Doanh thu du lịch ước đạt 4.600 tỷ
Chiều 17/7, tại buổi họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2023, bổ sung nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm, ông Nguyễn Hồng Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quang Nam cho biết, tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm so với cùng kỳ. Khu vực thương mại dịch vụ và nông nghiệp tuy có tăng nhưng chưa bù đắp được sự sụt giảm của ngành công nghiệp.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước giảm 9,2% so với cùng kỳ. Quy mô nền kinh tế ước đạt 54,6 nghìn tỷ đồng (giá hiện hành), thuộc nhóm các tỉnh thành có quy mô nền kinh tế lớn trên cả nước, xếp vị thứ 23/63 tỉnh, thành phố; xếp vị thứ 5/14 tỉnh Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ; xếp vị thứ 3/5 tỉnh trong khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung (sau Tp.Đà Nẵng, Quảng Ngãi).
Giá trị gia tăng toàn ngành công nghiệp giảm 24,3% so với cùng kỳ; trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 30%. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp giảm 29,87% so với cùng kỳ. Tốc độ tăng trưởng ngành xây dựng giảm 16,4% so với cùng kỳ
Tổng lượt khách tham quan, lưu trú du lịch ước đạt 4.566 nghìn lượt khách, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ. Doanh thu du lịch ước đạt 4.600 tỷ đồng, tăng gấp 2,64 lần so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 34,1 nghìn tỷ đồng, tăng 9,9% so với cùng kỳ.
Sản xuất nông nghiệp diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi, nền nhiệt độ cao, lượng mưa bổ sung nhiều, thuận lợi cho các loại cây trồng sinh trưởng phát triển và nuôi trồng thủy sản. Giá trị gia tăng ngành nông nghiệp tăng 4,3% so với cùng kỳ.
Đến ngày 30/6, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn là 11.646 tỷ đồng, đạt 44% dự toán, bằng 57% so với cùng kỳ, xếp vị thứ 3/14 tỉnh Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ, xếp vị thứ 2/5 tỉnh trong khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung. Trong đó, thu nội địa 9.910 tỷ đồng, đạt 47% dự toán, bằng 67% so với cùng kỳ, xếp vị thứ 2/14 tỉnh Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ, xếp vị thứ 1/5 tỉnh trong khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung.
Tổng kim ngạch hàng hoá xuất nhập khẩu khoảng 1.903,18 triệu USD, giảm 26,22% so với cùng kỳ, gồm: kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 833,83 triệu USD, giảm 15,75%; kim ngạch nhập khẩu đạt khoảng 1.069,35 triệu USD, giảm 32,75% so với cùng kỳ.
Nỗ lực những tháng cuối năm 2023
Ông Quang cũng thừa nhận, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Một số nguồn thu ngân sách nhà nước đạt thấp; tăng trưởng kinh tế giảm sâu so với cùng kỳ.
Tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp - xây dựng giảm sâu so với cùng kỳ; ngành du lịch, dịch vụ vẫn chưa phục hồi hoàn toàn.
Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp giảm; số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động giảm.
Giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc.
Công tác lập Quy hoạch tỉnh, Quy hoạch chung, Quy hoạch nông thôn mới tại một số địa phương còn chậm.
Tiến độ triển khai các dự án, công trình trọng điểm chưa bảo đảm đúng tiến độ; thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, phục hồi và phát triển kinh tế gặp nhiều khó khăn.
Các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), cải cách hành chính (PAR INDEX), hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) năm 2022 tụt hạng.
Tình hình an ninh trật tự vẫn tiềm ẩn yếu tố khó lường; khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai còn phức tạp, kéo dài ở một số địa phương.
Bên cạnh đó, vị Phó Chủ tịch tỉnh thông tin, vào cuối năm, tỉnh Quảng Nam tập trung thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình phục hồi và phát triển kinh tế năm 2023. Tổ chức xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2024 và triển khai điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025.
UBND tỉnh nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành thu, chi ngân sách; tăng cường các biện pháp quản lý thu, triển khai tốt hóa đơn điện tử, chống thất thu thuế, chống chuyển giá, trốn thuế; kiểm soát chặt chẽ nguồn thu từ tiền đất. Triển khai xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 đảm bảo tính chính xác, khả thi, phù hợp với dự kiến phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.