Sau năm dị biệt 2022, năm 2023, thị trường xăng dầu được dự báo ổn định hơn nhưng trước các biến số như lạm phát, lãi suất cao, biến động khó lường của thị trường thế giới, các doanh nghiệp xăng dầu từ đó đặt kế hoạch kinh doanh thận trọng.
Kết thúc quý I/2023, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu niêm yết trên sàn chứng khoán từ đầu mối, phân phối đến bán lẻ đã công bố tình hình kinh doanh khá thuận lợi, nhiều đơn vị có lãi trở lại. Song, một số doanh nghiệp vẫn chịu cảnh thua lỗ do mức chiết khấu mua hàng còn thấp trong 3 tháng đầu năm.
Hai "ông lớn" tiếp tục báo lãi
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex – HoSE: PLX) - nhà bán lẻ xăng dầu chiếm hơn 50% thị phần cả nước, ghi nhận doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt hơn 67.432 tỷ đồng, tăng 0,6% so với cùng kỳ 2022.
Thu từ hoạt động tài chính của Petrolimex tăng hơn 37% so với cùng kỳ năm ngoái, gần 514 tỷ đồng. Nhờ đó, lãi gộp cũng tăng 22%, lên 3.560 tỷ đồng trong ba tháng đầu năm.
Tuy nhiên loạt chi phí đều tăng trong quý đầu năm, như chi phí tài chính tăng 27% lên mức gần 383 tỷ đồng (riêng chi phí lãi vay tăng hơn 30% cùng kỳ). Chi phí bán hàng, quản lý lần lượt tăng 22% và 14%, ảnh hưởng tới lợi nhuận.
Lãi trước thuế của Petrolimex là 838 tỷ đồng, nhưng sau khi trừ chi phí, thuế còn gần 667 tỷ đồng. Mức này tăng hơn 50% so với cùng kỳ 2022, nhưng chỉ bằng một nửa so với quý cuối năm ngoái.
Tính đến hết quý I, tổng tài sản của Petrolimex đạt 68.639 tỷ đồng, giảm gần 8% so với đầu năm. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền giảm 22% xuống hơn 9.000 tỷ đồng; Hàng tồn kho chiếm tỉ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản với giá trị 14.581 tỷ đồng, giảm 15% so với đầu năm. Ngoài ra, tập đoàn này còn có 4.200 tỷ đồng đầu tư trái phiếu.
Về phần Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil – HoSE: OIL) - nhà bán lẻ xăng dầu lớn thứ 2 cả nước, ghi nhận hơn 20.538 tỷ đồng doanh thu thuần trong quý I/2023, giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá vốn hàng bán giảm nên lợi nhuận gộp giảm 6% đạt 979 tỷ đồng.
Trong 3 tháng đầu năm, các chi phí đều tăng như chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý nên lợi nhuận ròng quý này của PV Oil giảm hơn 6% so với cùng kỳ, đạt 266 tỷ đồng.
Theo giải trình của ban lãnh đạo PV Oil, trong quý I, sản lượng tiêu thụ và doanh thu tăng, tuy nhiên giá vốn lại tăng cao hơn nên dẫn tới lãi gộp giảm 6%, do đó làm lợi nhuận sau thuế quý I giảm.
Doanh nghiệp quy mô vừa giảm lãi
Là doanh nghiệp xăng dầu đầu mối có hơn 550 đại lý ở Tây Nam Bộ, Công ty Cổ phần Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu (NSH Petro - HoSE: PSH) ghi nhận doanh thu thuần quý I/2023 đạt 3.833 tỷ đồng, tăng 63% so với cùng kỳ.
Trong kỳ, chi phí tài chính tăng gấp 2,3 lần, lên mức 102 tỷ đồng, trong đó chi phí lãi vay tăng 95%, lên gần 86 tỷ đồng.Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 24%, còn 63 tỷ đồng. Các khoản mục khác thay đổi không đáng kể nên công ty báo lãi sau thuế gần 199 tỷ đồng, gấp 14,6 lần cùng kỳ. Đây cũng là quý có lợi nhuận cao nhất của doanh nghiệp này.
Công ty Cổ phần Vật tư Xăng Dầu (Comeco - HoSE: COM) ghi nhận doanh thu thuần quý I/2023 đạt 1.054 tỷ đồng, gần như đi ngang so với cùng kỳ; lãi sau thuế hơn 407 triệu đồng, tăng 7 lần so với cùng kỳ.
Ở chiều ngược lại, quý I/2023, Tổng Công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thanh Lễ - CTCP (Thalexim – UPCoM: TLP) ghi nhận doanh thu thuần đạt 5.511 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước. Song, giá vốn tăng nhanh hơn khiến lợi nhuận gộp của doanh nghiệp giảm 13%, về mức 157 tỷ đồng.
Trừ các chi phí, Xăng dầu Thanh Lễ ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt gần 26 tỷ đồng, giảm 57% so với cùng kỳ. Năm 2023, công ty đặt mục tiêu thu về 219 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Như vậy, sau 3 tháng đầu năm, công ty đã thực hiện được 12% mục tiêu đề ra.
Thương mại Xuất nhập khẩu Thủ Đức (Timexco - HNX: TMC) đạt 604,4 tỷ đồng doanh thu thuần trong quý I/2023, giảm 11% so với cùng kỳ; lãi sau thuế giảm gần 4 lần so với cùng kỳ, chỉ đạt 974 triệu đồng.
Công ty cho biết, lợi nhuận sau thuế quý I/2023 giảm sâu là do giá dầu thế giới biến động khó lường đã ảnh hưởng tới giá dầu trong nước, chiết khấu mua hàng tháng 1 và tháng 3 thấp làm lãi gộp và các chi phí đầu vào tăng ảnh hưởng đến kết quả sản xuất kinh doanh của công ty.
Công ty Cổ phần Nhiên liệu Sài Gòn (HoSE: SFC) cũng báo lãi sau thuế quý II niên độ tài chính 2023 (từ 1/1/2023 – 31/3/2023) giảm 21% so với cùng kỳ, ở mức 5,2 tỷ đồng do lãi gộp kinh doanh giảm.
Một công ty sản xuất cán mốc 99% kế hoạch lợi nhuận
Doanh nghiệp đầu mối sản xuất là Công ty Cổ phần Lọc hoá dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR) báo doanh thu thuần đạt 34.066 tỷ đồng trong quý I/2023, giảm nhẹ so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp ở mức 6%.
Phía doanh nghiệp cho biết so với cùng kỳ, giá dầu thô tương đối ổn định ở mức 82 USD/thùng và giảm nhẹ còn 78,56 USD/thùng ở tháng 3, nên làm cho tình hoạt động sản xuất kinh doanh kém thuận lợi hơn. Trừ các chi phí, Lọc hoá dầu Bình Sơn báo lãi sau thuế đạt 1.621 tỷ đồng, giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lường trước những diễn biến bất định của giá dầu, Lọc dầu Bình Sơn đặt kế hoạch rất thận trọng với doanh thu 95.645 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế dự kiến ở 1.628 tỷ đồng, giảm lần lượt 43% và 89% so với năm ngoái.
Các chỉ tiêu kể trên được xây dựng trên giả định giá dầu Brent ở mức 70 USD/thùng và tỷ giá quy đổi là 23.500 đồng/USD. Sản lượng tiêu thụ năm 2023 của BSR kỳ vọng đạt trên 5,6 triệu tấn, bao gồm các sản phẩm chủ lực như xăng RON 95, RON 92, Diesel, Jet A1, LPG...
Với mục tiêu đề ra khá thận trọng kể trên, chỉ sau quý đầu năm, Lọc hoá dầu Bình Sơn đã thực hiện được 99,6% mục tiêu lợi nhuận đề ra cho cả năm.
Khối bán lẻ xăng dầu "chờ" Nghị định 95
Ngoài các doanh nghiệp niêm yết, hiện thị trường xăng dầu có khoảng 17.000 cửa hàng, trong đó có 3.000 cửa hàng của hai doanh nghiệp Nhà nước, còn lại thuộc về các đơn vị bán lẻ.
Trong phiên giải trình của Ủy ban Kinh tế Quốc hội về thị trường xăng dầu cuối tháng 2/2023, nhiều doanh nghiệp bán lẻ cho biết, hơn một năm qua họ phải bán hàng với chiết khấu 0 đồng.
Các doanh nghiệp này ước tính số lỗ một năm qua khoảng 3.000 - 4.000 tỷ đồng, chủ yếu do cơ chế điều hành giá chưa phù hợp.
Hiện nay, dự thảo sửa đổi Nghị định 95 và 83 về kinh doanh xăng dầu đang được Bộ Công Thương xây dựng theo trình tự, thủ tục rút gọn. Việc sửa đổi quy định nhằm xử lý những bất ổn trên thị trường thời gian qua, để thực hiện mục tiêu bảo đảm nguồn cung xăng dầu, an ninh năng lượng quốc gia.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên kỳ vọng sửa Nghị định 95 sẽ khắc phục được những bất cập trên thị trường xăng dầu, như giá cơ sở tính đúng, đủ chi phí kinh doanh, hay rút ngắn kỳ điều hành giá từ 10 ngày xuống 5-7 ngày để sát hơn thị trường.