Với năm 2017, thế giới sẽ được chứng kiến nhiều biến chuyển mạnh mẽ nhất trong vài năm qua khi chính quyền mới của Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ mang lại nhiều tác động làm thay đổi bộ mặt quan hệ quốc tế đương đại. Cùng với đó, xu hướng đa cực hóa ngày một rõ nét đang kéo các cường quốc lớn như Mỹ, Nga, Trung Quốc vào khuôn khổ hợp tác, hướng tới sự ổn định và thịnh vượng toàn cầu, thay vì sự đối đầu, tranh giành lợi ích như trước.
Ông Donald Trump và kế hoạch gây chấn động toàn cầu
Bằng khẩu hiệu “Make America great again” (Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại), chính sách đối ngoại của Tổng thống đắc cử Donald Trump được đánh giá sẽ là bước ngoặt gây nhiều biến động đối với thế giới trong năm 2017.
Trong tuyên bố của mình, Tổng thống đắc cử Donald Trump đưa ra, ông sẽ cắt giảm sự hỗ trợ quân sự đối với các đồng minh, đồng thời khẳng định sẽ bớt can thiệp vào các điểm “nóng” để ưu tiên dành các nguồn lực cho phát triển đất nước - một điều trái ngược hoàn toàn với chính sách hiện tại của chính quyền Barack Obama. Ông Trump chỉ rõ, Trung Quốc chính là vấn đề ưu tiên nhất mà nước Mỹ cần phải đối phó trong thời điểm hiện tại.
Trước đó, Mỹ mở rộng tầm ảnh hưởng ra quá nhiều khu vực trên thế giới khi không chỉ gói gọn ở châu Âu, Trung Đông mà giờ đây còn lan tỏa ra khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Với việc tăng cường sự hiện diện của NATO ở Đông Âu gần biên giới Nga, Washington đang làm leo thang căng thẳng với Moscow, trong khi đó phía điện Kremlin cũng có những biện pháp đáp trả bằng việc đặt hệ thống tên lửa sát biên giới châu Âu, báo hiệu một cuộc xung đột có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Sự tham gia của Mỹ trong vài năm qua ở Lybia và Syria đã khiến cho tình hình Trung Đông diễn biến thêm phần nặng nề. Trong khi đó với châu Á-Thái Bình Dương, chính sách của chính quyền Barack Obama ở Biển Đông và khu vực Đông Bắc Á cũng không có nhiều tiến triển.
Giới quan sát dự đoán, với hướng đi khác biệt nhất trong nhiều năm qua, năm 2017 có thể được chứng kiến một nước Mỹ "hiền hòa" hơn trong các vấn đề quốc tế khi ông Trump chuyển thông điệp sẽ thay căng thẳng bằng hợp tác với Nga, từng bước giải trừ sự hiện hữu gây nhiều rắc rối ở Syria, bắt tay giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine và ngừng lại sự mở rộng về mặt quân sự. Điều này dẫn đến việc các điểm nóng xung đột trên thế giới sẽ có thể có những giải pháp mới tiến tới ổn định và hòa bình trong năm mới.
Ngược lại quốc tế có thể chứng kiến một cuộc đối đầu nóng bỏng hơn giữa Mỹ và Trung Quốc. Chính sách của Donald Trump được cho là sẽ chuyển hướng từ châu Âu, Trung Đông sang châu Á, nhằm vào cường quốc số một nơi đây trong quản lý, đối phó các vấn đề về kinh tế và tranh chấp ở Biển Đông.
Brexit và phong trào dân túy cánh hữu đe dọa sự bền vững của châu Âu
Năm 2016 chứng kiến một cú sốc lớn của châu Âu khi chủ nghĩa dân túy lên ngôi kéo theo việc nước Anh chính thức lựa chọn rời khỏi Liên minh châu Âu bằng cuộc trưng cầu dân ý Brexit. Không dừng lại ở Vương quốc Anh, làn sóng dân túy đang ào ạt tấn công vào các thành trì khác ở châu Âu, trong đó có cả Ý, Pháp, Áo, Hà Lan, Đức.
Châu Âu hiện đang chia thành hai làn sóng tư tưởng rõ ràng. Một bên là các đảng chính trị muốn tiếp tục duy trì sự gắn kết tập thể của cả châu lục trong việc giải quyết vấn đề chung về kinh tế, an ninh cũng như duy trì đồng tiền chung Euro và chấp nhận làn sóng người nhập cư. Ngược lại, phong trào cánh hữu dân túy ở các quốc gia lại muốn đi theo chủ nghĩa biệt lập, rời bỏ EU và phản đối chứa chấp người tị nạn.
Với việc 2017 là năm sẽ diễn ra rất nhiều cuộc bầu cử ở châu Âu, đã có dự đoán, đây sẽ là sự lên ngôi của chủ nghĩa dân túy lan tỏa ra khắp châu lục. Nhân vật gây chấn động châu Âu hiện tại phải nói đến là Chủ tịch đảng Mặt trận Quốc gia Pháp Marine Le Pen - người đang là ứng viên tranh cử Tổng thống trong năm tới. Bà Le Pen là người cam kết sẽ thúc đẩy Pháp rời EU giống như nước Anh đã từng thực hiện.
Ở Italy, sự thất bại của Thủ tướng Matteo Renzi trong cuộc trưng cầu hồi đầu tháng 12/2016 đã báo trước cho sự suy sụp của phe cánh tả ở quốc gia này. Sự nổi lên của Phong trào 5 Sao và Liên đoàn phương Bắc đang được dự đoán sẽ là các nhóm nắm quyền lực trong cuộc bầu cử tiếp theo. Trong khi đó, uy tín của Thủ tướng Đức Angela Merkel đã sụt giảm thảm hại sau quyết tâm của bà về vấn đề hỗ trợ người nhập cư.
Với sự lên ngôi của chủ nghĩa dân túy, sự lung lay của Liên minh châu Âu chưa bao giờ hiện hữu một cách đáng lo ngại đến như vậy. Trong năm 2017, giới quan sát dự đoán có thể sẽ có thêm những cuộc tháo chạy hàng loạt khỏi EU, trong đó có những quốc gia rường cột của tổ chức này. Với viễn cảnh như vậy, một cuộc khủng hoảng về chính trị, kinh tế diễn ra khi thể thống nhất của châu Âu bị phá vỡ là điều có thể dự đoán trước. Điều này được dự báo sẽ không chỉ gây ra những hậu quả đối với riêng lục địa này mà lan tỏa ra khắp thế giới. Cùng với đó những bất đồng giữa các thành viên tổ chức này có gây nên những căng thẳng với Mỹ, cũng như gây ra những bất ổn và sự xáo trộn trong xã hội.
Tuy nhiên đây cũng có thể là giải pháp tốt cho châu Âu trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn, điều đang gây nên những hệ lụy tồi tệ cho châu lục này.
Trung Đông có bước tiến mới, cuộc khủng hoảng Ukraine vẫn bế tắc
Sự tham gia của Nga ở Syria bước đầu đã đem lại nhiều thắng lợi cho Chính phủ hợp pháp của Tổng thống Bashar Al-Assad trong cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS và phe đối lập được giật dây bởi liên minh phương Tây. Không muốn lâm vào sai lầm như ở Lybia 4 năm trước, việc Moscow nhanh chóng hiện diện ở Syria không chỉ khiến cục diện ở quốc gia này đi theo một hướng khác mà còn khiến cho Mỹ rơi vào vũng lầy chính cường quốc số một thế giới tự tạo ra.
Với những quyết định dứt khoát và cứng rắn của mình, tình hình ở Syria giờ đây đang đi vào những diễn biến thuận lợi khi quân chính phủ đã chính thức giải phóng TP. Aleppo – cứ điểm tập trung đông đúc nhất của IS và phe nổi dậy.
Giành lại quyền kiểm soát Aleppo sẽ được coi là thắng lợi quan trọng nhất đối với chính quyền Tổng thống Assad kể từ khi nội chiến nổ ra ở quốc gia Trung Đông này năm 2011. Điều này sẽ tạo lợi thế trên bàn đàm phán sau cùng mà ở đó, quyết tâm của Mỹ trong việc lật đổ Chính phủ hợp pháp ở quốc gia này đã không còn cơ hội thành hiện thực.
Nga đang tạo cho mình một chỗ đứng vững chắc hơn bao giờ hết ở Trung Đông khi cùng lập nên một liên minh bán quân sự với Iran, điều cho phép Moscow mở rộng ảnh hưởng khắp vùng Vịnh Ba Tư, bên cạnh việc duy trì một mối quan hệ chặt chẽ với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và phá băng quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ sau gần một năm. Ngay cả đồng minh thân cận nhất với Mỹ là Ả Rập Xê Út cũng đang cố gắng phối hợp với Moscow để tìm phương hướng ổn định thị trường dầu mỏ đang lao dốc.
Trung Đông được dự báo sẽ có bước tiến mới trong giải quyết tình trạng bạo động trong khu vực, các cuộc xung đột sắc tộc, chủ nghĩa khủng bố mà ở đó các cường quốc tham gia sẽ có trách nhiệm hơn trong việc mang lại hòa bình, ổn định, thay vì tranh giành các lợi ích về địa chính trị hay nguồn tài nguyên dồi dào nơi đây.
Trong khi đó tình hình quan hệ Nga-Ukraine trong năm 2017 không được đánh giá sẽ có nhiều thay đổi sau khi diễn biến gần đây cho thấy hai nước vẫn không thể giải tỏa căng thẳng xung quanh vấn đề bán đảo Crimea.
Nga vừa triển khai hệ thống tên lửa phòng không S-400 đến khu vực này, đồng thời tiến hành các cuộc tập trận rầm rộ quy mô rất lớn. Ukraine cũng tuyên bố đặt quân đội ở miền Đông và vùng giáp Crimea trong tình trạng báo động. Điều này khiến giới quan sát lo ngại Nga hoàn toàn sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh bất cứ lúc nào.
Tuy nhiên giới phân tích quân sự nói hoạt động quân sự Moscow sẽ có quy mô hạn chế và thận trọng hơn dự đoán. Nga có thể muốn thay đổi cán cân quyền lực ở Ukraine hoặc chiếm một vùng đất nhỏ hay các chốt biên giới để thử phản ứng của NATO và Mỹ. Đây được coi là động thái gây sức ép lên các biện pháp trừng phạt từ phía châu Âu đang áp đặt với Moscow.
Với việc châu Âu đang phải đối mặt với những khó khăn nội tại, trong năm tới cán cân quyền lực trong cuộc khủng hoảng Ukraine sẽ đi theo những hướng có lợi hơn so với Nga trong bối cảnh Mỹ và châu Âu đang bận giải quyết những mối lo của riêng mình.
Châu Á-Thái Bình Dương: Điểm nóng mới trong năm 2017
Năm 2017 cả thế giới sẽ phải chú ý nhiều hơn đến sự trỗi dậy của Trung Quốc, quốc gia đang vươn lên ngôi vị số 1 của nền kinh tế toàn cầu. Trong những năm qua, Trung Quốc đã chuyển từ “giấu mình chờ thời” sang tầm nhìn "Giấc mộng Trung Hoa" với mục tiêu trở thành một cường quốc đầu tàu dẫn dắt sự phát triển kinh tế, an ninh toàn cầu, sánh ngang với vị thế của Mỹ và các cường quốc khác trên thế giới.
Tuy nhiên cũng vì tham vọng nói trên, Trung Quốc tiếp tục có những hành động bành trướng xâm lấn chủ quyền của các nước khác trong khu vực, gây leo thang căng thẳng ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Với việc bị cả dư luận thế giới phản đối, cũng như phải đón nhận một phán quyết bất lợi từ Tòa án quốc tế, Trung Quốc đã phải giấu mình trong khoảng thời gian dài cuối năm 2016.
Tuy nhiên, theo cảnh báo của một số chuyên gia thì, khi mọi thứ dần lắng xuống, Trung Quốc có thể tiếp tục hành động khiêu khích của mình như tiếp tục cải tạo, quân sự hóa trên các đảo phi pháp hoặc gây hấn với các tàu thuyền hoạt động ở Biển Đông như một động thái thử phản ứng từ chính quyền mới của Tổng thống đắc cử Donald Trump; đồng thời khuấy động thêm những căng thẳng vào đầu năm 2017.
Bên cạnh sự nổi lên mạnh mẽ của Trung Quốc ở châu Á cũng không thể không nhắc đến quyền lực đáng gờm đến từ Ấn Độ. Quốc gia Nam Á đang nhận được sự chú ý từ cả hai cường quốc hàng đầu thế giới là Nga và Mỹ với mong muốn có được một sự gần gũi với nền kinh tế đứng thứ ba thế giới này.
Không chỉ mạnh mẽ về kinh tế, New Delhi còn có tiềm lực quân sự dồi dào và ngày càng nổi lên như một cường quốc có tầm ảnh hưởng lớn ở châu lục. Với việc coi sự bành trướng của Trung Quốc là mối nguy hại với lợi ích quốc gia, Ấn Độ đang là nước ủng hộ các quốc gia Đông Nam Á trong các tranh chấp ở Biển Đông và hứa hẹn sẽ có những động thái thể hiện rõ thái độ trong thời gian tới.
Với việc Nga và Trung Quốc ngày càng gần gũi nhau như một liên minh không chính thức, trong khi chính sách đối ngoại mới của Mỹ sẽ có những thay đổi đáng kể ở châu Á-Thái Bình Dương, khu vực này được dự đoán sẽ là “sân khấu” tiếp theo cho cả 3 quyền lực lớn hiện tại phô diễn tầm ảnh hưởng và thu thập lợi ích tại nơi đây. Ngoài ra, vị Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cũng trở thành cái tên sẽ gây được nhiều sự chú ý trong năm tới khi quốc gia này vẫn lập lờ trong mối quan hệ với Trung Quốc và Mỹ.
Trong khi đó, Nhật Bản sẽ có động thái lần đầu tiên trong nhiều năm qua khi tạm gác các vấn đề tranh chấp lãnh thổ để xích lại gần hơn với Nga trong các vấn đề hợp tác an ninh, kinh tế, trong bối cảnh chính sách mới của Tổng thống đắc cử Donald Trump đang đe dọa sẽ sớm rời bỏ đồng minh lâu năm ở Đông Bắc Á.
Nền chính trị Hàn Quốc cũng sẽ có những biến động mạnh mẽ sau bê bối của Tổng thống Park Geun-Hye, người đã tuyên bố sẽ từ chức vào đầu năm 2017. Với tư tưởng dân túy của mình, ông Lee Jae-myung - nhân vật được mô tả như ông Donald Trump của Hàn Quốc đang trở thành ứng viên sáng giá nhất cho vai trò nhà lãnh đạo mới. Tuy nhiên, ông sẽ phải cạnh tranh gắt gao với Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon và chính trị gia Moon Jae-in.
Tiến trình giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân ở bán đảo Triều Tiên vẫn là điều khó dự đoán khi gần đây trong một phát ngôn chính thức, một quan chức cấp cao Bình Nhưỡng đã nói, quốc gia này không quan tâm ai trở thành Tổng thống Mỹ mà chỉ quan tâm đến việc Washington có từ bỏ các chính sách thù địch nhằm vào Triều Tiên hay không.
Về cơ bản, chiến thắng của một chính khách khó lường như ông Donald Trump đang trở thành yếu tố tạo nên những bất ngờ khó đoán trong quan hệ chính trị quốc tế toàn cầu. Giới phân tích nhận định, mọi sự biến động trong năm tới sẽ phụ thuộc rất nhiều vào những chính sách ban hành của nhà lãnh đạo mới đến từ nước Mỹ.
Nhiều chuyên gia lạc quan đánh giá, trong năm 2017 mặc dù chủ nghĩa khủng bố sẽ vẫn còn là mối đe dọa hiện hữu tại nhiều nơi, hay nền kinh tế thế giới vẫn theo chiều hướng suy giảm, tuy nhiên với việc cán cân quyền lực đang trở nên cân bằng và xu hướng đa cực hóa đang được định hình, các cường quốc trên thế giới sẽ tiến đến bắt tay nhau nhiều hơn trong giải quyết các bất ổn, các vấn đề đang gây nhức nhối cho cả nhân loại, thay vì quá tập trung tìm kiếm những lợi ích của riêng mình.
Quốc Vinh