năm 2022. Các công ty đang muốn thực hiện IPO cần linh hoạt với kế hoạch B để có thể đối mặt với sự gia tăng biến động thị trường và đáp ứng nhu cầu tài chính trong trường hợp IPO bị trì hoãn.
Ông Chris Blum, phụ trách mảng đòn bẩy và bảo hiểm tài chính tại công ty dịch vụ BNP Paribas, nhận định: “2021 thực sự là một năm bom tấn. Chúng tôi hy vọng xu hướng này sẽ tiếp tục diễn ra vào năm tới. Một số người có thể cho rằng tốc độ huy động vốn mạnh mẽ này sẽ suy giảm, nhưng nó sẽ vẫn diễn ra rất mạnh mẽ”.
Hà Thanh (Theo EY, Investopedia, The street)